Choáng với khoản lỗ khống 522 tỷ đồng của Petrolimex

(ĐTCK-online) Kết quả kiểm tra của Bộ Tài chính cho thấy, từ ngày 1/1-30/6/2011, Petrolimex lỗ hơn 1.318 tỷ đồng, chứ không phải trên 1.840 tỷ đồng như báo cáo của tổng công ty này.
Theo kết quả kiểm tra của Bộ Tài chính, khoản lỗ khống các DN kinh doanh xăng dầu lên đến hơn 600 tỷ đồng - Ảnh: VEF Theo kết quả kiểm tra của Bộ Tài chính, khoản lỗ khống các DN kinh doanh xăng dầu lên đến hơn 600 tỷ đồng - Ảnh: VEF

Sáng 19/12, Bộ Tài chính tổ chức Họp báo công bố Kết quả kiểm tra giá nhập khẩu xăng dầu tại 4 công ty kinh doanh xăng dầu đầu mối, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai.

Theo ông Lê Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, kết quả kiểm tra cho thấy, tại Tổng công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), sau khi rà soát kết quả kinh doanh giai đoạn từ ngày 1/1-30/6/2011, thì khoản lỗ của Petrolimex là hơn 1.318 tỷ đồng, chứ không phải trên 1.840 tỷ đồng như báo cáo của Petrolimex. Ngoài do chênh lệch tỷ giá, khoản lỗ này còn do Petrolimex thực hiện chi phí kinh doanh cao hơn định mức chi phí kinh doanh để tính giá cơ sở…

“Đáng chú ý, trong bối cảnh kinh doanh thu lỗ, nhưng tính đến ngày 30/6/2011, Petrolimex đầu tư vào các DN khác với tổng giá trị 3.792 tỷ đồng, chiếm tới 35,7% vốn chủ sở hữu; trong đó đầu tư vào ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản 1.273 tỷ đồng; mua cổ phiếu 95,8 tỷ đồng…”, ông Hải nói.

Kết quả kiểm tra cũng cho thấy, nếu chi phí kinh doanh của Petrolimex không cao hơn định mức quy định và kinh doanh trong điều kiện bình thường (không bị biến động tỷ giá chi phối), thì Petrolimex không bị lỗ, thậm chí có lãi.

Kết quả kiểm tra hoạt động kinh doanh của 3 DN còn lại trong thời gian từ 1/1-30/6/2011 cũng phát hiện khoản “lỗ khống” tại Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) là 147 tỷ đồng, Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP. HCM (Saigon Petro): 7,6 tỷ đồng và Công ty TNHH một thành viên Thương mại dầu khí Đồng Tháp (Petimex): hơn 1 tỷ đồng…

Qua kiểm tra đã phát hiện một loạt bất hợp lý trong quản lý, điều hành giá xăng dầu. Đáng báo động là định mức hao hụt tự nhiên xăng dầu hiện do các DN đầu mối tự xây dựng và thực hiện, trong khi cơ quan quản lý nhà nước không thẩm định, nên việc quản lý chi phí hao hụt của các DN trong giá vốn bán hàng còn mang tính chủ quan.

Ông Hải còn cho biết, thực tiễn kiểm tra cho thấy, việc Bộ Công thương bãi bỏ quy định về mức thù lao đại lý và giao cho các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối thoả thuận với đại lý (tổng đại lý) về mức thù lao bán hàng (Quyết định 32/2008/QĐ-BCT và ban hành Thông tư 36/2009/TT-BCT về quy chế đại lý kinh doanh xăng dầu), tạo nên sự cạnh tranh giữa các DN và đại lý trên cùng địa bàn, đẩy mức thù lao đại lý lên cao, gây khó khăn cho chính các DN đầu mối, tạo ra sự lộn xộn trên thị trường bán lẻ xăng dầu, đồng thời không có một thước đo chuẩn mực để các cơ quan Nhà nước quản lý, giám sát…

Ngoài tăng cường kiểm tra, giám sát, để khắc phục những bất cập hiện tại trong quản lý kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công thương chủ trì sớm ban hành định mức hao hụt xăng dầu và định mức thù lao đại lý phù hợp với từng loại hình kinh doanh xăng dầu. Về phần mình, Bộ Tài chính sẽ sớm sửa đổi cơ chế xác định giá xăng dầu và việc trích lập, sử dụng Quỹ bình ổn giá…

Hữu Hoè
Hữu Hoè

Tin cùng chuyên mục