Choáng ngợp: Tài sản người giàu nhất Việt Nam sắp chạm ngưỡng 10 tỷ USD

Cho đến nay vẫn chưa ai thay thế được vị trí người giàu nhất Việt Nam của ông Phạm Nhật Vượng. Giá trị tài sản của ông Vượng đã tăng “chóng mặt” trong tháng 3/2019 này, tuy nhiên, con số có thể cao hơn cả thống kê của Forbes. 
Giá trị tài sản của ông Phạm Nhật Vượng đang không ngừng tăng lên qua các giai đoạn thống kê. Giá trị tài sản của ông Phạm Nhật Vượng đang không ngừng tăng lên qua các giai đoạn thống kê.

Thống kê của Forbes cho thấy, tính đến thời điểm 20/3/2019, giá trị tài sản của ông Phạm Nhật Vượng, người giàu nhất Việt Nam hiện nay đã đạt 8,1 tỷ USD, tăng 1,5 tỷ USD so với thời điểm tạp chí này công bố danh sách những người giàu nhất thế giới năm 2019 vào ngày 5/3 vừa qua.

Tuy nhiên, với giá cổ phiếu VIC đã tăng mạnh trong hơn 1 năm qua và đang ở trong vùng đỉnh, khối tài sản của ông Phạm Nhật Vượng chỉ tính qua cổ phiếu cũng có thể đã lớn hơn con số nói trên.

Cổ phiếu VIC khởi đầu phiên giao dịch sáng nay (20/3) với mức giá mở cửa là 121.000 đồng. Trước đó, VIC lập đỉnh tại 121.300 đồng phiên 18/3. Với mức giá này của cổ phiếu VIC, giá trị tài sản của ông Phạm Nhật Vượng ở mức 225.688 tỷ đồng, sắp chạm ngưỡng 10 tỷ USD.

Thực tế, ông Vượng chỉ đứng tên sở hữu 876 triệu cổ phiếu VIC, tuy nhiên, ông Vượng có 92,88% lợi ích tại Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam và theo đó gián tiếp sở hữu trên 989,18 triệu cổ phiếu VIC.

Trong xu hướng chung của thị trường, VIC cũng đã bắt đầu điều chỉnh trong 2 phiên gần đây. Nếu phiên hôm qua, mã này chỉ giảm 300 đồng (0,25%) thì sáng nay VIC mất thêm 1.100 đồng (0,91%) lùi về 119.900 đồng.

Bên cạnh đó, VRE và VHM – hai mã cổ phiếu “họ Vin” sáng nay cũng diễn biến tiêu cực. VHM giảm 2.800 đồng còn 91.200 đồng và VRE giảm 1.850 đồng còn 35.850 đồng/cổ phiếu.

VIC và VHM đang là hai mã cổ phiếu có vốn hoá thị trường lớn nhất sàn HSX hiện nay. Ngay cả khi giảm giá khá mạnh, VIC vẫn có quy mô trên 382.675 tỷ đồng  và vốn hoá của VHM là 305.475 tỷ đồng.

Chính vì vậy, sự điều chỉnh của các mã cổ phiếu này có tác động không nhỏ đến diễn biến VN-Index.

Trải qua chuỗi giao dịch giằng co từ đầu tuần, đến sáng nay, chỉ số VN-Index lại một lần nữa đánh rơi mốc 1.000 điểm khi để mất 12,16 điểm tương ứng 1,21% còn 994,43 điểm. Trên sàn HNX, chỉ số cũng sụt giảm mạnh 1,18 điểm tương ứng 1,07% còn 108,88 điểm.

Có thể thấy số mã giảm đang áp đảo trên thị trường với tổng số 374 mã giảm, 33 mã giảm sàn so với 179 mã tăng, 43 mã tăng trần.

Mặc dù vậy, số liệu thống kê cũng cho thấy, dòng tiền bắt đáy đang chảy mạnh vào thị trường và VN-Index đang có dấu hiệu phục hồi vào những phút cuối của phiên giao dịch sáng.

Cụ thể, khối lượng giao dịch trên HSX đạt 135,33 triệu cổ phiếu tương ứng 3,348,46 tỷ đồng và con số này trên HNX là 24,97 triệu cổ phiếu tương ứng 327,51 tỷ đồng.

Bộ ba VHM, VRE và VIC chính là những mã có tác động tiêu cực nhất đến VN-Index sáng nay. VHM khiến VN-Index giảm 2,85 điểm, VRE khiến VN-Index giảm 1,31 điểm và VIC cũng lấy đi của chỉ số 1,07 điểm.

Ngoài ra, một số mã khác như GAS, MSN , VNM giảm điểm cũng có ảnh hưởng đáng kể đến diễn biến của chỉ số chung.

Với quan điểm thị trường ít có khả năng bứt phá trong tuần này, VCBS nghiêng nhiều hơn về kịch bản chỉ số chung sẽ dao động quanh ngưỡng 1.000 điểm cho đến cuối tháng ba hoặc đầu tháng tư khi các doanh nghiệp niêm yết lần lượt tổ chức đại hội cổ đông cũng như công bố ước tính kết quả kinh doanh quý I/2019.

Theo đó, nhà đầu tư có thể chủ động chốt lời một phần danh mục ngắn hạn nếu đã đạt được kỳ vọng về lợi nhuận, đồng thời áp dụng chiến lược giao dịch “lướt sóng” ngắn hạn nhằm tối đa hóa hiệu quả sử dụng vốn trong giai đoạn này.


Theo Dantri

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục