Cho vay chứng khoán: Cần thông số rõ ràng

(ĐTCK) Một con số minh bạch về tín dụng chứng khoán được công bố từ chính cơ quan quản lý cao nhất về tiền tệ đang là mong đợi của các nhà đầu tư.

Bộ Tài chính, Chính phủ đã phát đi thông điệp xác định TTCK là kênh dẫn vốn dài hạn quan trọng, phải thúc đẩy phát triển. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lại tiếp tục siết “vòng kim cô” khi áp hạn mức chặt chẽ hơn với nhóm tín dụng không khuyến khích. Việc “rút củi đáy nồi” mà không có biện pháp để nguồn vốn tiết kiệm trong dân tin tưởng với chứng khoán có thể dẫn tới sự đứt gãy khó hồi phục của thị trường.

Thoạt nhìn nội dung của Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 13/2/2012 của Thống đốc NHNN không có gì mới khi kiểm soát tỷ trọng dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực không khuyến khích so với tổng dư nợ cho vay của tổ chức tín dụng trong suốt cả năm 2012 tối đa là 16%, bằng so với mức cuối năm 2011 áp dụng với tín dụng phi sản xuất.

Với các nhà đầu tư cá nhân, thời điểm này hầu như rất ít người dám sử dụng đòn bẩy tài chính

Tuy nhiên, điều đáng nói là trong lĩnh vực không khuyến khích bổ sung thêm một nhóm mới là  cho vay đối với nhu cầu vốn để phục vụ đời sống, cho vay thông qua nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng (còn gọi là cho vay tiêu dùng). Trong khi đó, nhiều ngân hàng thời gian qua tập trung tăng trưởng rất mạnh ở nhóm cho vay tiêu dùng, cho vay mua xe, phát hành thẻ tín dụng... Cùng một kết quả của phép chia, khi tử số có thêm gương mặt mới, lại là gương mặt vốn được các ngân hàng tập trung thì tỷ trọng cho những gương mặt khác phải giảm đáng kể. Giữa chứng khoán và bất động sản, kênh nào có khả năng thu hồi vốn dễ hơn ở thời điểm này, có lẽ nhiều ý kiến đều chia sẻ: chứng khoán.

Cho đến thời điểm này, trong các báo cáo của NHNN đưa ra thị trường, chưa có bất cứ văn bản nào công bố tỷ trọng dư nợ tín dụng phi sản xuất  so với dư nợ tín dụng toàn ngành là bao nhiêu, chốt chặn 16% vào ngày 31/12/2011 như yêu cầu của NHNN có ngân hàng nào vi phạm hay không? Cũng vì thế, để có thể lượng hóa chính xác phần nào tác động của việc siết tín dụng đối với chứng khoán là rất khó.

Thời gian qua, một số ngân hàng như BIDV vẫn cho vay chứng khoán, MB vẫn cho vay bất động sản, nhưng lãi suất ở mức khá cao trên 19%/năm. Với các nhà đầu tư cá nhân, thời điểm này hầu như rất ít người dám sử dụng đòn bẩy tài chính. Với viễn cảnh tiền tệ như hiện nay, không ai  kỳ vọng dòng vốn ngân hàng đổ vào TTCK sẽ tăng trong thời gian tới. Điều mọi người lo ngại ở chỗ, liệu chính sách mới có buộc các ngân hàng tiếp tục siết mạnh chứng khoán để thu hồi vốn, đưa tỷ trọng dư nợ phi sản xuất về 16% theo cách tính mới hay không?

Kế toán trưởng một CTCK kể việc thu hồi nợ của ngân hàng để thấy việc này sẽ tác động không nhỏ đến thị trường. Ngân hàng cử nhân viên ngồi hàng ngày tại CTCK, khi có tiền về tài khoản CTCK là cố gắng thu nợ ngay. Nguồn thu chủ yếu là từ bán cổ phiếu, CTCK giải chấp trong tài khoản của khách hàng. Điều này có nghĩa, cổ phiếu tốt hay xấu, cứ có thể thu được tiền là CTCK bán ra.

Việc nắn dòng vốn vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh cốt yếu của nền kinh tế là chủ trương không mới. TTCK đang có mốc xuất phát khác xa so với thời điểm sốt nóng, việc cào bằng và coi đây là lĩnh vực rủi ro hàng đầu với các khoản tín dụng là không hợp lý. Bên cạnh đó, cơn bão giải chấp phần nào đã lắng dịu, nay tiếp tục nếu bị ”đốt nóng” sẽ đẩy kênh dẫn vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế có nguy cơ  tiếp tục rơi vào vòng xoáy giảm điểm.

Theo yêu cầu của NHNN, các tổ chức tín dụng phải gửi báo cáo cho vay lĩnh vực đầu tư, kinh doanh chứng khoán, bất động sản, tiêu dùng và lĩnh vực không khuyến khích cho NHNN (Vụ Chính sách tiền tệ) chậm nhất cuối tháng này và phải cập nhật hàng tháng. Một con số minh bạch về tỷ trọng các khoản tín dụng trên được công bố từ chính cơ quan quản lý cao nhất về tiền tệ (dù thông tin có thể không tích cực) đang là mong đợi của các nhà đầu tư.  Khi chưa có thông tin rõ ràng, đồng thời với những chuyển biến về xu hướng chưa xuất hiện, giới phân tích từ các CTCK vẫn trung thành với khuyến nghị nhà đầu tư nên tiếp tục xem xét giảm tỷ trọng cổ phiếu trong những phiên thị trường tăng điểm.

Đào Phương Mai, Đại học Thương mại Hà Nội
Đào Phương Mai, Đại học Thương mại Hà Nội

Tin cùng chuyên mục