Chống tham nhũng không “chùng xuống”

0:00 / 0:00
0:00
Công cuộc phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh, song tham nhũng diễn biến rất phức tạp, tinh vi hơn.
Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đình chỉ cả cán bộ cấp cao để điều tra án tham nhũng

Trong bối cảnh đặc biệt của năm 2020 với tác động chưa từng có của đại dịch Covid-19, công tác phòng, chống tham nhũng đã không “chững lại” hay “chùng xuống”, mà tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả tích cực, khẳng định mạnh mẽ quyết tâm chống tham nhũng “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ” của Đảng.

Đó là thông tin được nhấn mạnh ở cả báo cáo của Chính phủ và thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020. Nội dung này được báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 14/9, cùng với các báo cáo trong lĩnh vực tư pháp.

Theo đánh giá của Chính phủ, nhìn chung, tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm, mặc dù vẫn còn phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực và tinh vi hơn, nhất là tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc để vụ lợi.

Về kết quả, Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, nhiều trường hợp cán bộ đã được tạm đình chỉ công tác kịp thời để phục vụ việc điều tra các vụ án, trong đó có cả cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Đó là Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến.

Kết quả đáng chú ý khác là trong kỳ báo cáo (từ ngày 1/10/2019 đến 31/7/2020), có 81 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm, để xảy ra tham nhũng; đã xử lý kỷ luật 62 người (tăng 66,1% so với năm 2019), trong đó có 12 người bị xử lý hình sự khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.

Các cơ quan điều tra trong công an đã thụ lý điều tra 508 vụ án, 1.186 bị can phạm tội về tham nhũng, trong đó khởi tố mới 286 vụ, 606 bị can (tăng 15 vụ, 58 bị can so với cùng kỳ năm 2019).

Những vụ việc này đã gây thiệt hại trên 9.000 tỷ đồng và 45.503,5 m2 đất. Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý 388 vụ, với 1.101 bị cáo; đã xét xử sơ thẩm 203 vụ với 523 bị cáo về các tội tham nhũng, so với cùng kỳ năm trước thụ lý giảm 21 vụ và tăng 74 bị cáo.

Cần đánh giá đúng thực trạng tham nhũng

Báo cáo của Chính phủ về phòng, chống tham nhũng cũng chỉ ra không ít khó khăn, vướng mắc trong công tác này. Trong đó, đáng chú ý, theo Luật Phòng, chống tham nhũng (năm 2018), việc kê khai tài sản lần đầu phải hoàn thành trước ngày 31/12/2019, nhưng do nghị định của Chính phủ quy định chi tiết về kiểm soát tài sản, thu nhập chưa được ban hành, nên việc kê khai tài sản, thu nhập theo luật này chưa thực hiện được.

Tuy nhiên, Chính phủ cho biết, việc kê khai tài sản, thu nhập liên quan nhân sự chủ chốt phục vụ đại hội đảng bộ các cấp đã được tiến hành nghiêm túc theo đúng Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Sự chậm trễ này cũng được Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (cơ quan thẩm tra báo cáo của Chính phủ) nhìn nhận là một hạn chế trong xây dựng, hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng.

Vẫn liên quan những hạn chế trong phòng, chống tham nhũng, Ủy ban Tư pháp cho rằng, số vụ án tham nhũng được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử thời gian qua còn chưa phản ánh đúng thực trạng tình hình tham nhũng. Việc phát hiện tham nhũng thông qua công tác tự kiểm tra nội bộ, kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới là khâu yếu tồn tại nhiều năm, nhưng vẫn chưa được khắc phục.

Hoạt động của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu; số vụ việc, vụ án tham nhũng do cơ quan điều tra chuyên trách phát hiện, khởi tố, điều tra còn ít. Việc giải quyết tin báo, tố giác tội phạm về tham nhũng chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao.

Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết: “Các cơ quan đã giải quyết 276/385 tin báo, tố giác về tham nhũng, đạt 71,6%, thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội giao tại Nghị quyết số 96/2019/QH14 là phải đạt trên 90%”.

Cơ quan thẩm tra cũng nhấn mạnh, vẫn còn tình trạng tham nhũng ngay trong chính các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan tư pháp, cơ quan có chức năng chống tham nhũng, làm ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật. Đây là những vấn đề cần được Chính phủ, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao đánh giá đúng về thực trạng và có giải pháp khắc phục.

Nhận xét chung, Ủy ban Tư pháp nêu rõ, đánh giá về tình hình tham nhũng tại báo cáo của Chính phủ còn sơ lược, Chính phủ chưa đánh giá cụ thể về tình hình tham nhũng năm 2020.

“Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc đánh giá, phản ánh đúng, đầy đủ tình hình tham nhũng năm 2020 sẽ là cơ sở quan trọng cho việc dự báo về tình hình tham nhũng giai đoạn tới để đề ra giải pháp phòng, chống tham nhũng sát thực, hiệu quả. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần có đánh giá cụ thể về tình hình tham nhũng năm 2020 để báo cáo trước Quốc hội theo đúng quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng”, bà Lê Thị Nga nhấn mạnh.

Do phần thảo luận cho tất cả các báo cáo chỉ chưa đến một giờ, nên các ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đề cập sâu về phòng, chống tham nhũng.

Cần một cách nhìn khác về hình sự hóa quan hệ kinh tế

Liên quan vấn đề hình sự hóa quan hệ hành chính, kinh tế, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu: “Người ta nói với nhau là ở khu vực ngoài nhà nước, thì có thể 8/10 vụ làm ăn không hiệu quả, nhưng không sao cả. Nhưng trong khu vực nhà nước, 10 vụ, 10 hợp đồng mà đúng 9 rồi, chỉ cần 1 vụ sai, gây hậu quả là chúng ta hình sự, truy cứu. Đây là vấn đề cũng phải đặt ra trong chính sách”.

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, các cơ quan tư pháp cần tham mưu với Đảng, Nhà nước, nếu nhìn từ vụ riêng lẻ, đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì xử lý, nhưng nếu nhìn trong tổng thể sản xuất - kinh doanh của một doanh nghiệp, đơn vị trong 1 năm, mà những vấn đề này có liên quan tới nhau, thì phải có cách nhìn khác. Như vậy mới tạo ra được hành lang pháp lý để người dân, doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất - kinh doanh.

“Tôi đề nghị các cơ quan tư pháp, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán phải nhìn nhận vấn đề này”, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói.

An Nguyên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục