Chống lạm phát: Cần liên kết toàn cầu

(ĐTCK-online) "Diễn đàn các nền kinh tế mới nổi" được tổ chức hồi đầu tuần tại Hà Nội thu hút nhiều chính khách, nhà nghiên cứu, tổ chức tài chính - ngân hàng và quỹ đầu tư, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước tham dự. Diễn đàn lần này tập trung vào những vấn đề gì và Việt Nam sẽ giải quyết những khó khăn hiện tại ra sao trong tương quan với kinh tế toàn cầu? ĐTCK đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Bình, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về vấn đề này.
Ông Nguyễn Văn Bình.

Diễn đàn lần này tập trung vào những vấn đề gì, thưa ông?

Diễn đàn năm nay được tổ chức vào thời điểm bất ổn kinh tế đang gia tăng trên toàn cầu. Giá dầu tăng đến mức kỷ lục và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại; giá lương thực, thực phẩm, giá thép và nhiều mặt hàng thiết yếu khác đều tăng cao do thiếu hụt nguồn cung và các hoạt động đầu cơ tích trữ. Đồng thời, các thị trường tài chính trải qua những xáo trộn mạnh, xuất phát từ cuộc khủng hoảng tín dụng dưới chuẩn của Mỹ. Những yếu tố nêu trên đã gây tác động bất lợi đến lạm phát và tăng trưởng trên toàn thế giới. Sự chấn động trên các thị trường tài chính đã và đang diễn ra cho chúng ta thấy, những vấn đề trong một khu vực có khả năng lan truyền ra toàn bộ nền kinh tế và giữa các nền kinh tế.

Hội nghị lần này là dịp để chúng ta nhìn nhận lại một cách đầy đủ, toàn diện hơn những ảnh hưởng của sự phát triển và hội nhập tài chính trên cả 2 khía cạnh lợi ích và rủi ro. 

 

Việt Nam đã hội nhập ngày một sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Vậy những lĩnh vực nào sẽ chịu tác động lớn nhất?

Các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam , khi hội nhập với kinh tế thế giới trước hết là hội nhập về tài chính - ngân hàng. Theo lộ trình gia nhập WTO, thị trường tài chính Việt Nam đã mở rộng khá nhiều cho sự tham gia của các tổ chức tài chính - ngân hàng nước ngoài. Sự mở rộng này có tác dụng hết sức tích cực, làm cho chu chuyển đồng vốn nước ngoài vào đầu tư cũng như phát triển thị trường tài chính tại Việt Nam cả về chiều sâu lẫn bề rộng.

Đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài đổ vào Việt Nam trong thời gian qua rất lớn. Năm nay, mặc dù đầu tư gián tiếp chững lại, nhưng đầu tư trực tiếp lại tăng lên khá nhiều. Điều đó cho thấy, chúng ta đã có một hệ thống dịch vụ tài chính - ngân hàng khá tốt, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế.

Thế nhưng, nền kinh tế hội nhập như vậy khiến chúng ta phải hứng chịu những hệ quả chưa được tích cực. Chẳng hạn, năm 2007 luồng vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam lớn, nhưng chúng ta chưa có sự chuẩn bị cần thiết để hấp thụ luồng vốn này một cách thật sự hiệu quả, làm cho cơ quan quản lý có những lúng túng nhất định về sử dụng nguồn vốn này như thế nào. Ở một góc độ nào đó cũng là yếu tố gây ảnh hưởng đến lạm phát ở Việt Nam cũng như tỷ giá đồng Việt Nam .

 

Khả năng "chống đỡ" của các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam ra sao trước những khó khăn của kinh tế toàn cầu hiện nay?

Hội nghị lần này tập trung đánh giá môi trường toàn cầu ảnh hưởng như thế nào đến phát triển kinh tế của các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam . Các nhà kinh tế đều cho rằng, tình hình tới đây vẫn có những khó khăn, trong trung hạn sẽ khả quan hơn.

Xung quanh khó khăn kinh tế toàn cầu hiện nay có nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng, chính yếu tố mang tính chất tài chính đã làm cho giá cả, đặc biệt là giá dầu và các loại nguyên liệu tăng cao, ảnh hưởng tới các nền kinh tế. Có ý kiến cho rằng, do cung cầu nguyên vật liệu hiện nay trên thị trường đang bị mất cân đối, đặc biệt là sự xuất hiện của nhiều nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga. Cũng có ý kiến cho rằng, vì mất cân đối cung cầu, do đầu cơ tài chính… làm giá cả tăng lên.

Hiện nay, nguyên nhân vẫn đang được làm rõ. Trong hội nghị gần đây, các nước G8 đã giao cho IMF nghiên cứu, đánh giá rõ nguyên nhân nào khiến giá nguyên vật liệu trên thế giới lại tăng cao như vậy? Chiều hướng sẽ còn tăng như thế nào? Liệu có tăng nữa hay không?

 

Việt Nam cũng như các nền kinh tế mới nổi cần phải làm gì để chống lại lạm phát?

Mỗi nước đều ban hành các chính sách kiềm chế lạm phát, cơ cấu lại nền sản xuất của mình để tránh bị ảnh hưởng bởi các yếu tố tăng giá. Trong trung và dài hạn, các nước cần phải phối hợp với nhau để tìm ra giải pháp. Ví dụ, giá cả tăng lên, các nước trên thế giới tìm lý do chính dẫn đến tình trạng như vậy và đề ra giải pháp phối hợp thực hiện.

 

Thanh Đoàn thực hiện.
Thanh Đoàn thực hiện.

Tin cùng chuyên mục