Bất ngờ phát sinh tranh chấp
Theo phản ánh của một số cư dân Tòa nhà N08B, Khu đô thị Dịch Vọng (quận Cầu Giấy, Hà Nội), tòa nhà này đã được chủ đầu tư là Công ty cổ phần Thanh Bình Hà Nội hoàn thiện và bàn giao cho cư dân từ năm 2010.
Năm 2012, chủ đầu tư yêu cầu ký thanh lý hợp đồng với các hộ dân để hoàn tất thủ tục tiến hành làm sổ đỏ, một số hộ dân rất bất ngờ khi được yêu cầu đóng thêm 2% phí bảo trì tòa nhà.
Theo nhiều hộ dân, hợp đồng không có quy định, đồng nghĩa phí bảo trì 2% đã được tính vào giá bán căn hộ. Vì thế, việc chủ đầu tư yêu cầu khách hàng đóng thêm 2% phí bảo trì là vô lý và có dấu hiệu trục lợi.
Trong khi căng thẳng liên quan đến việc tính phí bảo trì tại tòa chung cư vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, thì hàng loạt căng thẳng mới tiếp tục phát sinh.
Theo phản ánh của cư dân, Công ty Thanh Bình có dấu hiệu nhập nhèm trong việc chiếm dụng phần diện tích chung tại tầng 1 để cho thuê làm cửa siêu thị, cửa hàng ăn uống, gây mất an toàn trong phòng cháy, chữa cháy. Ngoài ra, việc chủ đầu tư xây thêm tầng áp mái làm ảnh hưởng đến chất lượng tòa nhà và đời sống cư dân.
Theo các cư dân, Tòa nhà N08B chỉ được phê duyệt thiết kế với 9 tầng, nhưng chủ đầu tư đã tự ý cơi nới xây thêm tầng 10, làm bịt toàn bộ hệ thống thông gió, hệ thống hút khói và hệ thống hút ống xả rác của toà nhà, làm cho các căn hộ không được thoáng khí, một số căn bộ bị ảnh hưởng nặng của mùi rác thải và mùi nấu nướng.
Trong khi đó, tầng 1 tòa nhà có chức năng là nơi sinh hoạt cộng đồng và nơi để xe, chủ đầu tư lại tiến hành cải tạo cho thuê làm nhà hàn, khiến lối thoát hiểm tòa nhà bị bịt kín, bị ô nhiễm nghiêm trọng và tăng nguy cơ cháy nổ.
Hợp thức hóa sai phạm?
Liên quan đến các sai phạm mà cư dân phản ánh, mới đây, Công ty cổ phần Thanh Bình Hà Nội đã có văn bản ủy quyền cho Công ty Luật Khai Phong trả lời những phản ánh trên.
Theo viện dẫn của Công ty Thanh Bình, Nghị định 71/2010/NĐ-CP quy định khoản phí bảo trì “được quy định rõ trong hợp đồng mua bán”. Trong khi đó, Hợp đồng mua bán căn hộ giữa Công ty và các khách hàng tại Tòa N08B không quy định cách tính giá bán đã bao gồm 2% phí bảo trì. Cách tính này, theo phía chủ đầu tư, đã có khoảng 90% khách hàng thừa nhận, ký vào biên bản thanh lý.
Ngoài ra, chủ đầu tư cũng đã bàn giao phí bảo trì cho Ban quản trị tòa nhà. Vì thế, cáo buộc chủ đầu tư chiếm dụng khoản phí bảo trì là vô lý.
Về phản ánh chiếm dụng phần diện tích chung tại tầng 1, Công ty Thanh Bình khẳng định, các hợp đồng mua bán không có quy định tầng 1 là phần diện tích chung. Đơn vị này cung dẫn chứng tại Báo cáo kiểm toán ngày 10/10/2011 do Công ty Kiểm toán Âu Lạc thực hiện, đã xác định phần diện tích tầng 1 là tách riêng và không phân bổ vào diện tích căn hộ, nên thuộc diện tích riêng của chủ đầu tư.
Liên quan đến phần diện tích xây thêm tại tầng áp mái, Công ty Thanh Bình viện dẫn quy định tại khoản 9, Điều 13, Nghị định 121/2013/NĐ-CP, quy định việc xây thêm công trình sai phép thì bị xử phạt hành chính và được cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng. Đồng thời khẳng định, chủ đầu tư nghiêm chỉnh thực hiện theo quy định, nên những cáo buộc của một số hộ dân là không có cơ sở.
Trao đổi với Đầu tư Bất Động sản, Luật sư Bùi Quang Hưng, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, đúng là Nghị định 71/2010 không quy định rõ ràng hợp đồng phải quy định rõ tiền giá bán nhà và phí bảo trì. Tuy nhiên, ở đây chủ đầu tư không chặt chẽ trong soạn hợp đồng, gây ra sự hiểu lầm. Vì thế, để tòa nhà có quỹ bảo trì lâu dài, cư dân chắc chắn phải đóng bổ sung, nếu hợp đồng không quy định giá bán đã bao gồm 2% phí bảo trì.
Về việc chủ đầu tư xây thêm công trình ngoài giấy phép rồi hợp thức hóa phần diện tích này, theo luật sư Hưng, hiện tượng này từng diễn ra khá phổ biến và thường khiến cư dân bức xúc. Đề giảm bức xúc của cư dân, hạn chế tranh chấp phát sinh, theo ông Hưng, chủ đầu tư cần phải công khai minh bạch toàn bộ quy trình để cư dân nắm được.