Chọn “chiếc áo” phù hợp để chuyển đổi số ngân hàng

(ĐTCK) Chuyển đổi số nên là một phần trong hoạt động chuyển đổi toàn diện của ngân hàng và không thể tách rời và cần trả lời câu hỏi mục tiêu cuối cùng là hiệu quả kinh doanh.
Ông Nguyễn Hoàng Long, Phó tổng giám đốc NAPAS trình bày tại Hội thảo.

Chiều ngày 8/5/2024, tại hội thảo “Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số” trong khuôn khổ sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng 2024, ông Nguyễn Hoàng Long, Phó tổng giám đốc NAPAS cho biết, theo nghiên cứu của nhà cung cấp dịch vụ tư vấn và công nghệ tài chính mở Konsentus, 68 quốc gia đã hoặc đang phát triển Ngân hàng mở (Open banking). Tại châu Á, các dịch vụ ngân hàng mở đã phát triển rất mạnh ở Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore, Nhật Bản…

Nhanh chóng bắt nhịp xu thế toàn cầu, tại Việt Nam, các ngân hàng cũng tích cực đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số, chia sẻ dữ liệu ngân hàng cho các bên thứ ba cung cấp dịch vụ (TPP - Third-party provider) thông qua việc sử dụng giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API). Theo đó, từ 2020 đến nay, hàng loạt ngân hàng đã nhập cuộc phát triển mô hình này như VietinBank, BIDV, OCB, MB…

Ông Vũ Anh Đức, Phó giám đốc Trung tâm nền tảng và Định danh số, FPT IS cho biết, hiện nay, 76% tỷ lệ các cuộc lừa đảo hiện nay là nhằm vào lừa đảo tài chính. Với con số 11 tỷ giao dịch không dùng tiền mặt và sẽ không ngừng tăng trưởng, việc đảm bảo cho các giao dịch được xác thực an toàn, nhanh chóng, hiệu quả là vấn đề tiên quyết. FPT đang song hành cùng Bộ Công An thúc đẩy mạnh mẽ Đề án 06 trong ngành tài chính ngân hàng với hàng triệu giao dịch đã được xác thực trực tiếp với dữ liệu Bộ Công An.

“Tuy nhiên, các ngân hàng và các TPP đang tự chủ động tìm kiếm, lựa chọn đối tác kết nối phù hợp theo nhu cầu và tương tác trực tiếp để tích hợp, triển khai; đồng thời tùy chỉnh kết nối dựa trên yêu cầu cụ thể và thống nhất giữa 2 bên. Việc triển khai giữa các bên còn gặp nhiều khó khăn bởi mỗi ngân hàng phải xây dựng và vận hành tiêu chuẩn, kết nối riêng, tăng chi phí vận hành, tốn kém nguồn lực…”, ông Long chia sẻ.

Trong khi đó, ông Long cho biết, hạ tầng chung về Ngân hàng mở sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Khách hàng sẽ được tối ưu hóa trải nghiệm, tiếp cận nhiều nguồn thông tin và dịch vụ, xử lý các nhu cầu tài chính nhanh, cá nhân hóa dịch vụ, chia sẻ dữ liệu an toàn, nhiều ưu đãi, giảm chi phí. Đối với các ngân hàng và công ty Fintech, hạ tầng chung về Ngân hàng mở sẽ giảm sự phức tạp trong triển khai pháp lý, giảm rủi ro an ninh, tiết kiệm chi phí và nguồn lực, tăng khả năng mở rộng dịch vụ, thêm cơ hội tiếp cận khách hàng, bán chéo sản phẩm dịch vụ…

Ông Long nói: “Về phía cơ quan quản lý, hạ tầng chung về Ngân hàng mở cũng giúp dễ dàng hơn trong giám sát thị trường, thúc đẩy hệ sinh thái số, triển khai chủ trương phát triển kinh tế số, tạo ra nền tảng cho sự phát triển của tài chính mở…”.

Xung quanh vấn đề này, ông Vũ Thành Trung, Thành viên Ban Điều hành MB cho biết, theo số liệu thống kê, trải nghiệm dịch vụ ngân hàng không tiền mặt là một trong năm từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trong hạng mục tài chính. Theo đó, xu hướng mới của khách hàng hiện tại là sử dụng dịch vụ ngân hàng trên đa nền tảng một cách thuận tiện mà không nhất thiết phải trên nền tảng của ngân hàng.

Cũng theo ông Trung, dịch vụ đa nền tảng cho phép bên thứ ba kết nối với hệ thống của ngân hàng thông qua API để cung cấp các dịch vụ tài chính - ngân hàng đến khách hàng trên nền tảng của đối tác. Việc này đảm bảo hành trình mua sắm của khách hàng dễ dàng, nhanh chóng và thuận tiện nhất. Khách hàng cá nhân hoàn toàn có thể thanh toán hóa đơn mua trên các sàn thương mại điện tử mà không cần đăng nhập vào ứng dụng ngân hàng. Tương tự, các doanh nghiệp có thể quản lý các giao dịch thu/chi ngay trên phần mềm của doanh nghiệp thay vì phải đến ngân hàng với thủ tục, giấy tờ mất thời gian.

“Theo đó, dịch vụ của ngân hàng tham gia vào quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp với mọi loại hình kinh doanh, xóa mọi ranh giới giữa các ngành để tập trung nâng cao trải nghiệm cho khách hàng”, ông Trung nói.

Xung quanh câu chuyện chuyển đổi số, trong cuộc trao đổi với Đầu tư Chứng khoán bên lề sự kiện, bà Nguyễn Thuỳ Dương, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam (EY Consulting Việt Nam) nhận định, đã tới lúc, chúng ta cần phải xem xét lại tính thực tiễn của hoạt động chuyển đổi số ngân hàng. Bởi trải qua 5 năm chuyển đổi một cách mạnh mẽ, nhiều ngân hàng đang đứng trước thách thức một mặt dồn nguồn lực và tài chính để thực hiện các dự án chuyển đổi, nhưng mặt khác cần phải thực hiện kinh doanh.

Bà Dương nói: “Chuyển đổi số nên là một phần trong hoạt động chuyển đổi toàn diện của ngân hàng và không thể tách rời và cần trả lời câu hỏi mục tiêu cuối cùng là hiệu quả kinh doanh”.

Cũng theo bà Dương, nhiều ngân hàng rất lúng túng khi khối ngân hàng số hay khối chuyển đổi số cảm thấy “bị lạc lõng” bởi không được nhìn nhận trong bối cảnh kinh doanh toàn ngân hàng mà chỉ là đơn vị thực hiện chức năng “nhà máy số” (digital factory). “Do vậy, một mặt cần phải thay đổi để theo kịp xu hướng nhưng mặt khác cần lựa chọn “chiếc áo” phù hợp để chuyển đổi số thực sự phù hợp và đạt được hiệu quả cao nhất”, bà Dương nhấn mạnh.

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước

Tính theo bình quân toàn ngành, nhiều mục tiêu đã tiệm cận hoặc vượt mục tiêu đặt ra đến năm 2025. Cụ thể, tại NHNN, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công toàn trình và tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Trên 90% hồ sơ công việc được xử lý và lưu trữ trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước phát biểu tại Hội thảo.

Tại Quyết định 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021: Tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản thanh toán là 87,08%. Theo chỉ tiêu tại Quyết định 810/QĐ-NHNN: Tại các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài: 80% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường số; 55% nghiệp vụ ngân hàng số hóa hoàn toàn; 49% khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử; 66% số lượng giao dịch của khách hàng thực hiện trên kênh số; 17 TCTD đã số hóa hoàn toàn với các khoản vay cá nhân, nhỏ lẻ; Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh Mobile, Internet, QR code tiếp tục tăng trưởng trên 100%/năm.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục