Chống nội gián bằng sự minh bạch và công bằng

(ĐTCK-online) Nếu các CTCK tuân thủ nguyên tắc công bằng, bình đẳng với mọi khách hàng trong giao dịch, trong thông tin và tư vấn, thì giao dịch nội gián, giao dịch không công bằng sẽ được hạn chế rất nhiều.
Hành vi giao dịch không công bằng, giao dịch nội gián, trách nhiệm trước hết thuộc về CTCK - Ảnh minh họa: TT
Hành vi giao dịch không công bằng, giao dịch nội gián, trách nhiệm trước hết thuộc về CTCK - Ảnh minh họa: TT

Công khai minh bạch thông tin là mối quan hệ giữa công ty và đại chúng

Công ty đại chúng, bao gồm cả công ty niêm yết và chưa niêm yết, sử dụng vốn của công chúng đầu tư để kinh doanh, do đó công ty phải công khai, minh bạch hoạt động trước công chúng - đó là triết lý của vấn đề thông tin. Vì vậy, công khai, minh bạch thông tin là mối quan hệ giữa công ty đại chúng với công chúng đầu tư. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) và Sở GDCK là trung gian quản lý, giám sát, để đảm bảo thông tin từ công ty tới công chúng được tốt nhất. Vì vậy, nội dung thông tin phải thống nhất cho tất cả các công ty, là những gì NĐT cần.

Thông tin rất cần cập nhật, hàng tháng là tốt nhất. Phương thức công bố thông tin nên thống nhất qua Internet. Công ty thiết lập website của mình theo mẫu thống nhất. Tất cả thông tin được công bố qua website, theo thời hạn quy định của UBCK. NĐT và các cơ quan quản lý khai thác thông tin qua website đó.

Tổ chức niêm yết là những người cung cấp chứng khoán và thông tin kinh tế cho thị trường. Nếu DN niêm yết sử dụng thông tin như là những "món quà" cho một hoặc một nhóm nhỏ NĐT, thì thị trường sẽ có giao dịch nội gián. Khi đó, họ phải chịu trách nhiệm về việc này. Nhưng các tổ chức niêm yết không phải chịu trách nhiệm về biến động giá chứng khoán, bởi giá chứng khoán bị ảnh hưởng rất lớn bởi yếu tố tâm lý. Vì vậy, việc buộc DN niêm yết phải giải trình lý do giá cổ phiếu tăng hoặc giảm 5 - 10 phiên liên tục là không hợp lý. Khuyến khích tổ chức niêm yết mua bán cổ phiếu quỹ để giữ giá trên thị trường lại càng không nên. Vì mua cổ phiếu quỹ được luật pháp cho phép chỉ nhằm mục đích là điều chỉnh giảm khối lượng chứng khoán đã phát hành và giảm vốn điều lệ khi thị trường của công ty bị thu hẹp, nhằm ổn định EPS (thu nhập của một cổ phần) mà thôi.

 

Hành vi giao dịch không công bằng, giao dịch nội gián, trách nhiệm trước hết thuộc về CTCK

Trong cơ chế tổ chức và hoạt động của TTCK, CTCK là những thành viên của thị trường, với chức năng là người môi giới giao dịch, người bảo lãnh phát hành và tư vấn tài chính. Như vậy, CTCK là những người chủ thực sự của thị trường. Là những người chủ, nhưng vai trò và trách nhiệm của các CTCK đối với thị trường thời gian qua chưa được coi trọng đúng mức, ở cả chính công ty và ở cơ quan quản lý. CTCK một mặt phải biết làm lợi cho khách hàng (thân chủ) của mình, đồng thời phải biết làm lợi cho cả thị trường, vì thị trường là "vùng đất sống" của CTCK.

Một hiện tượng bất bình thường trong giao dịch của một loại chứng khoán xảy ra, công ty tư vấn phải lo. Sự thành công hay thất bại của một NĐT, tổ chức phát hành hoặc một tổ chức niêm yết, trong đó có công (tội) của công ty tư vấn. Nếu các CTCK tuân thủ nguyên tắc công bằng, bình đẳng với mọi khách hàng trong giao dịch, trong thông tin và tư vấn, thì giao dịch nội gián, giao dịch không công bằng sẽ được hạn chế rất nhiều.

 

Chu kỳ thanh toán là vấn đề kỹ thuật

NĐT đang rất muốn thực hiện chu kỳ thanh toán T+2. Chu kỳ thanh toán T+2 hay T+3 nghĩa là sau 2 hoặc 3 ngày giao dịch, tiền và chứng khoán sẽ về đến tài khoản của người bán và người mua. Đó là vấn đề về kỹ thuật, chứ không phải vấn đề của chính sách. Vì vậy, Trung tâm Lưu ký chứng khoán và Ngân hàng chỉ định thanh toán là người quyết định vấn đề này. Nhưng đừng so sánh và đòi hỏi thanh toán trên TTCK cũng phải nhanh như trong ngân hàng. Vì trên TTCK không có chứng từ, thanh toán trên cơ sở dữ liệu từ máy tính. Để đảm bảo thanh toán chính xác, các tổ chức thanh toán phải có một khoảng thời gian thực hiện việc đối chiếu, xác minh trước khi hạch toán vào tài khoản.

Tuy nhiên, T+2 hay T+3 sẽ không thành vấn đề, không làm đọng vốn của NĐT, nếu thị trường cho phép giao dịch "bán khống hạn chế" và "mua bảo chứng hạn chế". Thuật ngữ bán khống là chỉ các giao dịch bán số chứng khoán mà trên tài khoản của người bán chưa có. Bán số chứng khoán đang trên đường về tài khoản tạm gọi là bán khống hạn chế. Thực chất, đây là dịch vụ bảo lãnh thanh toán cho người bán khống, CTCK không cần phải đưa chứng khoán ra cho vay, vì đến ngày thanh toán khoản bán khống này, chứng khoán của người bán khống đã về tài khoản. Bán khống hạn chế sẽ làm tăng doanh số giao dịch, tăng tính thanh khoản, làm sôi động thị trường.

Mua bảo chứng hạn chế cũng tương tự như vậy, CTCK bỏ vốn ra mua chứng khoán cho người giao dịch khi tiền của họ đang trên đường về tài khoản. Tất nhiên, giao dịch bán khống hoặc mua bảo chứng không thể thực hiện tràn lan, CTCK phải chọn lựa khách hàng, chỉ nên cho những khách hàng là thân chủ thực sự mới được giao dịch bán khống và mua bảo chứng.

Bùi Nguyên Hoàn, Trưởng đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại TP. HCM
Bùi Nguyên Hoàn, Trưởng đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại TP. HCM

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,284.02 -6.16 -0.48% 108,400 tỷ
HNX 243.11 -0.8 -0.33% 977 tỷ
UPCOM 91.55 0.07 0.07% 353 tỷ