Chống rửa tiền: “cuộc chiến” về công nghệ thông tin

(ĐTCK) Xu thế hội nhập kinh tế quốc tế mở ra nhiều cơ hội kinh doanh cũng như tiếp cận những thông lệ quản trị tiên tiến trên thế giới cho các ngân hàng. 
Ứng dụng công nghệ thông tin chính là mấu chốt trong phòng, chống rửa tiền Ứng dụng công nghệ thông tin chính là mấu chốt trong phòng, chống rửa tiền

Tuy nhiên, rủi ro và nguy cơ tội phạm trong lĩnh vực này cũng gia tăng, đòi hỏi các NHTM phải tăng cường đầu tư, phát triển các giải pháp phòng chống. Trong đó, phòng chống rửa tiền và chống tài trợ cho khủng bố là mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia và các tổ chức quốc tế.

Theo UNODC (Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hiệp quốc), Việt Nam là quốc gia dễ bị lợi dụng để thực hiện hoạt động rửa tiền bậc nhất, do tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn, nhưng lại thiếu các quy định chặt chẽ về lưu thông tiền mặt. Vì thế, trong môi trường hội nhập hiện nay, các hoạt động phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ cho khủng bố càng phải được các ngân hàng đặt lên hàng đầu.

Trao đổi với ĐTCK, bà Văn Thành Khánh Linh, Giám đốc Khối quản lý rủi ro, VietCapital Bank cho biết, Ngân hàng đã hợp tác phát triển giải pháp phòng chống rửa tiền cùng CTCP Komtek và FircoSoft, nhằm nâng cao khả năng quản trị rủi ro trong ngân hàng và tuân thủ quy định của NHNN. Theo bà Linh, VietCapital Bank sẽ phối hợp với đối tác để lọc danh sách “đen”, bởi với những giao dịch đã được liệt vào danh sách “đen”, Ngân hàng đã phần nào nhận biết để dễ dàng sàng lọc khách hàng, sớm loại trừ được rủi ro. Với các khách hàng mới, Ngân hàng cũng phải tìm hiểu tất cả thông tin vào - ra để kiểm soát rủi ro.

“Vừa qua, NHNN đã có văn bản yêu cầu các NHTM phải tuân thủ việc quản lý rủi ro và chuẩn bị áp dụng Basel II. Vì thế, việc tuân thủ các quy định về phòng, chống rửa tiền là cần thiết cho hoạt động ngân hàng”, bà Linh nói.

Chủ tịch HĐQT một ngân hàng cũng cho hay, với xu hướng toàn cầu hóa, các ngân hàng trong nước không ngừng mở rộng hoạt động, thiết lập quan hệ với nhiều định chế tài chính trên thế giới, việc tăng cường công tác quản lý, tuân thủ phòng, chống rửa tiền là hết sức cần thiết. Vì thế, Ngân hàng đã chú trọng đến việc xây dựng cơ chế, chính sách, nhân sự, hệ thống công nghệ thông tin để ngăn chặn giao dịch rửa tiền.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Cục trưởng Cục phòng chống rửa tiền (NHNN) cho rằng, việc ứng dụng công nghệ thông tin chính là mấu chốt trong phòng, chống rửa tiền. Đây là một “cuộc chiến” về ứng dụng công nghệ thông tin giữa một bên là những đối tượng lợi dụng hệ thống ngân hàng để rửa tiền và bên kia là những người chống rửa tiền.

Hiện các ngân hàng đã xây dựng, ban hành quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền theo quy định tại Nghị định 74/2005/NĐ-CP. Nhưng theo ông Ngọc, các ngân hàng cần nghiên cứu các quy định, chuẩn mực quốc tế về vấn đề này và điều kiện thực tế ngân hàng để xây dựng quy định nội bộ phù hợp, đạt hiệu quả cao… Mặt khác, các ngân hàng cần tăng cường đào tạo, nâng cao nhận thức và kỹ năng phát hiện các giao dịch đáng ngờ liên quan đến rửa tiền cho cán bộ, nhân viên, đặc biệt là nhân viên có giao dịch trực tiếp với khách hàng.

Cũng theo ông Ngọc, việc nhận biết và cập nhật thông tin khách hàng được xem là nội dung cốt lõi trong công tác phòng, chống rửa tiền. Các ngân hàng được phép thực hiện chuyển tiền điện tử quốc tế phải xây dựng hệ thống công nghệ thông tin phù hợp phục vụ cho việc báo cáo bằng tệp dữ liệu điện tử và phải có hệ thống phần mềm để lọc và phân tích các giao dịch, nhằm mục đích phòng, chống rửa tiền và ngăn ngừa các rủi ro khác. Quan trọng hơn, ngân hàng phải nhận thức rằng, để không bị tội phạm lạm dụng để rửa tiền, thì ngay bây giờ, ngân hàng phải tuân thủ các quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền, bởi vấn nạn rửa tiền xuyên quốc gia ngày càng tinh vi.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia tài chính, cần nghiên cứu hoàn thiện quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong việc tuân thủ quy định về phòng, chống rửa tiền áp dụng chung cho tất cả các đối tượng chịu sự điều chỉnh của Luật phòng, chống rửa tiền theo hướng tăng nặng mức độ xử phạt, nhằm đảm bảo tính răn đe, tương thích với rủi ro… 

Năm 2013, Cục Phòng chống rửa tiền thuộc NHNN đã nhận được hơn 700 báo cáo giao dịch đáng ngờ và căn cứ vào kết quả xử lý thông tin, báo cáo đã chuyển giao thông tin liên quan đến rửa tiền cho cơ quan điều tra có thẩm quyền để xử lý. Ngoài ra, để đảm bảo các đối tượng báo cáo tuân thủ pháp luật về phòng, chống rửa tiền, NHNN đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra có nội dung liên quan đến chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố. Được biết, theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đang xây dựng dự thảo Chiến lược quốc gia về chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố giai đoạn 2014 - 2020, trong đó hướng tới mục tiêu xây dựng một cơ chế phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố có hiệu quả ở Việt Nam, nhằm đáp ứng tình hình thực tiễn, tăng cường sự ổn định... 

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục