Chọn kịch bản mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành

0:00 / 0:00
0:00
Có tới 4 phương án được cân nhắc để chọn phương án tối ưu cho việc mở rộng cao tốc TP.HCM-Long Thành, tuyến đường bộ huyết mạch kết nối sân bay Long Thành với sân bay Tân Sơn Nhất.
Cao tốc TP.HCM - Long Thành đang đứng trước nguy cơ quá tải, đặc biệt khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động. Ảnh: A.M Cao tốc TP.HCM - Long Thành đang đứng trước nguy cơ quá tải, đặc biệt khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động. Ảnh: A.M

VEC được giao việc

Cuối tuần qua, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã có Công văn số 11916/BGTVT-KHĐT gửi Thủ tướng Chính phủ về phương án mở rộng đoạn cao tốc TP.HCM - Long Thành.

Tại công văn này, Bộ GTVT cho biết là thống nhất với đề nghị của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong việc kiến nghị người đứng đầu Chính phủ xem xét giao VEC nghiên cứu, thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư mở rộng Dự án đường cao tốc TP.HCM - Long Thành.

“Trong quá trình nghiên cứu, lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, VEC phải tính toán và báo cáo cụ thể khả năng cân đối vốn và cơ chế có liên quan để có thể thực hiện dự án này”, ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT đề xuất.

Được biết, tại Nghị quyết số 95/2019/QH14 ngày 26/11/2019 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I, Quốc hội đã giao Chính phủ nghiên cứu đầu tư xây dựng hệ thống giao thông kết nối khu vực Cảng hàng không quốc tế Long Thành với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong đó, tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành thuộc tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây do VEC đầu tư, khai thác được coi là tuyến đường bộ chính yếu kết nối sân bay Long Thành với sân bay Tân Sơn Nhất.

Trong khi đó, với quy mô 4 làn xe hiện tại, đoạn tuyến từ nút giao An Phú - TP.HCM (Km0+000) đến nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Km25+920) không đáp ứng được nhu cầu vận tải, đặc biệt sau khi sân bay Long Thành giai đoạn I đưa vào khai thác (năm 2025).

Do đoạn từ nút giao An Phú đến nút giao Vành đai 2 (Km0+000 - Km4+000) đã bàn giao cho UBND TP.HCM quản lý, vận hành khai thác và bảo trì, nên VEC sẽ chỉ tập trung nghiên cứu mở rộng đoạn từ nút giao Vành đai 2 đến nút giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Km4+000 - Km25+920) lên quy mô 10 làn xe, với chiều dài 21,92 km, tổng mức đầu tư dự kiến là 14.786,938 tỷ đồng.

Theo phương án được Bộ GTVT lựa chọn, VEC sẽ tự huy động vốn để thực hiện đầu tư mở rộng, tổ chức vận hành, khai thác và thu phí toàn bộ tuyến đường để hoàn vốn đầu tư. Thủ tục đầu tư Dự án sẽ theo quy định của Luật Đầu tư.

“Phương án này có ưu điểm là tiến độ triển khai thuận lợi và dự kiến đầu năm 2026 hoàn thành, kịp với tiến độ sân bay Long Thành; không phải xử lý xung đột lợi ích giữa nhà đầu tư mới và VEC”, ông Lê Anh Tuấn khẳng định.

Khó xã hội hóa đầu tư

Ngoài phương án được lựa chọn, trong quá trình nghiên cứu, Bộ GTVT đã chỉ đạo VEC tính toán thêm 3 phương án đầu tư khác, gồm đầu tư công; đầu tư PPP, loại hợp đồng BOT; nhượng quyền đầu tư, khai thác theo quy định của Luật Quản lý tài sản công (hay đầu tư theo phương thức PPP loại hợp đồng BOT có sự tham gia góp vốn của Nhà nước bằng tài sản theo Luật PPP).

Tuy nhiên, phương án đầu tư công được đánh giá là tạo áp lực lên ngân sách nhà nước vốn rất căng thẳng trong giai đoạn hiện nay do đang phải dồn nguồn lực để thực hiện các dự án đường bộ cao tốc như cao tốc Bắc - Nam phía Đông và một số dự án cao tốc, dự án quan trọng quốc gia khác.

Bộ GTVT không thể cân đối vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để đầu tư Dự án như đề xuất. Trường hợp sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi, thì tiến độ triển khai chậm do thực hiện các thủ tục liên quan đến sử dụng vốn vay nước ngoài, dự kiến cuối năm 2027 mới có thể hoàn thành.

Trong khi đó, việc triển khai theo phương thức PPP loại hợp đồng BOT vẫn sẽ phải bố trí vốn ngân sách nhà nước để tham gia Dự án, trong khi Bộ GTVT không cân đối được vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Ngoài ra, phương án này rất khó tách bạch doanh thu (không thể phân chia doanh thu theo làn xe), chi phí bảo trì và trách nhiệm quản lý, vận hành đường cao tốc (như hệ thống nút giao, hệ thống chiếu sáng, hệ thống giao thông thông minh…) giữa nhà đầu tư và VEC (dẫn đến xung đột lợi ích). Tiến độ triển khai chậm do thực hiện các thủ tục liên quan đến lựa chọn nhà đầu tư.

Đối với phương án nhượng quyền đầu tư, tuy có ưu điểm là thu hút được nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, nhưng tiến độ triển khai chậm do thực hiện các thủ tục liên quan đến lựa chọn nhà đầu tư, dự kiến đầu năm 2028 mới có thể hoàn thành. Đó là chưa kể, pháp luật hiện hành chưa có quy định rõ Bộ GTVT hay VEC có thẩm quyền tổ chức nhượng quyền.

Hiện “nút thắt” lớn nhất đối với việc VEC tham gia đầu tư mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là quy mô vốn điều lệ của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước này.

Cụ thể, hiện vốn điều lệ của VEC là 978,7 tỷ đồng, quá thấp so với quy mô vốn đầu tư các dự án đường cao tốc, khiến tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của đơn vị này lên tới 7,04 lần (theo Báo cáo tài chính năm 2021 đã được kiểm toán).

Để có thể huy động vốn vay đầu tư mở rộng các đường cao tốc do VEC đang quản lý, đơn vị này đã xây dựng và đang trình duyệt Đề án Tái cơ cấu VEC. Ngày 8/9/2022, Ban Cán sự đảng Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã có Tờ trình số 114-TTr/BCSĐ trình Đề án Tái cơ cấu VEC cho Ban Cán sự đảng Chính phủ.

“Theo nội dung Đề án Tái cơ cấu, VEC đề xuất tăng vốn điều lệ trên cơ sở phần vốn được Quốc hội quyết định chuyển từ vốn vay về cho vay lại thành cấp phát ngân sách nhà nước. Khi được tăng vốn điều lệ, VEC đủ điều kiện để huy động vốn vay để triển khai các dự án mới, trong đó có việc mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành”, lãnh đạo Bộ GTVT thông tin.

Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến cao tốc TP.HCM (từ Vành đai 3) - Long Thành - Dầu Giây được quy hoạch 10 làn xe. Giai đoạn I (4 làn xe) đã được VEC đầu tư và đưa vào khai thác năm 2016, với tổng mức đầu tư 980,712 triệu USD. VEC đang quản lý, vận hành, khai thác để thu hồi vốn trả nợ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục