Chống chọi qua “mùa bão chứng”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Điểm tựa của thị trường chứng khoán hiện nay chủ yếu là kết quả kinh doanh quý II/2022, nhưng đa số nhóm ngành triển vọng được các chuyên gia tư vấn cho mục tiêu đầu tư trung và dài hạn, cổ phiếu tốt vẫn có rủi ro trong ngắn hạn.

Sự lựa chọn của nhà đầu tư

Không có con số thống kê chính thức, nhưng theo sự chia sẻ trên các diễn đàn mạng, các “room chat” qua Zalo, Facebook, đa số nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ bị thiệt hại trong đợt giảm điểm vừa qua của thị trường, tài khoản giá trị “bốc hơi” từ 30 - 60%, trong khi VN-Index giảm khoảng 22% so với đỉnh.

Nhiều “room” tư vấn lập ra trước đó bởi các môi giới non trẻ, thiếu kinh nghiệm đã được giải tán bởi “sai lầm lại càng sai lầm” trong tư vấn bắt đáy, mà cứ đáy này thủng xuống đáy kia, mua theo sóng ngắn nên hàng về tài khoản là lỗ, các luận điểm về nền tảng cơ bản yếu… Dĩ nhiên, thị trường chung giảm mạnh thì ai cầm cổ phiếu cũng đều bị ảnh hưởng, nhưng chính những lúc thị trường điều chỉnh thì kinh nghiệm, chiến thuật là một trong những yếu đặc biệt cần thiết đối với nhà đầu tư.

Nhà đầu tư Phương Thảo tâm sự: “Tiếc quá, tôi cắt đúng đáy cổ phiếu OGC, nếu giữ thêm 2 phiên (cuối tuần qua) là giảm lỗ được 200 triệu đồng. Trước đó, tôi đu mua mã HQC với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, lúc giá giảm xuống 8.000 - 9.000 đồng/cổ phiếu thì không cắt lỗ ngay, đến khi giảm một lèo xuống dưới 6.000 đồng/cổ phiếu mới cắt, “bay” mất 600 triệu đồng, bằng tiền lương đi làm 2 năm”.

Theo các chuyên gia, cơ hội hiện nay chủ yếu dành cho nhà đầu tư dài hạn.

Theo các chuyên gia, cơ hội hiện nay chủ yếu dành cho nhà đầu tư dài hạn.

Nhà đầu tư Lê Hoàng tham gia thị trường năm 2021 với sự nhanh nhạy, tự tin trong giao dịch nên kiếm lời tốt từ kênh chứng khoán. Một số đợt điều chỉnh mạnh của thị trường trong năm qua không làm cho nhà đầu tư này nao núng, phong cách và phương pháp giao dịch hầu như không thay đổi. Tuy nhiên, từ tháng 4/2022 đến nay, anh Hoàng đôi lúc hoảng loạn, tâm lý ức chế khi thị trường giảm điểm kéo dài, các đợt hồi phục ngắn chưa kịp củng cố niềm tin thì lại tiếp tục giảm…

“Thị trường chứng khoán hiện khó khăn, không thể áp dụng cách làm của năm 2021. Đợt này mà giảm sâu nữa thì khỏi về bờ, bỏ chứng khoán luôn”, anh Hoàng chia sẻ.

Với Phong Trần, nhà đầu tư bám sàn nhiều năm, khi nhận thấy thị trường chuyển biến xấu đầu tháng 4/2022 đã nâng tỷ trọng tiền mặt trong tài khoản lên 90%. Những ngày cuối tháng 4, anh giải ngân khoảng 20% lượng tiền sau nhịp giảm nhanh của VN-Index, nhưng thị trường chỉ hồi được vài phiên rồi lại lao dốc. Nhìn nhận thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro, anh lập tức bán ra cắt lỗ, hoàn toàn nắm giữ tiền mặt.

Thông điệp được Phong Trần chia sẻ là trong xu hướng giảm của thị trường, không mất tiền quý như kiếm được tiền. Từ đó đến nay, quan điểm của nhà đầu tư này là thị trường vẫn đang trong xu hướng giảm trung hạn, nên giữ tỷ trọng tiền mặt ở mức cao nhất có thể.

Tuy không mặn mà với những nhịp lên xuống ngắn hạn, nhưng nhà đầu tư này vẫn theo dõi sát sao thị trường và đề ra các chiến lược giao dịch ngắn hạn để kiểm chứng khả năng bản thân.

Theo đó, trong giai đoạn hiện tại, nếu chỉ số xuất hiện những phiên giảm mạnh vào đầu phiên nhưng thanh khoản thấp và điểm số phục hồi tốt về cuối phiên do lượng cung giá thấp suy kiệt thì xác suất thị trường tạo 2 đáy ngắn hạn tăng lên, có thể nắm giữ 20 - 30% cổ phiếu và chờ bán khi giá xanh.

Trường hợp thị trường xuất hiện những phiên giảm mạnh từ đầu đến cuối, thanh khoản tăng dần về cuối phiên do lực bán chủ động tăng, tệ hơn là chỉ số đóng cửa thủng vùng đáy cũ thì bán cắt lỗ, đưa tỷ trọng cổ phiếu về mức 0 - 10%.

Bất luận trong trường hợp nào thì giai đoạn hiện nay phù hợp với chiến lược tỷ trọng cổ phiếu thấp, tỷ trọng tiền mặt cao, phòng ngự chặt, phản công chớp nhoáng.

Phong Trần cho rằng, với các nhịp hồi trong xu hướng giảm, nếu nhà đầu tư không có yếu tố may mắn, giúp chọn đúng mã cổ phiếu, bắt đúng đáy ngắn hạn và chốt lời đúng đỉnh nhịp hồi, thì rủi ro lớn hơn cơ hội, mức độ thu lãi ít hơn mức độ thua lỗ. Để hạn chế rủi ro, giảm thiểu nguy cơ thua lỗ, nhà đầu tư ít kinh nghiệm nên tạm thời đứng ngoài thị trường.

Trong khi đó, nhà đầu tư Nguyễn Gia Khánh cho rằng, thị trường chứng khoán trong bất kỳ thời điểm nào cũng luôn có cơ hội cho nhà đầu tư. Nhìn lại giai đoạn VN-Index giảm từ vùng đỉnh 1.500 điểm xuống 1.160 điểm rồi hồi lên 1.300 điểm, giá không ít cổ phiếu lập đỉnh mới. Đơn cử, mã ANV trong nhóm thuỷ sản, mã HAH trong nhóm cảng biển, mã BSR trong nhóm dầu khí…

Góc nhìn của Gia Khánh là ở bất kỳ thời điểm nào, nhà đầu tư đều có thể mua vào, với điều kiện chọn lựa kỹ mã cổ phiếu thuộc nhóm ngành đang thu hút dòng tiền và biết được tại sao nhóm ngành đó hấp dẫn.

Trong bối cảnh tâm lý thị trường đang yếu, bị tác động bởi nhiều yếu tố cả trong và ngoài nước như lạm phát, động thái thắt chặt chính sách tiền tệ, nhà đầu tư Gia Khánh dự báo, VN-Index trong thời gian tới có nguy cơ giảm điểm, thậm chí về mốc 1.000 điểm.

Tất nhiên, có những mã cổ phiếu và nhóm ngành sẽ đi ngược thị trường và chỉ số có các phiên tăng điểm đan xen. Các nhóm ngành đáng quan tâm là nhóm ngành hưởng lợi từ câu chuyện lạm phát, thiếu hụt năng lượng, xuất khẩu khả quan như điện, dầu khí, thuỷ sản...

Theo trường phái tích sản, mua cổ phiếu đều đặn, định kỳ, nhà đầu tư Đức Linh cho rằng, không nên dự đoán xu hướng chỉ số, hãy để thị trường tự vận hành theo lý thuyết riêng. Nhà đầu tư khó có thể biết được VN-Index sẽ giảm thêm hay không cho đến khi chỉ số thực sự ngừng giảm và tích lũy đi lên.

Câu chuyện mà Đức Linh quan tâm là so với các giá trị mà doanh nghiệp làm ra, cổ phiếu đó đang đắt hay rẻ. Nhìn nhận nhiều cổ phiếu đang có giá rẻ nên nhà đầu tư này tiếp tục trích tiền nhàn rỗi để mua thêm cổ phiếu, kỳ vọng sau vài năm sẽ lãi lớn.

Vậy điều kiện để tích sản thành công là gì? Đức Linh chia sẻ, đầu tư vào sức khỏe và kiến thức cho bản thân, tập tích sản từ từ và kỷ luật, trích đều đặn phần tiền nhàn rỗi từ khoản thu nhập ổn định hàng tháng để mua cổ phiếu các doanh nghiệp đã được sàng lọc kỹ. Doanh nghiệp thuộc các ngành sau đang được Đức Linh tích lũy là sản xuất thực phẩm, may mặc, viễn thông, ngân hàng và các doanh nghiệp phúc lợi xã hội.

“Thị trường có thể đối mặt với những kịch bản tiêu cực, nhưng cũng đang có nhiều yếu tố để kỳ vọng sẽ chinh phục các đỉnh cao hơn trong các năm tới”, Linh nói.

Không ít ý kiến cho rằng, thị trường vẫn đang trong xu hướng giảm trung hạn, nhà đầu tư nên giữ tỷ trọng tiền mặt ở mức cao.

Không ít ý kiến cho rằng, thị trường vẫn đang trong xu hướng giảm trung hạn, nhà đầu tư nên giữ tỷ trọng tiền mặt ở mức cao.

Xử lý danh mục: Đừng bỏ lỡ những nhịp hồi phục

Thực tế, không ít nhà đầu tư đang hoang mang, bối rối với danh mục, khi mà vừa bắt đáy tuần trước thì tuần này giá cổ phiếu giảm mạnh hơn.

Trong chương trình Talkshow Chọn danh mục do Báo Đầu tư tổ chức ngày 23/6/2022, ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội khuyến nghị, nhà đầu tư nên hạn chế dùng margin cũng như bắt đáy, vì thời điểm này chưa biết đâu là đáy, nếu bắt đáy sai mà còn dùng margin thì nguy cơ thiệt hại rất lớn. Nhà đầu tư cần quan tâm tới yếu tố cơ bản, nền tảng và triển vọng doanh nghiệp để lựa chọn cổ phiếu.

Bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc Đầu tư, người điều hành Quỹ Đầu tư cổ phiếu tiếp cận thị trường Việt Nam (VESAF) thuộc VinaCapital chia sẻ, ở mỗi giai đoạn thị trường biến động, dù là lên hay xuống thì điều quan trọng nhất là nhà đầu tư cần chú trọng quản lý rủi ro danh mục.

Nếu mua bán với tầm nhìn quá ngắn hạn và kỳ vọng mức lợi nhuận quá cao trong lúc điều kiện thị trường khó khăn thì nhà đầu tư sẽ khó có thể tránh khỏi tâm lý hoang mang khi vừa mua xong mà giá trị danh mục đã giảm 5 - 10%, thậm chí là 20%. Hậu quả nặng nề từ việc không quản trị rủi ro phù hợp (sử dụng margin, nắm giữ 100% cổ phiếu...), hoặc mua cổ phiếu mà không hiểu rõ về doanh nghiệp là nhà đầu tư sẽ có xu hướng rời bỏ thị trường trong thua lỗ và bỏ lỡ những nhịp phục hồi.

Thị trường chung giảm mạnh thì ai cầm cổ phiếu cũng đều bị ảnh hưởng, nhưng chính những lúc thị trường điều chỉnh thì kinh nghiệm, chiến thuật là một trong những yếu đặc biệt cần thiết đối với nhà đầu tư.

Nhà đầu tư nên giải ngân thành nhiều đợt, vào những công ty mà mình hiểu rõ. Tỷ trọng cổ phiếu khoảng 50 - 60%, chờ đợi các tín hiệu tốt hơn. Nhà đầu tư ít kinh nghiệm có thể cân nhắc mua chứng chỉ quỹ đầu tư.

Trong bối cảnh hiện nay, có ý kiến cho rằng, nhà đầu tư tuyệt đối không nên mua vào cổ phiếu. Bà Phương nhận xét, lời khuyên này có cả yếu tố đúng và sai, vì tùy vị thế và khẩu vị của từng người mà hành động sẽ khác nhau, như VESAF đã bắt đầu giải ngân dần vào các cổ phiếu trong danh mục.

Khi thời kỳ tiền rẻ đã đi qua, việc kỳ vọng một mức tăng trưởng cao của VN-Index hay các cổ phiếu nhỏ như năm 2021 là rất khó. Tuy nhiên, bà Phương nhận định, xu hướng dài hạn là thị trường vẫn sẽ đi lên, bền vững hơn. Trong điều kiện đó sẽ có những nhóm cổ phiếu vượt trội.

Xu hướng này sẽ giống năm 2019, khi thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ tăng 8%, nhưng nhiều cổ phiếu cơ bản tăng cao hơn nhiều: FPT tăng 58%, MWG tăng 35%, DHC tăng 55%, PTB tăng 20%, VCB tăng 70%... Hay trong những năm 2012 - 2014, dù thị trường chỉ tăng bình thường, nhưng nhiều cổ phiếu cơ bản có mức giá tăng mạnh, phù hợp với triển vọng của doanh nghiệp.

Cùng với sự thay đổi của các chính sách, các quy định pháp luật vừa qua giúp thị trường lành mạnh hơn, sẽ có nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư chọn lọc cổ phiếu trong các năm tới. Dù trong ngắn hạn, thị trường còn không ít rủi ro, nhưng với góc nhìn của một nhà đầu tư tổ chức và dài hạn, VESAF nhận thấy có thể giải ngân dần vào các cổ phiếu đã về vùng định giá hợp lý.

Đứng ngoài hay mua vào và ngành nào triển vọng?

Trả lời câu hỏi có nên mua cổ phiếu vào lúc này, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, xu hướng ngắn và trung hạn của thị trường vẫn còn đà giảm, có thể kéo VN-Index xuống 1.100 điểm. Cơ hội hiện nay chủ yếu dành cho nhà đầu tư dài hạn, còn nhà đầu tư ngắn và trung hạn đợi xu hướng thị trường tích cực và rõ ràng hơn để tham gia thì vị thế sẽ an toàn hơn.

Về tiêu chí chọn ngành, đầu tiên, nhà đầu tư cần quan tâm đến định giá, thứ hai là những nhóm ngành ít chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố của chu kỳ kinh tế và lạm phát như sản xuất thực phẩm, bán lẻ, hóa chất, điện, nước...

Đối với nhóm bất động sản, ngân hàng, chứng khoán, thép, nhiều mã cổ phiếu có giá giảm rất mạnh trong thời gian qua, đưa định giá P/B toàn ngành xuống mức thấp, như P/P ngành ngân hàng là 1,3 lần, thấp hơn cả thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19. Trong ngành thép, định giá P/E của cổ phiếu HPG là 4 lần, hiếm khi xảy ra. Vậy nhà đầu tư nên có hành động như thế nào?

Bà Phương dự báo, trong dài hạn, các nhóm ngành này chắc chắn sẽ dẫn dắt thị trường, giá cổ phiếu có thể bật lên rất tốt, đặc biệt khi định giá đã tiệm cận vùng đáy, vì đặc điểm chung là có beta cao, tức là tăng và giảm đều mạnh hơn thị trường chung.

Nhưng để trả lời cho câu hỏi hiện đã mua được hay chưa thì cần hiểu vì sao nhóm cổ phiếu này lại giảm mạnh. Bởi lẽ, để nhà đầu tư quay trở lại mua ròng thì chính những lý do khiến họ bán ròng phải được giải quyết, hoặc doanh nghiệp có triển vọng sáng hơn.

Cụ thể, với nhóm ngân hàng, giá cổ phiếu đã chững lại sau giai đoạn tăng mạnh từ giữa năm 2020 đến giữa năm 2021. Sau đó, các yếu tố bất ngờ về việc thanh tra các sai phạm về giao dịch chứng khoán và động thái siết lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp khiến dòng tiền vào thị trường chứng khoán bị hạn chế hơn.

Khi thanh khoản thị trường giảm mạnh, nhóm cổ phiếu ngân hàng vốn chiếm đến gần 30% vốn hóa toàn thị trường là nhóm đầu tiên gặp khó khăn, không thu hút được dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân.

Đó là chưa kể khả năng tăng trưởng lợi nhuận của khối ngân hàng sẽ chậm lại do hạn chế về trần tăng trưởng tín dụng, hạn chế cho vay lĩnh vực bất động sản, lãi suất huy động tăng, cũng như những lo ngại về tính thanh khoản liên quan đến các khoản cho vay trái phiếu vốn tăng mạnh trong các năm qua. Vì vậy, những tín hiệu liên quan đến nới lỏng tín dụng hay diễn biến thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ quyết định vùng an toàn để giải ngân.

Với nhóm chứng khoán, việc giá điều chỉnh mạnh từ vùng đỉnh là hợp lý, vì mức độ tăng trong năm 2021 là quá đà (thanh khoản thị trường tăng đột biến trong quý III không mang tính bền vững). Nhóm này cũng được xem là nhóm cổ phiếu có tính chu kỳ và thường chỉ có hiệu suất tốt khi thanh khoản thị trường tăng cao. Ở giai đoạn này, VESAF chưa giải ngân vào nhóm cổ phiếu chứng khoán.

Với nhóm thép, đây là nhóm cổ phiếu siêu chu kỳ và có lợi nhuận biến động rất lớn. Để có hiệu suất tốt, nhà đầu tư không thể chỉ nhìn vào mức định giá, mà phải nhanh nhạy và nắm bắt được điểm mua khi giá thép ở đầu chu kỳ tăng. Việc này rất khó, nên chiến lược tốt nhất là mua và nắm giữ cổ phiếu của đầu ngành, vì triển vọng dài hạn là tích cực. Còn trong ngắn hạn, nếu diễn biến giá thép không như kỳ vọng, rủi ro khi đầu tư ở mức cao, bởi nhà đầu tư nhiều khả năng sẽ bán tháo mà không nhìn nhận đến giá trị nội tại của doanh nghiệp.

Bà Phương cho biết, VESAF giữ tỷ trọng cổ phiếu thép ở mức thấp. Quỹ vẫn tập trung vào các cổ phiếu trong nhóm ngành đã xác định là lợi nhuận ít biến động, chống chọi tốt hoặc hưởng lợi trong điều kiện vĩ mô hiện nay, bao gồm bất động sản khu công nghiệp, dầu khí, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng thiết yếu, kho bãi và logistics có lợi thế cạnh tranh, hưởng lợi từ đầu tư công...

Doanh nghiệp tăng trưởng kép ổn định được nhà đầu tư ưa thích, đầu tư cổ phiếu dược cần chú ý gì?

Trong chương trình Talkshow Chọn danh mục kỳ thứ 9 với chủ đề Hành động trong mắt bão do Báo Đầu tư tổ chức ngày 23/6/2022, nhiều nhà đầu tư cá nhân quan tâm đến cổ phiếu TRA của Traphaco bởi doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt, tăng trưởng đều đặn hàng năm, lại thuộc nhóm cổ phiếu phòng thủ - nhóm được ưu tiên trong giai đoạn biến động mạnh hiện nay. Theo các nhà đầu tư này, nếu các quỹ nước ngoài mua tới 150.000 đồng/cổ phiếu TRA từ vài năm trước thì các nhà đầu tư cá nhân hiện tại cũng có thể mạnh dạn sở hữu cổ phiếu TRA.

Bà Phương cho rằng, không chỉ TRA có yếu tố cơ bản tốt, mà nhiều cổ phiếu khác nếu nhà đầu tư có tầm nhìn 5 - 10 năm tới có thể cân nhắc giải ngân và nắm giữ. Quỹ VESAF sẽ chọn lọc và phân chia thành nhiều nhóm cổ phiếu để giải ngân. Riêng cá nhân bà Phương thích những doanh nghiệp có lợi nhuận đều đặn và tăng trưởng bền vững.

Theo ông Hiển, khi đầu tư vào một doanh nghiệp bất kỳ, nhà đầu tư nên nhìn vào yếu tố hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và triển vọng phát triển. Song song đó là quản trị doanh nghiệp, tầm nhìn và tính cam kết của ban lãnh đạo. Yếu tố quan trọng không kém là nền tảng tài chính doanh nghiệp vững mạnh và khả năng vượt qua khó khăn, thậm chí trong giai đoạn khó khăn còn mở rộng được thị trường.

Nói riêng về nhóm dược, được thị trường biết đến là nhóm phòng thủ điển hình, có khả năng chống chịu nhất định trong môi trường lạm phát, ông Hiển chia sẻ, có nhiều doanh nghiệp tăng trưởng ấn tượng, các nhu cầu về y tế ngày càng gia tăng xuất phát từ gia tăng thu nhập, dân số qua giai đoạn dân số vàng nên người dân quan tâm đến sức khỏe nhiều hơn. Tuy nhiên, những doanh nghiệp tốt đều có cổ đông chiến lược nắm giữ cổ phiếu, thanh khoản trên sàn không cao khiến nhà đầu tư khó có thể mua với số lượng lớn. Đầu tư vào ngành này cần tầm nhìn dài hạn và lựa chọn được cổ phiếu của doanh nghiệp có nền tảng tốt.

Phan Hằng - Kiều Trang - Diệp Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục