
Chạy đua phát triển dự án…
Vào giữa tháng 3/2025, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Singapore của Tổng Bí thư Tô Lâm, dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư và Thủ tướng Singapore Lawrence Wong, đại diện UBND tỉnh Nghệ An và UBND tỉnh Nam Định đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu công nghiệp VSIP Nghệ An 3 và dự án xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Hải Long (VSIP Nam Định) giai đoạn 1 cho Tập đoàn Sembcorp và Công ty cổ phần Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP).
Hai dự án có quy mô lần lượt là 181 ha (huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An - vốn đầu tư 1.337 tỷ đồng) và 180 ha (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định - vốn đầu tư hơn 2,249 tỷ đồng).
Tiếp đó, vào ngày 26/3/2025, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Singapore Lawrence Wong tham dự lễ khởi công dự án Khu công nghiệp VSIP Thái Bình theo hình thức trực tuyến, kết nối từ trụ sở Chính phủ tới Khu công nghiệp VSIP Thái Bình tại 2 xã An Tân và Thụy Trường, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Dự án có quy mô 333,4 ha, tổng vốn đầu tư hơn 4.932 tỷ đồng, do VSIP là nhà đầu tư.
Có thể thấy, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế trong những tháng đầu năm 2025. Báo cáo của Cục Thống kê, Bộ Tài chính cho biết, trong 2 tháng đầu năm, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt gần 6,9 tỷ USD, tăng 35,5% so với cùng kỳ năm trước.
Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia dự báo, năm 2025 có thể sẽ chứng kiến dòng vốn FDI đổ mạnh vào Việt Nam và theo đó, FDI giải ngân trong năm nay có khả năng vượt 30 tỷ USD. Đáng chú ý, dòng vốn này khả năng cao sẽ dồn mạnh vào các ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, logistics, dược phẩm…
Nắm bắt được xu hướng trên, nhiều nhà phát triển bất động sản công nghiệp đã liên tục công bố các kế hoạch phát triển dự án của mình.
Đơn cử, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam - Công ty cổ phần (mã GVR) và Tổng công ty cổ phần Phát triển khu công nghiệp - Sonadezi (mã SNZ) đã đề xuất với tỉnh Bình Thuận về việc triển khai thêm các dự án khu công nghiệp tại đây. Theo đó, Công ty cổ phần Sonadezi Bình Thuận (thành viên của Sonadezi) đề xuất mở rộng quy mô Khu công nghiệp Tân Đức (giai đoạn 2).
Tương tự, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam đề xuất triển khai dự án hạ tầng khu công nghiệp tại khu vực phía Nam Bình Thuận với mô hình khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp sinh thái tuần hoàn, gắn với chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao.
Trong một diễn biến khác, Viglacera Yên Mỹ - công ty con của Tổng công ty Viglacera - Công ty cổ phần (mã VGC) cho biết sẽ khởi công Khu công nghiệp Dốc Đá Trắng tại xã Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa vào ngày 1/4/2025.
Dự án có quy mô 287 ha, vốn đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng. Theo chủ đầu tư dự án, đây sẽ là nơi thu hút đầu tư các ngành công nghiệp điện, điện tử, viễn thông, dược phẩm, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo…
Cũng trong xu hướng dịch chuyển để đón sóng đầu tư, Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín - TTC Land (mã SCR) vừa công bố kế hoạch mở rộng sang lĩnh vực cho thuê nhà xưởng và khu công nghiệp.
Theo đó, TTC Land sẽ thuê lại quyền sử dụng đất và nhận chuyển nhượng nhà xưởng xây sẵn từ Công ty cổ phần Khu công nghiệp Thành Thành Công (TTC IZ) tại Khu công nghiệp Thành Thành Công (tỉnh Tây Ninh). Tổng diện tích nhà xưởng xây sẵn được chuyển nhượng gần 5 ha, tổng giá trị giao dịch hơn 184 tỷ đồng.
… và những câu chuyện thị trường
Bà Vân Nguyễn - Giám đốc cấp cao Khối Giao dịch miền Bắc, JLL Việt Nam đánh giá, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á cho lĩnh vực sản xuất nhờ vị trí chiến lược và lợi thế từ chiến lược “Trung Quốc +1”.
Việt Nam đang hưởng lợi từ những thay đổi trong chính sách thu hút đầu tư tại mỗi địa phương, sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu và kế hoạch phát triển hạ tầng đầy tham vọng, giúp nâng cao sức hấp dẫn của thị trường công nghiệp và chuỗi cung ứng trong nước.
Khối ngoại có thể có mức giá thuê cao hơn vài chục phần trăm, nhưng nhà đầu tư vẫn tìm đến bởi cách làm chuyên nghiệp, thực hiện đúng các cam kết, trong khi không ít nhà phát triển dự án trong nước đưa ra những cam kết hấp dẫn để thu hút khách thuê, nhưng sau đó không thực hiện được, dẫn đến mất uy tín.
Theo bà Vân, thị trường công nghiệp và chuỗi cung ứng của Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, với mức FDI thực hiện đạt mức kỷ lục 25,4 tỷ USD vào năm 2024. Lĩnh vực sản xuất và bất động sản công nghiệp vẫn là những ngành nhận vốn FDI lớn nhất.
Đặc biệt, thị trường đang mở rộng ra ngoài các trung tâm truyền thống nhờ vào sự cải thiện của hệ thống hạ tầng giao thông kết nối và xu hướng phát triển các khu công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Điều này phản ánh tầm quan trọng ngày càng tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tương tự, ông Trương Ngọc Minh - Giám đốc Công ty FIBIC cho biết, thời gian qua, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam ghi nhận nhiều xu hướng đáng chú ý, đặc biệt là sự gia nhập thị trường mạnh mẽ của các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc đại lục và Đài Loan (Trung Quốc) trong lĩnh vực điện tử và chuỗi cung ứng ô tô.
Sự dịch chuyển này không chỉ xuất phát từ chiến lược “Trung Quốc +1” nhằm giảm thiểu rủi ro trong bối cảnh tình hình địa chính trị phức tạp, mà còn do Việt Nam ngày càng cải thiện được năng lực hạ tầng và chính sách thu hút đầu tư.
Theo ông Minh, những tập đoàn lớn trong lĩnh vực linh kiện điện tử, ô tô và sản xuất mô-đun năng lượng mới đang tìm kiếm các vị trí chiến lược để đặt nhà máy, không chỉ trong các thủ phủ công nghiệp truyền thống như Bắc Ninh, Hải Phòng, Bình Dương…, mà còn mở rộng ra các địa phương mới nổi như Quảng Ninh, Thái Bình và Nghệ An.
Bình luận thêm về tâm lý nhà đầu tư, ông Minh cho biết, khi cân nhắc đầu tư vào Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt từ Trung Quốc đại lục và Đài Loan, thường quan tâm đến 3 yếu tố cốt lõi: Cơ chế, chính sách ưu đãi thuế và hỗ trợ từ chính quyền địa phương; chất lượng hạ tầng và chuỗi cung ứng; tốc độ triển khai dự án và mức độ sẵn sàng.
Ngoài ra, một điểm thấy rõ là các nhà đầu tư Trung Quốc đại lục và Đài Loan có xu hướng đưa ra quyết định và yêu cầu tiến độ triển khai nhanh hơn đáng kể so với nhà đầu tư tới từ Nhật, châu Âu…, nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng như cam kết. Vì vậy, những khu công nghiệp có sẵn mặt bằng, pháp lý rõ ràng và quy trình cấp phép nhanh sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn.
Còn ông Phạm Văn Nam - chuyên gia bất động sản công nghiệp từ Cổng thông tin Khu công nghiệp Việt Nam cho hay, đến năm 2030, Việt Nam có thể mở rộng thêm 87.308 ha khu công nghiệp, trong đó 37.500 ha từ 126 khu công nghiệp hiện hữu đang giải phóng mặt mặt và hoàn thiện thủ tục đầu tư; 49.808 ha dư địa quỹ đất phát triển mới.
Theo ông Nam, tài nguyên đất công nghiệp của Việt Nam đã gần tới hạn nên một đòi hỏi quan trọng là các nhà phát triển khu công nghiệp phải nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, từ đó tăng hiệu quả hoạt động, đặc biệt với các nhà phát triển dự án trong nước.
Một vấn đề khác là “tác phong” doanh nghiệp cũng được ông Nam đề cập đến. Ông Nam cho biết, trên thực tế, giá thuê đất khu công nghiệp giữa 2 khối nội - ngoại vẫn có một khoảng cách không nhỏ.
Khối ngoại có thể có mức giá thuê cao hơn vài chục phần trăm, nhưng nhà đầu tư vẫn tìm đến bởi cách làm chuyên nghiệp, thực hiện đúng các cam kết, trong khi không ít nhà phát triển dự án trong nước đưa ra những cam kết hấp dẫn để thu hút khách thuê, nhưng sau đó không thực hiện được, dẫn đến mất uy tín.
“Có những doanh nghiệp cam kết với nhà đầu tư là có bộ phận một cửa hỗ trợ khách hàng, nhưng khi triển khai thì lại không có. Thậm chí, trong mảng kinh doanh khu công nghiệp, có cả những bên ‘ăn chặn” tiền hoa hồng của môi giới, gây ra hình ảnh thiếu chuyên nghiệp trong mắt khách thuê”, ông Nam nói.