Trao đổi với ĐTCK, một cán bộ tín dụng của HDBank cho biết, Ngân hàng vẫn cho khách hàng vay tiêu dùng bình thường, mức lãi suất cho vay hiện đang áp dụng trung bình là 16%/năm với điều kiện khách hàng có tài sản bảo đảm. Thậm chí, những khách hàng hội tụ đủ các điều kiện ưu đãi của HDBank còn có thể vay được với lãi suất 12 - 13%/năm.
Eximbank vừa tiếp tục triển khai chương trình cho vay VND lãi suất ưu đãi tham chiếu theo tỷ giá USD/VND, với lãi suất chỉ 7%/năm áp dụng cho tất cả các khách hàng cá nhân, doanh nghiệp, với thời hạn vay từ nay đến cuối năm.
“Xu hướng giảm lãi suất cho vay tiêu dùng có thể sẽ rõ ràng hơn trong thời gian tới. Vì giá vốn trung, dài hạn huy động cũng đã về khoảng 11 - 12%/năm và theo đó, lãi suất cho vay trung, dài hạn có thể giảm về 13 - 14%/năm”, một cán bộ tín dụng của VIB dự báo.
Mặc dù thừa nhận rằng, ngân hàng mình đang đẩy mạnh trở lại hoạt động cho vay tiêu dùng sau khi ngừng sản phẩm này từ giữa năm ngoái, nhưng giám đốc quan hệ khách hàng của một ngân hàng TMCP khẳng định, người đi vay vẫn phải đáp ứng đủ tiêu chí, điều kiện mà ngân hàng đưa ra. Ông cho biết, ngân hàng dù đang “ứ” tiền, nhưng trong 10 hồ sơ đề nghị vay, may ra mới có 2 - 3 hồ sơ được chấp nhận. Còn hi hữu lắm mới có 1 hồ sơ được hưởng lãi suất ưu đãi đặc biệt của ngân hàng.
“Rủi ro cho vay tiêu dùng thường thấp hơn trong một danh mục cho vay bởi giá trị khoản vay nhỏ, nhưng sự dàn trải và khó khăn trong kiểm soát khiến các ngân hàng không mặn mà. Đặc biệt, hiện là thời điểm các vụ vỡ nợ “chợ đen” bùng nổ, nên dù ngân hàng mở lại sản phẩm này, các điều kiện thậm chí còn ngặt nghèo hơn trước”, vị giám đốc trên nói.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong 6 tháng cuối năm, phấn đấu tăng trưởng tín dụng mỗi tháng 2% để cả năm đạt từ 12 - 13%. Điều này có nghĩa là ngân hàng phải đẩy vốn ra, qua đó, kích thích tiêu dùng để đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, tạo tiền đề tăng trưởng kinh tế. Nhưng điều này sẽ khó trở thành hiện thực nếu Chính phủ không mở Quỹ bảo lãnh tín dụng để các ngân hàng thực sự mạnh dạn cho vay.
Trao đổi với ĐTCK, ông Louis Taylor, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam nhấn mạnh: “Như thường lệ, vấn đề mấu chốt ở đây là các chính sách tiền tệ cần phải tập trung vào việc bình ổn giá cả, ổn định tiền tệ và giữ tăng trưởng tín dụng ở mức hỗ trợ phát triển kinh tế. Chính phủ nên hướng mục tiêu tăng trưởng tín dụng vào đầu tư hơn là vào tiêu dùng. Tôi nghĩ, đây là lĩnh vực mà Chính phủ nên tập trung vào và trên thực tế, đây cũng là lĩnh vực mà Chính phủ đã tuyên bố là sẽ hướng tới”.