Chớm phá sản, có nên đưa DN ra Tòa?

(ĐTCK) Trong buổi thảo luận tại tổ về Dự án Luật Phá sản (sửa đổi), vấn đề làm thế nào để phục hồi doanh nghiệp thay vì để doanh nghiệp “chết” được nhiều đại biểu đề cập.
Chớm phá sản, có nên đưa DN ra Tòa?

Phá sản không chỉ để phá sản

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, cần nhìn nhận phá sản khác đi, phá sản không có nghĩa là để cho doanh nghiệp “chết”, mà còn có góc độ phục hồi doanh nghiệp. Đại biểu này nêu ví dụ về trường hợp của General Motor, năm 2009, doanh nghiệp này đã phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản, sau đó với sự trợ giúp của các bên và Chính phủ, General Motor đã phục hồi sản xuất, hoạt động ổn định. Hay một trường hợp khác xảy ra tại thị trường Việt Nam, là CTCP Thủy sản Bình An. Mặc dù chưa phải đối diện với đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, nhưng cơ bản doanh nghiệp đã lâm vào tình trạng phá sản. Sau đó, chủ nợ lớn nhất là Ngân hàng SHB đã có biện pháp hỗ trợ và đến nay doanh nghiệp này đã từng bước ổn định sản xuất.

“Phá sản không có nghĩa là ‘chết’, doanh nghiệp vẫn có cơ hội phục hồi khi được sự hỗ trợ của các bên liên quan”, đại biểu Ngân nói.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa đề nghị, cần đưa khái niệm bảo hộ phá sản vào Luật.

“Nói đến phá sản, chúng ta thường có tâm lý, cách nhìn đó là sự kiện tiêu cực, nhưng tôi cho là nếu doanh nghiệp chủ động yêu cầu phá sản thì phải là bảo hộ phá sản”, đại biểu Hòa nói và phân tích thêm, nếu doanh nghiệp có đơn yêu cầu bảo hộ phá sản và Tòa án ra thông báo rộng rãi thì các doanh nghiệp trong cùng ngành nghề hoặc có thể là chính chủ nợ sẽ xem xét và có các biện pháp hỗ trợ như sáp nhập, mua lại, hợp nhất, thanh toán nợ… Như vậy, doanh nghiệp sẽ vẫn duy trì hoạt động, duy trì công ăn việc làm cho người lao động.

“Nên suy nghĩ cơ chế này trước khi đi đến công bố phá sản một doanh nghiệp”, đại biểu Hòa nói.

 

Nhận diện doanh nghiệp phá sản: có nợ quá hạn không thanh toán

Sau 10 năm thực thi, Luật Phá sản 2004 mới tuyên phá sản được 84 trường hợp dù số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động chỉ tính riêng trong năm 2012 lên tới hơn 50.000 doanh nghiệp. Chính vì thế, hầu hết ý kiến đại biểu đều cho rằng, rất cần thiết phải sửa luật này.

So với dự thảo Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, Dự thảo trình Quốc hội lần này có một số thay đổi. Trước hết là về dấu hiệu nhận diện doanh nghiệp lâm vào trình trạng phá sản, tiêu chí định lượng 200 triệu đồng đã bị bỏ đi. Thay thế bằng quy định: doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) lâm vào tình trạng phá sản khi có khoản nợ không có bảo đảm hoặc được bảo đảm một phần đã đến hạn, không có tranh chấp và chủ nợ đã có yêu cầu thanh toán nhưng doanh nghiệp, hợp tác xã không thanh toán khoản nợ đến hạn đó.

Chớm phá sản, có nên đưa DN ra Tòa? ảnh 1

Thủy sản Bình An đã dần đi vào ổn định nhờ sự hỗ trợ từ chủ nợ lớn nhất, là Ngân hàng SHB

Cho ý kiến về nội dung này, một số đại biểu còn băn khoăn về yếu tố “không có tranh chấp”. Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, quy định này cần xem xét lại, bởi để tránh phá sản, đôi khi người ta có thể tạo ra tranh chấp, thậm chí chủ động khởi kiện. Khi đó, Tòa án sẽ không thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản cho đến khi tranh chấp được giải quyết xong. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật chưa làm rõ vấn đề xác định giá trị tài sản doanh nghiệp, cân đối thanh khoản doanh nghiệp, tài sản nợ, tài sản có...

Về quyền và nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, dự thảo Luật đề xuất hai phương án, chủ nợ có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã khi doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán được khoản nợ đến hạn trong thời gian 3 tháng, kể từ ngày chủ nợ có yêu cầu. Hoặc là quy định định lượng khoản nợ là 200 triệu đồng.

Hầu hết ý kiến đại biểu đều tán thành theo phương án 1, tức là chỉ cần có nợ quá hạn không thanh toán thì chủ nợ có quyền nộp đơn yêu cầu. Tất nhiên, từ nợ quá hạn không thanh toán đến phá sản còn có khoảng cách, cũng như phải xem xét, cân nhắc nhiều yếu tố khác. Do đó, nên quy định như vậy để tránh làm mất quyền của chủ nợ.  

>> Luật Phá sản dưới góc nhìn luật sư

>> Lộ diện “cái chết riêng” cho CTCK

>> Mở đường cho doanh nghiệp được “chôn”

>> Luật Phá sản đã… phá sản

Hoàng Duy
Hoàng Duy

Tin cùng chuyên mục