"Chóng mặt" với cổ phiếu APS

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) So với 7 tháng trước, giá cổ phiếu APS của Công ty cổ phần Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đã bốc hơi 3/4 giá trị, nhận định của lãnh đạo về triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp cũng trái ngược hoàn toàn.
Giá cổ phiếu APS rơi hơn 70% so với thời điểm giữa tháng 11/2021. Giá cổ phiếu APS rơi hơn 70% so với thời điểm giữa tháng 11/2021.

Cổ phiếu rơi mạnh sau hô hào “gồng lãi”

Trong sóng cổ phiếu ngành chứng khoán giai đoạn cuối năm 2021, APS là một trong những mã ghi nhận mức tăng mạnh nhất. Từ vùng giá 11.000 đồng/cổ phiếu vào giữa tháng 7/2021, cổ phiếu này đã tăng lên mức 59.900 đồng/cổ phiếu vào ngày 18/11/2021, tức tăng khoảng 440% trong vòng 4 tháng.

Tại Đại hội cổ đông bất thường tổ chức vào ngày 16/11/2021, khi cổ đông hỏi về lý do cổ phiếu tăng phi mã, ông Phạm Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Chứng khoán APEC cho biết: “Bên cạnh nhiều yếu tố thuận lợi, giá cổ phiếu APS tăng mạnh là thành quả cố gắng của cả Công ty trong suốt thời gian qua. Mục tiêu APS hướng đến không chỉ là một công ty chứng khoán truyền thống, mà sẽ là nơi cung cấp nền tảng quản lý toàn bộ tài sản của nhà đầu tư dựa vào công nghệ.

Theo đó, Công ty đặt mục tiêu lọt Top 5 công ty chứng khoán có vốn hoá lớn nhất trên thị trường, Top 3 công ty quản lý 5 triệu khách hàng trong khu vực vào năm 2025. Như vậy, thị giá cổ phiếu APS thời gian tới như thế nào thì cổ đông chắc cũng định giá được".

Còn theo lời ông Nguyễn Quang Huy, Phó tổng giám đốc Tập đoàn APEC, tổ chức nắm hơn 4% vốn của Chứng khoán APEC, giá cổ phiếu APS tăng mạnh đến từ những kỳ vọng về tăng trưởng của hoạt động kinh doanh.

Theo đó, khoản đầu tư tự doanh chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu của Công ty và API và IDJ là hai cổ phiếu chiếm đến 93% giá trị danh mục tự doanh. Với những tiềm năng về quỹ đất của hai doanh nghiệp này, Chứng khoán APEC hoàn toàn có thể tăng trưởng mạnh hơn nữa trong tương lai.

Tại thời điểm ngày 31/12/2021, Chứng khoán APEC có tổng tài sản là 1.612,7 tỷ đồng. Trong đó, 901,6 tỷ đồng là tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL), chiếm 55,9% tổng tài sản; các khoản cho vay đạt 533 tỷ đồng, chiếm 33,1% tổng tài sản. Công ty có thuyết minh danh mục cổ phiếu đang đầu tư là 380,6 tỷ đồng cổ phiếu API; 230,1 tỷ đồng cổ phiếu IDJ; 61,9 tỷ đồng cổ phiếu CEO; 216,9 tỷ đồng cổ phiếu chưa niêm yết…

Cũng tại sự kiện này, ông Nguyễn Đoàn Tùng, Giám đốc Phân tích Chứng khoán APEC cho rằng, chỉ số P/E của cổ phiếu APS là 6,9 lần, thấp hơn nhiều mức trung bình ngành là 18 lần và “như vậy, có thể thấy định giá cổ phiếu APS đang rẻ, có thể tăng trưởng 2 - 2,5 lần trong thời gian tới".

Cổ phiếu APS, API và IDJ đều lao dốc sau ĐHĐCĐ bất thường năm 2021. Nguồn: Investing.

Cổ phiếu APS, API và IDJ đều lao dốc sau ĐHĐCĐ bất thường năm 2021. Nguồn: Investing.

Những nhà đầu tư “gồng lãi” theo khuyến nghị của lãnh đạo doanh nghiệp hoặc mua vào đúng đỉnh chắc chắn đã nếm trái đắng. Bởi chỉ ngay sau đó, thị giá APS cũng như hai cổ phiếu được kỳ vọng trong danh mục đầu tư của Chứng khoán APEC là API và IDJ đã “bốc hơi” mạnh. Đóng cửa phiên 15/7/2022, APS còn 15.700 đồng/cổ phiếu; API về 35.800 đồng/cổ phiếu và IDJ về 14.000 đồng/cổ phiếu, giảm tới 60 - 70% so với phiên 18/11/2021.

Tất nhiên, trong giai đoạn vừa qua, hầu hết các cổ phiếu đều giảm giá, nhưng mốc giảm mạnh của APS so với thị trường chung cho thấy nhà đầu tư không đặt niềm tin và kỳ vọng vào những lời khẳng định chắc chắn của lãnh đạo doanh nghiệp trước đó.

Lợi nhuận đi lùi

Cổ phiếu rơi mạnh khiến cổ đông, nhà đầu tư chán nản. Đại hội cổ đông thường niên 2022, triệu tập vào ngày 23/6 đã bất thành do số lượng nhà đầu tư tham dự không đáp ứng quy định (trên 50% số cổ phần có quyền biểu quyết). Cụ thể, chỉ có 783 cổ đông, đại diện cho 35,7 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 43% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết tham dự. Tới lần triệu tập thứ hai, vào ngày 30/6, đại hội mới đủ điều kiện tiến hành, nhưng số cổ đông tham dự thấp hơn, với 244 cổ đông, đại diện 29,2 triệu cổ phiếu, tương ứng 35,19% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Tại đại hội, thay vì những kế hoạch, mục tiêu kinh doanh đầy tham vọng như từng được lãnh đạo Công ty chia sẻ 7 tháng trước, kế hoạch kinh doanh được đặt ra có phần thận trọng. Năm nay, Chứng khoán APEC đặt mục tiêu đạt 800 tỷ đồng doanh thu và 480 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 7% và giảm 14,7% so với thực hiện năm trước.

Về kết quả kinh doanh quý II/2022, ông Hưng chỉ hé lộ “sẽ không được như ý lắm”.

Lý giải về việc đặt mục tiêu lợi nhuận đi lùi so với kết quả năm trước, ông Phạm Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Chứng khoán APEC cho rằng, 2022 là một năm khó khăn với doanh nghiệp khi thị trường chứng khoán không còn sức tăng trưởng như năm trước và doanh thu từ mảng tự doanh cũng không chắc chắn. Do đó, đơn vị đặt ra kế hoạch an toàn và thực tế hơn. Dẫu vậy, ông Hưng cho rằng “đây là một mục tiêu đầy thách thức với Công ty”.

Được biết, quý I/2022, Chứng khoán APEC ghi nhận lợi nhuận 46,32 tỷ đồng và chỉ hoàn thành 9,7% kế hoạch cả năm.

Ông Hưng cũng cho biết mục tiêu lợi nhuận 480 tỷ đồng được xây dựng trên cơ sở phát hành thành công 83 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Theo đó, ông khẳng định, nếu kế hoạch phát hành thêm bất thành thì kế hoạch lợi nhuận năm nay cũng khó đạt được.

Trước đề nghị của cổ đông về việc chi trả cổ tức bằng tiền mặt hoặc mua lại cổ phiếu quỹ để hỗ trợ giá cổ phiếu APS, ông Hưng cho biết, doanh nghiệp chưa muốn thực hiện chi trả cổ tức trong thời gian tới để dành vốn cho hoạt động đầu tư phát triển. Còn về việc mua cổ phiếu quỹ, ông cho rằng, sau khi thực hiện doanh nghiệp sẽ phải đăng ký giảm vốn điều lệ, phức tạp hoá câu chuyện phát hành thêm cổ phiếu sau đó nên Công ty chưa có ý định mua lại cổ phiếu quỹ giai đoạn này.

Về kết quả kinh doanh quý II/2022, ông Hưng chỉ hé lộ “sẽ không được như ý lắm”.

Vũ Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục