Chọn chiến lược giao dịch thận trọng

(ĐTCK) Ngay đầu nhiệm kỳ thứ hai của mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục áp thuế lên các mặt hàng nhập khẩu, đặc biệt là các quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu sang Mỹ, trong đó có Việt Nam.
Các nhịp phục hồi mang tính kỹ thuật nên được tận dụng để cơ cấu danh mục

Cú sốc chính sách thuế đối ứng

Chính sách thuế đối ứng từ ngày 9/4/2025 đã nâng mức thuế nhập khẩu trung bình của Mỹ lên 22,5% - vượt xa dự kiến của thế giới và cao nhất trong hơn 100 năm lịch sử nước này.

Mức thuế hàng hóa Việt Nam dự kiến phải chịu trong 3 tháng tới phù hợp với kịch bản cơ sở trong Báo cáo Triển vọng 2025 của FPTS đưa ra đầu năm nay. Trong khi đó, mức thuế 145% lên hàng hóa Trung Quốc cao hơn gấp đôi so với dự kiến của chúng tôi, tạo nên cơ hội ngắn hạn (hàng xuất khẩu Việt Nam tăng thị phần, đặc biệt khi các khách hàng Mỹ có khả năng sẽ tăng đặt hàng để dự trữ).

Mặc dù vậy, thuế đối ứng vẫn là mối lo ngại lớn, 90 ngày Mỹ tạm hoãn áp thuế kể từ ngày 9/14/2025 là khoảng thời gian để các nước gấp rút đàm phán thương mại, với trọng tâm dự kiến là giảm thặng dư thương mại thông qua giảm thuế nhập khẩu cũng như tăng cường mua hàng hóa Mỹ (với các mặt hàng chủ lực như linh kiện máy bay, dầu mỏ tinh chế, dầu thô và khí dầu mỏ). Cú sốc từ chính sách thuế đối ứng cũng sẽ khiến các nước nỗ lực đa dạng hóa khách hàng, đặc biệt là Trung Quốc, Canada, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Việt Nam với vị thế quốc gia có độ mở cao có thể chịu ảnh hưởng lớn từ mức thuế quan trong nhóm cao nhất mà Mỹ áp đặt (46%).

Độ mở nền kinh tế rất cao với thương mại phụ thuộc Mỹ và Trung Quốc: Năm 2024, tổng giá trị xuất nhập khẩu bằng 177,7% GDP, trong đó khu vực FDI đóng góp khoảng hai phần ba.

Trung Quốc và Mỹ là hai đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, với tỷ trọng trong kim ngạch xuất nhập khẩu ngày càng tăng. Cụ thể, Trung Quốc là nhà cung cấp lớn nhất của Việt Nam năm 2024, đóng góp xấp xỉ 40% tổng kim ngạch nhập khẩu và Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm xấp xỉ 30% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Về cơ cấu hàng hóa, các mặt hàng có thặng dư thương mại cao với Mỹ sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất, gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị phụ tùng; hàng dệt may; điện thoại các loại và linh kiện; gỗ và các sản phẩm gỗ.

Kỳ vọng đàm phán và thích ứng

Nếu mức thuế đối ứng cao được duy trì, triển vọng thu hút và giải ngân vốn FDI của Việt Nam là tiêu cực trong ngắn hạn và bất định trong dài hạn, vì nhiều khả năng các tập đoàn trên thế giới sẽ tạm dừng hoạt động đầu tư do chênh lệch về thuế quan với các nước khác. Việc này sẽ khiến mục tiêu tăng trưởng vốn đầu tư 13% năm 2025 gặp khó khăn khi khối FDI đóng góp khoảng 20% tổng GDP Việt Nam và xấp xỉ 16% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Trong đó, khu vực phía Bắc dự kiến sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề khi chiếm khoảng 60% vốn FDI của cả nước, tập trung vào Bắc Ninh (15%), Hải Phòng (8%), Quảng Ninh (8%).

Chúng tôi kỳ vọng, Việt Nam sẽ tiếp tục đàm phán với trọng tâm hạ hàng rào thuế quan và tăng nhập khẩu từ Mỹ. Điểm sáng đầu tiên là cuộc gặp gỡ của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc và Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer, trong đó hai bên đã thống nhất khởi động đàm phán một thỏa thuận thương mại đối ứng. Bên cạnh đó, VietJet và AV AirFinance của Mỹ đã ký kết thỏa thuận hợp tác, nâng tổng kim ngạch thương mại của hãng hàng không này với các doanh nghiệp Mỹ lên 64 tỷ USD.

Tuy nhiên, phía Mỹ chưa công bố điều kiện đàm phán rõ ràng, dẫn tới nhiều nhận định trái chiều của các tổ chức (trước khi Mỹ công bố hoãn áp thuế), trong bối cảnh Mỹ đang đàm phán đồng thời với nhiều bên và hiệp định thương mại thường cần thời gian dài để hoàn thiện.

Hiện tại, Việt Nam đang tập trung mở rộng các đối tác xuất khẩu, giảm bớt sự phụ thuộc vào FDI và phát triển doanh nghiệp nội địa, đồng thời chú trọng vào chính sách tài khóa (tăng đầu tư công, giảm chi thường xuyên và giảm thuế). Chính sách tiền tệ tiếp tục được nới lỏng, giữ lãi suất ở mức thấp và mở rộng các gói tín dụng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước.

Tín hiệu đáng chú ý từ yếu tố kỹ thuật

Trước thông tin Mỹ áp thuế đối ứng, thị trường chứng khoán đã có 4 phiên bị bán tháo liên tiếp kể từ ngày 3/4/2025, VN-Index từ trên 1.300 điểm xuống dưới 1.100 điểm. Quyết định hoãn áp thuế sau đó đã giúp VN-Index phục hồi phần lớn số điểm đã mất và dao động quanh ngưỡng 1.220 điểm.

Dự báo, 1.250 điểm sẽ là ngưỡng kháng cự và tiềm ẩn khả năng nguồn cung quay trở lại, do VN-Index đã có khoảng thời gian dài hình thành vùng giao dịch (Trading Range) phía trên ngưỡng điểm này.

Bên cạnh đó, việc tỷ lệ cổ phiếu nằm trên đường trung bình động 200 phiên (MA 200) đã rơi về mức thấp nhất kể từ cuối năm 2022 trong pha bán tháo vừa qua cảnh báo rủi ro của xu hướng giảm đang tăng lên đối với kịch bản của VN-Index. Theo đặc trưng của chỉ báo này, xu hướng tiêu cực có thể sẽ tiếp diễn sau khi các nhóm cổ phiếu kiểm định lại đường MA 20 và MA 50, với vai trò kháng cự động (Dynamic Resistance) ngắn và trung hạn.

Thống kê lịch sử cho thấy những con số về đặc điểm nhịp phục hồi sau những pha bán tháo diện rộng chịu ảnh hưởng bởi tin tức của VN-Index. Trong 10 năm trở lại đây, chỉ số có 7 đợt sụt giảm bởi các sự kiện tác động và có mức giảm trung bình 21,4%. Đáng chú ý, mức tăng của VN-Index trong nhịp phục hồi đầu tiên thường thấp hơn đáng kể so với số điểm đánh mất trong giai đoạn bán tháo, đồng thời số phiên duy trì cho đợt phục hồi cũng ngắn hơn (xem bảng).

Theo đó, các pha phục hồi kỹ thuật đầu tiên sau nhịp giảm mạnh thường chỉ phán ánh kỳ vọng tạm thời do thị trường đã giảm quá mức. Các nhịp phục hồi mang tính kỹ thuật này nên được tận dụng để cơ cấu danh mục và định hình kịch bản xu hướng giảm kế tiếp, thay vì xem như các cơ hội giao dịch hình thành xu hướng tăng mới.

Với nhịp giảm vừa qua, VN-Index đã ghi nhận nến giảm 8,1% trong tuần đầu tiên. Biến động này đã nhanh chóng kết thúc giai đoạn Late Bull Market (cuối pha tăng giá) và đẩy chỉ số tiến vào giai đoạn Bear Market (thị trường giảm giá) của chu kỳ biến động thứ 6.

Hệ thống chỉ báo - kịch bản thị trường Bear Market có dạng Choppy Market (không có xu hướng rõ ràng) được bảo lưu.

Quan sát chỉ báo MASI, giai đoạn Late Bull Market của chu kỳ thứ 6 xuất hiện rất nhanh trong quý I/2025, giúp VN-Index ghi nhận vùng đỉnh chu kỳ tại 1.342,91 điểm. Chỉ báo đã ghi nhận trạng thái phân kỳ giữa nhóm vốn hóa lớn và nhóm vốn hóa vừa, đặc trưng biến động thường xuất hiện tại cuối các chu kỳ biến động. Trạng thái phân kỳ được xác nhận tại tuần giao dịch 4/4/2025, xác nhận sự xuất hiện của thị trường Bear Market.

Đánh giá về xung lực biến động, chỉ báo ghi nhận đỉnh thứ 3 liên tiếp trong chu kỳ thứ 6, tuy nhiên mức tăng trưởng vẫn khiêm tốn. Diễn biến này cho thấy, cường độ biến động của VN-Index trong chu kỳ hiện tại nằm trong nhóm trung bình thấp. Do đó, kịch bản thị trường Bear Market có dạng Choppy Market được bảo lưu và đây có thể là trạng thái biến động chính của chỉ số trong năm 2025.

Choppy Market có những đặc điểm sau: chỉ số dao động trong một kênh giá rộng, hình thành kênh xu hướng đi ngang; biên độ dao động lớn, từ 15 - 19%; tâm lý thị trường thận trọng, dòng tiền luân chuyển nhanh giữa các nhóm ngành; thanh khoản biến động không ổn định, các nhịp tăng mạnh xuất hiện trong ngắn hạn.

Các chiến lược thực hiện trong kịch bản thị trường Choppy Market cần chú ý tới những nguyên tắc sau:

Một là, giao dịch theo kênh giá. Tận dụng biên độ dao động để mua ở vùng hỗ trợ và bán ở vùng kháng cự, tránh giao dịch tại vùng kháng cự quan trọng của thị trường.

Hai là, chọn nhóm ngành dẫn dắt luân phiên. Sự luân chuyển dòng tiền giữa các ngành và cổ phiếu sẽ là đặc điểm chính trong giai đoạn này. Nhà đầu tư có thể tận dụng cơ hội đi theo dòng tiền để tối ưu lợi nhuận trong các nhịp Upswing (đi lên) của thị trường.

Ba là, quản trị rủi ro vị thế. Do đặc tính các nhịp Downswing (đi xuống) và Upswing hình thành tuần tự và xuất hiện trong thời gian ngắn, thiếu ổn định, nhà đầu tư chỉ nên giữ tỷ trọng cổ phiếu vừa phải và tránh tập trung quá nhiều trong một nhóm ngành. Các ngưỡng Stoploss (cắt lỗ) vị thế nên đảm bảo trong khoảng 5 - 7% trước khi vị thế được kích hoạt giải ngân theo chiều mua.

Nguyễn Ngọc Tuấn - Nguyễn Đức Anh
Trưởng nhóm Phân tích kỹ thuật, Công ty Chứng khoán FPT (FPTS)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục