Cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa: Ngân hàng khó nới “vòng kim cô”

(ĐTCK) Thời gian gần đây, tư duy về tầm quan trọng của khối DN tư nhân trong tổng thể nền kinh tế đã có những thay đổi quan trọng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, để khối DN này có thể phát triển thì nhu cầu vốn của họ phải được hỗ trợ tối đa, mà để giải quyết vấn đề này, đòi hỏi một “cách nhìn khác” từ phía ngân hàng.
Điều ngân hàng quan tâm nhất là khả năng trả nợ của chủ thể vay vốn

Chia sẻ tại hội thảo về giải pháp vốn cho DN vừa và nhỏ (DNVVN) trong thời kỳ thương mại hóa toàn cầu, khi các Hiệp định thương mại FTA, TPP có hiệu lực vừa diễn ra mới đây, GS. TSKH Nguyễn Mại cho rằng, nếu các ngân hàng không thay đổi cách nhìn về việc tiếp cận và mở rộng tín dụng đối với nhóm DNVVN, sẽ khó có thể thành công trong việc tăng trưởng tín dụng ở phân khúc DN này.

Theo ông Mại, với các dự án có tiềm năng của DNVVN, cần thiết phải được hỗ trợ, thay vì chú trọng vào các DN lớn. Bởi hiện nay, không ít DN lớn rơi vào tình trạng khủng hoảng nợ xấu và phải tái cơ cấu nợ… Vì thế, không nên can thiệp vào việc tái cơ cấu nợ và hỗ trợ cho các DN lớn khi vỡ nợ, mà cần tập trung hỗ trợ vốn cho các DNVVN có tiềm năng tăng trưởng.

"Các DNVVN luôn cần vốn, bởi chính họ cũng phải cho đối tác vay nợ. Vì vậy, các ngân hàng cần xem xét đến tính khả thi của dự án để hỗ trợ vốn, thay vì chỉ tập trung vào tài sản thể chấp" - TS. Nguyễn Đình Cung.

Đồng quan điểm này, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, cơ hội mà các DNVVN mang lại sẽ rất lớn, nhất là trong thời gần đây, tư duy về tầm quan trọng của  khối này trong tổng thể nền kinh tế đã có nhiều thay đổi quan trọng. Thủ tướng Chính phủ từng nhấn mạnh, kinh tế tư nhân là động lực phát triển, không hình sự hóa, tuyên chiến với “giấy phép con”, cắt giảm thủ tục, ủng hỗ mạnh mẽ chương trình khởi nghiệp (lập Quỹ khởi nghiệp). Môi trường kinh doanh Việt Nam còn nhiều vấn đề cần phải cải cách, khi mà bản chất các chính sách hiện nay chỉ là để “tháo gỡ”, chứ chưa thực sự thay đổi về cơ chế. Vì vậy, vấn đề là cần nhìn thẳng vào thực tế, để thay đổi cái “bản chất” đó.

Về phía DN, ông Nguyễn Hoàng Cung, lãnh đạo một DN đến từ Cần Thơ bày tỏ, trong hoạt động kinh doanh, các DN gần như đã phải thế chấp toàn bộ tài sản để được vay vốn. Khi muốn mở rộng kinh doanh, nhất thiết phải cần thêm vốn, nhưng vì tài sản thế chấp không còn nhiều, nên rất khó có thể tiếp cận được vốn từ ngân hàng.

“Các DNVVN luôn cần vốn, bởi chính họ cũng phải cho đối tác vay nợ. Vì vậy, các ngân hàng cần xem xét đến tính khả thi của dự án để hỗ trợ vốn, thay vì chỉ tập trung vào tài sản thể chấp. Chính vì khó khăn trong tiếp cận vốn ngân hàng, nên một số DNVVN đã phải tìm đến các công ty tài chính để vay vốn với lãi suất cao”, ông Cung cho biết.

Trường hợp khác, một sinh viên mới ra trường của tỉnh Đồng Tháp cho hay, cậu cần khoảng 100 triệu đồng cho dự án phát triển dịch vụ du lịch của mình. Nhưng vì gia đình cậu không có khả năng, trong khi trình lên lãnh đạo Tỉnh thì chỉ nhận được câu trả lời là hỗ trợ về mặt tinh thần, chứ không hỗ trợ về vốn.

Có thể thấy, trong trường hợp này, để có thể tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng nhằm hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp là vô cùng khó.

Trao đổi xung quanh vấn đề trên, đại diện Vietcombank phát biểu, dự án là như vậy, song để có thể được tài trợ vốn lại là chuyện khác, đòi hỏi dự án cần phải thỏa mãn nhiều điều kiện như: tính xác thực và cơ sở thực tiễn của dự án, phải có tài có sản thế chấp và nhất là khả năng trả nợ.

TS. Nguyễn Quang Thắng, Ủy viên thường trực Ủy ban tham vấn chính sách (TAC) của ASMES cho biết, đến nay, cả nước có khoảng 535.000 DNVVN, chiếm 97% tổng số DN đang hoạt động. Khối DN này đóng góp 45% GDP, 31% tổng thu ngân sách và chiếm 35% vốn đầu tư của cộng đồng DN nói chung, thu hút hơn 5 triệu việc làm và đóng góp gần 50% vào tốc độ tăng trưởng kinh tế quốc gia hằng năm.

Trong 5 năm tới, khu vực DNVVN đặt mục tiêu: số DN thành lập mới là 450.000; số DN hoạt động là 700.000, chiếm 98% số DN trên toàn quốc; tỷ trọng đầu tư chiếm 50%; tỷ lệ lao động 50% và đóng góp vào ngân sách 35%. Tuy nhiên, các tác nhân gây khó khăn, đình trệ cho khối DN này cũng được chỉ ra, đó là: các điều kiện thắt chặt tín dụng (nguồn cung tín dụng giảm, lãi suất tăng và các chuẩn tín dụng gắt gao hơn); tiềm lực vốn hạn chế; năng lực cạnh tranh, công nghệ còn yếu kém...

Cũng theo ông Thắng, các DNVVN hiện đang phải đối mặt với điều kiện tín dụng hết sức chặt chẽ, trong khi khó có thể tìm kiếm nguồn vốn thay thế. Do đó, cần phải đẩy mạnh cung cấp tín dụng vi mô cho các DN này, cũng như cho những ý tưởng khởi nghiệp. Cùng với đó là những giải pháp như: phát triển các sản phẩm tài chính có mức lãi suất thấp, giãn thời gian trả nợ, nới điều kiện về tài sản thế chấp…                   

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục