Chọn cổ phiếu thời lạm phát

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giai đoạn tiền rẻ dần qua đi, cơ hội đầu tư cổ phiếu trở nên khó khăn hơn, song không phải không có.
Cổ phiếu ngành hàng thiết yếu đang được quan tâm nhiều hơn. Cổ phiếu ngành hàng thiết yếu đang được quan tâm nhiều hơn.

Dòng tiền thận trọng hơn

Bắt đầu câu chuyện cùng người viết, anh Hoàng, một nhà đầu tư cho hay, hai năm trước, anh “lướt lát” liên tục nhiều nhóm cổ phiếu, bám theo dòng tiền và các con sóng ngành luân phiên nhau xuất hiện, nhưng từ đầu năm đến nay thì thận trọng hơn trong “chọn hàng”.

Anh phân tích, lạm phát trong nước dù chưa tăng mạnh, song Việt Nam, với độ mở của nền kinh tế cao sẽ dần “nhập khẩu” lạm phát của thế giới.

Để kiềm chế lạm phát, ngân hàng trung ương sẽ phải nâng dần lãi suất và đây chính là “kẻ thù” của thị trường chứng khoán. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang đẩy sớm lộ trình nâng lãi suất điều hành và điều này sẽ sớm “thẩm thấu” tới chính sách tiền tệ của các nước trên thế giới.

Nhiều ngân hàng thương mại trong nước đã rục rịch nâng lãi suất huy động lên gần mức 7%/năm với kỳ hạn dài.

Khi không còn được hỗ trợ bởi dòng tiền rẻ thì giá các cổ phiếu cũng “cạn ao bèo xuống đất”, nhất là cổ phiếu của các doanh nghiệp có nền tảng tài chính yếu, mô hình kinh doanh dựa vào đòn bẩy nợ cao… sẽ không còn hấp dẫn. Bởi lẽ, khi lãi suất tăng lên, chi phí tài chính sẽ “ăn mòn” lợi nhuận của doanh nghiệp.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong 2 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng tiền gửi của hệ thống ngân hàng còn lớn hơn cả năm 2021. Cụ thể, dòng tiền gửi đã đạt 159.600 tỷ đồng trong 2 tháng đầu năm, lớn hơn cả mức tăng trong cả năm 2021 (chỉ hơn 158.600 tỷ đồng).

Đặc biệt, mức tăng trưởng này chủ yếu đến từ nhóm khách hàng dân cư. Điều này cho thấy dòng tiền cá nhân phần nào đã rút lui khỏi thị trường chứng khoán để chảy về kênh tiết kiệm ngân hàng.

Từ một góc nhìn khác, theo chị Xuân, một nhà đầu tư lâu năm, rất nhiều cổ phiếu đã mất 30 - 50% giá trị so với đỉnh trong giai đoạn thị trường điều chỉnh mạnh vừa qua, song vẫn có một số ngược dòng ngoạn mục.

Cái được của môi trường lãi suất tăng là rất nhiều người nhận ra một sự thật là đầu cơ hay đầu tư đều không dễ. Trong cuộc thanh lọc này, không ít nhà đầu tư cá nhân thua lỗ nặng sẽ rời bỏ thị trường, nhưng những người ở lại sẽ học được bài học để đầu tư đúng đắn và bền vững hơn.

Thời gian gần đây, cổ phiếu của nhóm ngành năng lượng, nước sạch, bán lẻ, sản xuất, nguyên vật liệu, bảo hiểm… có sự tăng giá khá ấn tượng. Đây vốn là những ngành được xếp vào nhóm “phòng thủ” trong môi trường lạm phát, bởi đều là những lĩnh vực cung cấp hàng hoá, dịch vụ thiết yếu.

Lạm phát hay lãi suất chỉ tác động một phần vào doanh nghiệp, bản thân doanh nghiệp mới là quan trọng.

ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc Đầu tư và Phân tích thị trường Công ty Chứng khoán Tân Việt

Nhà đầu tư Hoàng cũng tiết lộ, anh đang tập trung vào cổ phiếu của doanh nghiệp đầu ngành bán lẻ, vì đây là những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, hệ thống bán hàng hiệu quả và được hưởng lợi từ sự phục hồi của nền kinh tế.

Chia sẻ về góc nhìn về cơ hội đầu tư trong giai đoạn lạm phát, ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc Đầu tư và Phân tích thị trường Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI), lạm phát hay lãi suất chỉ tác động một phần vào doanh nghiệp.

Bản thân doanh nghiệp mới là quan trọng, nếu doanh nghiệp duy trì được mức tăng trưởng 10 - 20% thì vẫn bù được mức tăng lạm phát hay lãi suất. Do đó, giai đoạn hiện tại, các nhà đầu tư nên tập trung vào các cổ phiếu mà doanh nghiệp có sức khỏe tốt, mức tăng trưởng ổn định và bền vững.

Nhận diện những nhóm ngành tiềm năng

Cũng theo ông Nam, “thực tế là thời gian qua, nhiều cổ phiếu đã tăng trưởng đã cao nên cần có sự điều chỉnh, bù đắp và chuẩn bị cho giai đoạn mới”. Các nhóm ngành logistics, nông sản, thủy hải sản được vị chuyên gia đánh giá vẫn rất tiềm năng bởi phục vụ nhu cầu thiết yếu ở trong nước và khả năng xuất khẩu tốt.

Nhận định được ông Phùng Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Phân tích, Công ty Chứng khoán AIS đưa ra, dù ảnh hưởng của lạm phát (cả ở phạm vi toàn cầu) là có thật, song dường như các nhà đầu tư đang cường điệu hóa lạm phát.

Theo ông Kiên, cần nhìn nhận rằng lạm phát thực tế đang chịu ảnh hưởng từ xung đột địa chính trị, khiến lượng cung hàng ra thế giới như dầu thô, khí đốt và một số nguyên liệu cơ bản khác bị khan hiếm và tăng giá, dẫn đến hàng loạt các mặt hàng khác bị tăng giá theo.

Theo ông Kiên, do chuỗi cung ứng bị ách tắc nên Việt Nam có “nhập khẩu lạm phát” nhưng không nhiều, mức tăng lạm phát ở Việt Nam là không đáng kể.

Do đó, nhà đầu tư không cần quá lo lắng về vấn đề này khi lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát và Việt Nam có dư địa để triển khai các chính sách tiền tệ, với mặt bằng lãi suất cho vay thấp và chính sách tài khóa ổn định.

Trên thực tế, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đang rất tích cực. Năm 2021 và quý I/2022 là giai đoạn cực kỳ thành công của các doanh nghiệp xuất khẩu điện tử, điện lạnh, dệt may, đồ gỗ, thủy sản…, đặc biệt là ngành thủy sản, khi giá trị xuất khẩu đạt kỷ lục.

Trong bối cảnh cả thế giới chống chọi dịch bệnh thì ngành thủy sản Việt Nam vẫn thắng lớn ở nhiều thị trường có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam.

“Năm nay, Chính phủ sẽ đẩy mạnh phục hồi kinh tế và hỗ trợ tốt cho xuất khẩu. Vấn đề duy nhất cần quan tâm với các ngành này là câu chuyện thiếu nhân công, chứ không nằm ở các đơn hàng”, ông Kiên nhận xét.

Với nhà đầu tư Xuân, hiện tại, định giá P/E của toàn thị trường cũng như của nhóm VN30 đều đang ở mức thấp nhất trong vòng 2 năm qua.

“Riêng với các cổ phiếu đã giảm sâu, có lẽ cũng không nên cắt lỗ ở thời điểm hiện tại. Ngược lại, nếu tài khoản còn tiền mặt thì có thể cân nhắc việc mua vào cổ phiếu”, chị Xuân nói và cho biết, cùng với thủy sản, bán lẻ, cổ phiếu logistics cũng rất tiềm năng và được chị cân nhắc giải ngân trong thời gian tới.

Còn theo anh Hoàng, thiên hướng đầu tư anh thuộc nằm lòng, cũng là kỷ luật anh tự đưa ra đó là cần đề cao việc chọn mã mạnh, tăng trưởng tốt gắn với doanh nghiệp có thực lực.

“Điều này luôn đúng, nhưng lại càng phải đặc biệt chú ý ở giai đoạn hiện tại, khi thị trường chứng khoán đứng trước áp lực tiếp tục điều chỉnh”, anh Hoàng nhấn mạnh.

Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Smart Invest

Giai đoạn cuối năm 2021 là thiên đường của cổ phiếu đầu cơ. Đây là giai đoạn tiền rẻ dễ dãi. Nhưng thị trường đã có nhịp điều chỉnh mạnh trong tháng 1 và tháng 4, thời kỳ tiền rẻ cũng dần qua đi nên nhà đầu tư cần phải nhìn vào định giá doanh nghiệp, thay vì bị cuốn vào sức hấp dẫn của các cổ phiếu đã tăng giá mạnh.

Những ngành có tính phòng thủ cao như thực phẩm, đồ uống cũng triển vọng trong thời gian tới.

Riêng với câu chuyện của ngành bán lẻ, quý I vừa qua, các doanh nghiệp như MWG, FRT đều tăng trưởng tốt và cổ phiếu tăng giá mạnh. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, định giá P/E của ngành này ở mức 20 lần là hợp lý. Nếu hướng đến nhóm cổ phiếu này, nhà đầu tư cần quan sát P/E có “vượt khung” hay không để có hành động hợp lý.

Trong thời gian tới, câu chuyện tăng trưởng sẽ nằm nhiều ở nhóm midcap, nhóm có lợi nhuận đột biến như xuất khẩu thủy sản, vì đây là ngành mang tính chu kỳ, 3 – 4 năm có một chu kỳ lãi lớn với EPS 8.000 - 10.000 đồng, P/E 10 - 11 lần. Dư địa tăng của các cổ phiếu ngành thủy sản vẫn còn nhưng đang hẹp dần, mức tăng trưởng sẽ không mạnh như giai đoạn trước.

Thành Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ