Chống dịch Covid-19 và chuyện chưa bao giờ có ở Quốc hội

0:00 / 0:00
0:00
Những ngày gần đây, nổi bật trên các phương tiện truyền thông là hình ảnh các vị lãnh đạo Chính phủ trực tiếp thị sát công tác chống dịch Covid-19 tại nhiều điểm nóng.
Ngày 24/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp khẩn cấp xem xét tờ trình của Chính phủ về các giải pháp tăng cường phòng, chống Covid-19 Ngày 24/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp khẩn cấp xem xét tờ trình của Chính phủ về các giải pháp tăng cường phòng, chống Covid-19

Không ít những điều tai nghe, mắt thấy từ những cuộc kiểm tra đó chính là sản phẩm từ sáng kiến lập pháp được ra đời trong bối cảnh chưa bao giờ có ở Quốc hội.

Giục Chính phủ “xé rào”

“Có lẽ là chưa có bao giờ, Phó chủ tịch Quốc hội trực tiếp ngồi soạn báo cáo xong trực tiếp cầm cho Chủ tịch Quốc hội sửa, sửa xong tôi trực tiếp ký và đưa trình anh Mẫn (Phó chủ tịch thường trực của Quốc hội - PV) , anh Mẫn ký xong trực tiếp cầm sang Văn phòng Trung ương”, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kể lại quá trình dự thảo Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội khóa XV, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá lại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV, trong phiên họp tháng 8/2021.

Nhưng, đó mới chỉ là một đoạn trong cả câu chuyện “thần tốc” dẫn đến sự ra đời các chính sách chưa có tiền lệ tại Nghị quyết 30/2021/QH15. Câu chuyện này được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khái quát: “Quốc hội lần đầu tiên vừa có sáng kiến lập pháp tức thời, vừa trình Quốc hội cho bổ sung chương trình, vừa xin chủ trương của Bộ Chính trị, vừa thảo luận, vừa biểu quyết trong 3 ngày, với sự đồng thuận rất cao”.

Sẽ là không đầy đủ nếu không nhắc tới bối cảnh của câu chuyện đặc biệt trên. Đó là ngày 20/7 khai mạc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội nhiệm kỳ mới cũng là lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Có vị bác sỹ lần đầu trúng cử, nhưng quyết định xin ở lại tuyến đầu chống dịch, vì địa phương nơi ông ứng cử đang là điểm nóng. Còn ở hành lang Quốc hội, ngày khai mạc, các đại biểu vẫy tay chào nhau qua tấm biển “khu vực cách ly”.

Lúc ấy, chương trình của Kỳ họp thứ nhất được Quốc hội thông qua cũng chưa hề có chút bóng dáng nào của dự thảo nghị quyết về tăng cường các biện pháp chống dịch. Nhưng, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, trên cơ sở ý kiến đại biểu thảo luận tại tổ về kinh tế - xã hội, ngày 23/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp bất thường với 5 bộ trưởng nghe báo cáo các vấn đề liên quan tới phòng, chống dịch Covid-19.

Thống nhất trình Quốc hội xem xét, đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ nhất, khi đó Chủ tịch Quốc hội đã yêu cầu tập trung xử lý những vướng mắc về mặt pháp lý trong phòng, chống dịch Covid-19, tạo sự chủ động, linh hoạt cho Chính phủ trong điều hành, kể cả dự phòng các tình huống phát sinh có thể phức tạp hơn. Có những việc được rút ngắn thời gian xử lý, giải quyết theo quy trình đặc biệt, thậm chí có việc chưa được quy định trong luật, nhưng nếu phát sinh thì cho phép Chính phủ chủ động xử lý.

Thông thường, là cơ quan thường trực của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét rất kỹ càng những chính sách mới được đề xuất cần Quốc hội quyết định. Và việc “lắc đầu” trước một số đề xuất chính sách chưa thực sự phù hợp hoặc chưa cấp bách đã không còn quá hiếm.

Nhưng lần này, Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thúc giục Chính phủ “xé rào”. “Chúng ta đang ở trong tình hình khẩn cấp về đại dịch Covid-19, nên đòi hỏi phải có các biện pháp cấp bách”, Chủ tịch Quốc hội nhiều lần nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã “rất cảm ơn Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội đã có yêu cầu này để giúp cho Chính phủ, cho ngành y tế có thêm nhiều điều kiện hơn nữa để chống dịch trong bối cảnh rất nguy cấp như hiện nay”. Ông Long cũng cho biết, khi nhận được yêu cầu từ phía Chủ tịch Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã họp ngay lập tức và ngay trong đêm đã phối hợp với Ủy ban Xã hội của Quốc hội xây dựng các báo cáo liên quan trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.

Sáng 24/7, tại hội trường, 100% đại biểu Quốc hội có mặt bấm nút đồng ý bổ sung vào chương trình kỳ họp những đề xuất của Chính phủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục họp với các cơ quan liên quan xem xét dự thảo tờ trình của Chính phủ. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ nhanh chóng chỉnh sửa lại tờ trình theo hướng tăng quyền nhiều hơn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bởi vậy, nội dung trình Quốc hội chiều cùng ngày không còn giới hạn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được chủ động áp dụng các biện pháp quy định tại Điều 54, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm như dự thảo ban đầu. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ còn được chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp quy định tại Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp, các luật khác có liên quan và các biện pháp cần thiết khác theo quy định của pháp luật hiện hành như trong trường hợp đã ban bố tình trạng khẩn cấp.

Ngoài ra, Chính phủ được áp dụng các biện pháp, ban hành các quy định cần thiết chưa được luật định để xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh, đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống Covid-19, trong đó có việc áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong cấp phép, mua sắm, sản xuất thuốc, trang thiết bị y tế, hóa chất và đầu tư cơ sở vật chất.

Ngay khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang họp, gợi ý cho Chính phủ “xé rào” mạnh hơn, trao đổi bên hành lang Quốc hội, Phó trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, đại biểu Phạm Văn Hoà nhấn mạnh, nhân dân lo lắng lắm rồi, cần những chính sách mạnh hơn Chỉ thị 15, 16, 16+ như thời gian vừa qua.

“Chính phủ cần một hành lang pháp lý mạnh hơn, để có thể đầu tư nguồn lực mạnh hơn cho chống dịch, cho tuyến đầu, mục đích cuối cùng là ổn định cuộc sống của nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực của dịch bệnh”, đại biểu Phạm Văn Hoà nói.

100% đại biểu Quốc hội có mặt tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ nhất đã thông qua Nghị quyết 30/2021/QH15, trong đó phần lớn dung lượng là các giải pháp chưa có tiền lệ được trao cho Chính phủ để tăng cường phòng, chống dịch.

Một tuần sau, ngay sau khi Chính phủ có tờ trình, ngày 6/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp khần cấp ngoài giờ để ngay đêm hôm đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký ban hành Nghị quyết 268/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19. Nghị quyết 86/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng, chống Covid-19 của Chính phủ ra đời ngay sau đó.

Không phân biệt “việc anh, việc tôi”

Nghị quyết 30/2021/QH15 và Nghị quyết 268/NQ-UBTVQH15 đã thể hiện tinh thần đổi mới của Quốc hội - Quốc hội hành động, đồng hành cùng Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Thông điệp này đã được nhấn mạnh nhiều lần, từ nhiều vị Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

“Quốc hội luôn đồng hành cùng Chính phủ, các đề xuất của Chính phủ được đại biểu Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất đồng tình, đặc biệt trong việc ban hành Nghị quyết 30/2021/QH15. Hai bên cùng nhau xắn tay vào làm, lúc đó không có phân biệt bên nào là Quốc hội, bên nào là Chính phủ, đồng thuận rất cao”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nói.

Mới đảm nhận trọng trách ở Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đã dùng hai từ “mẫu mực” khi chứng kiến các cơ quan của Quốc hội chủ động phối hợp làm việc với nhau và với các cơ quan của Chính phủ. “Các cơ quan chủ động đến với nhau, không phân biệt việc đó là việc anh, việc tôi, mà việc đó là của Đảng, Nhà nước giao cho chúng ta”, ông khái quát.

Khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng kết Kỳ họp thứ nhất, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Thị Thu Vân phát biểu, Chính phủ rất cảm kích trước hỗ trợ của Quốc hội tại kỳ họp này, các văn bản báo cáo sang Quốc hội đã được Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan thẩm tra làm rất khẩn trương.

Đặt mục tiêu vì sức khoẻ và tính mạng của dân lên trên hết, cơ quan lập pháp đã không ngần ngại thúc giục cơ quan hành pháp “xé rào”, điều mà sẽ không thể xảy ra trong điều kiện bình thường. Sự đặc cách này, theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, đã giúp cho địa phương linh hoạt hơn trong triển khai các biện pháp giãn cách, cách ly y tế tại nhà và xây dựng các kịch bản ứng phó.

“Tôi đặc biệt tâm đắc với cơ chế đặc thù trong mua sắm trang thiết bị y tế. Trước đây, việc này đã có hướng dẫn, nhưng chưa rõ ràng, nên một số nơi còn e ngại. Sau khi có Nghị quyết của Chính phủ cụ thể hoá Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội, địa phương có thể chủ động hơn”, đại biểu Hà Sỹ Đồng chia sẻ.

Để “bảo kiếm” sớm được thu về

Trong gần 500 đại biểu bấm nút thông qua Nghị quyết 30/2021/QH15, có những vị đang là bác sỹ nơi tuyến đầu chống dịch, là lãnh đạo chính quyền địa phương nơi tâm dịch... Họ không chỉ thực hiện, mà còn có điều kiện để giám sát từng đường đi của “thượng phương bảo kiếm” mà chính họ đã trao cho Chính phủ.

Được biết, Tổ công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về triển khai Nghị quyết 30/2021/QH15 vừa được thành lập. Khi trao quyền đi liền giám sát, thì sự đồng hành càng thực chất hơn. “Quyền lực phải được kiểm soát, nếu không sẽ dễ thành độc quyền, độc đoán. Việc Quốc hội trao ‘thượng phương bảo kiếm’ cho Chính phủ là cần thiết, nhưng tôi mong ‘bảo kiếm’ sớm được thu về và hành lang pháp lý đủ mạnh cho chống dịch sớm được hoàn thiện”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, ông Nguyễn Mạnh Cường nêu quan điểm.

Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia kinh tế, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam cho rằng, để “bảo kiếm” sớm được thu về, thì bên cạnh các biện pháp đặc thù, đặc cách, đặc biệt trong chống dịch, cần cả các giải pháp đặc thù về kinh tế. Cụ thể là, trong bối cảnh nền kinh tế hay một địa phương hay vùng kinh tế chưa thể được vận hành bình thường do đại dịch, cần tìm kiếm và thiết lập các mô hình để nền kinh tế hoặc một bộ phận của nền kinh tế vận hành mà không bị phụ thuộc vào việc các biện pháp giãn cách xã hội được dỡ bỏ hay chưa. Vận hành các chuỗi cung ứng và ngành hàng xanh có thể là một giải pháp khả thi. Hình thành các chuỗi ngành hàng xanh sẽ đảm bảo tính thông suốt của sản xuất và lưu thông hàng hóa, đặc biệt là các ngành hàng có tính chủ lực, có tầm quan trọng đối với nền kinh tế.

“Thực tế cho thấy, việc hình thành các doanh nghiệp xanh, khu công nghiệp xanh, vùng xanh là rất cần thiết. Nhưngđiều đó dường như chưa đủ và cần được bổ sung bằng tư duy thiết lập các chuỗi ngành hàng hay chuỗi cung ứng xanh”, ông Bình nói.

Ông Bình cho rằng, trong những tháng cuối năm sắp tới, nhu cầu mua sắm tại các thị trường Âu, Mỹ và châu Á, đặc biệt với nhiều loại hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam, sẽ tăng đột biến. Đây là cơ hội mà các doanh nghiệp Việt Nam không nên và không thể bỏ lỡ. Để nắm bắt các cơ hội này, các chuỗi cung ứng xanh cần được thiết lập, đặc biệt trong những ngành hàng phục vụ nhu cầu của các thị trường xuất khẩu. Với hạt nhân là các doanh nghiệp xanh hay khu công nghiệp xanh theo khu vực địa lý, các chuỗi ngành hàng xanh sẽ được thiết lập, trước tiên là với các ngành hàng xuất nhập khẩu chủ lực và các ngành hàng thiết yếu trong nền kinh tế.

Với tư duy trên, bắt đầu từ hạt nhân là các doanh nghiệp sản xuất xanh, an toàn, sẽ dần hình thành các doanh nghiệp xanh trong toàn chuỗi cung ứng, bao quát từ những người cung cấp nguyên vật liệu đầu vào, các công ty logistics, các doanh nghiệp hỗ trợ trong chuỗi cung ứng, các đơn vị làm thủ tục hải quan, xuất nhập khẩu của chuỗi cung ứng. Từ một số chuỗi cung ứng xanh thực hiện thành công, sẽ mở rộng ra nhiều chuỗi ngành hàng khác nữa.

Nghị quyết 30/2021/QH15 được đưa vào thực tiễn rất nhanh

Thông thoáng, kịp thời, là điểm tựa vững chắc cho cuộc chiến chống Covid- 19..., đó là những phản hồi từ cả đại biểu và cử tri về Nghị quyết 30/2021/QH15. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng, càng ngày càng có cơ sở đánh giá là Nghị quyết 30/2021/QH15 hết sức có giá trị, đưa vào thực tiễn rất nhanh. Bởi thế, tại Đại hội đồng Liên nghị viện các nước ASEAN lần thứ 42 vừa qua, ông Vương Đình Huệ đã đề nghị Nghị viện các nước trao quyền nhiều hơn cho các chính phủ để chủ động, linh hoạt ứng phó hiệu quả với dịch bệnh, giảm thiểu các thiệt hại và mau chóng phục hồi kinh tế, xã hội sau Covid-19. Thông điệp này cũng đã được nêu lại trong thông cáo chung của AIPA-42.

Thành lập Tổ công tác thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15

Chiều 30/8, Nghị quyết về thành lập Tổ công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội liên quan đến công tác phòng, chống Covid-19 đã được công bố. Tổ gồm 7 thành viên, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, do ông Nguyễn Khắc Định, Phó chủ tịch Quốc hội làm Tổ trưởng.

Tổ công tác có nhiệm vụ giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo công tác chuẩn bị các nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 và việc theo dõi, đôn đốc, giám sát tình hình thực hiện kết luận của lãnh đạo chủ chốt, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phòng, chống dịch Covid-19. Một trong những nhiệm vụ của Tổ công tác được Chủ tịch Quốc hội lưu ý là nghiên cứu, tham gia ý kiến với Chính phủ về các giải pháp cấp bách liên quan đến công tác phòng, chống Covid-19, bảo đảm kịp thời, thận trọng, đúng mục đích, đúng đối tượng, thiết thực, khả thi, đúng quy định của pháp luật.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục