Lý do cơ bản khiến nhiều ngân hàng mở lại dịch vụ này là giai đoạn cuối năm, tổng dư nợ của các ngân hàng thường tăng mạnh, và vì vậy, hạn mức 3% cũng được nới rộng hơn (về số tuyệt đối). Ngoài ra, hiện nay, nhiều ngân hàng đang thừa vốn khả dụng, nên tranh thủ quãng thời gian chưa bị siết chặt theo Chỉ thị 03 để quay vòng vốn. Tại nhiều ngân hàng, khoản cho vay cầm cố chứng khoán có thời hạn khá ngắn, chỉ từ 1-6 tháng.
Ngân hàng ABBANK, HDBank... đang đẩy vốn cho nhà đầu tư bằng tài sản cầm cố chứng khoán. Tuy nhiên, mức lãi suất được áp dụng đối với tín dụng cho vay cầm cố chứng khoán của các ngân hàng đưa ra cao hơn khoảng 0,05% - 0,40% /tháng so với đầu năm 2007. Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng cho biết, mức lãi suất áp dụng cho vay cầm cố chứng khoán tại Ngân hàng là từ 1,2% - 1,35%/tháng, tăng khoảng 0,5%/tháng so với trước.
Bên cạnh các ngân hàng vẫn rót vốn vào chứng khoán, nhiều ngân hàng do tỷ lệ cho vay vào lĩnh vực này vượt quá xa mức cho phép, nên phải tạm ngưng để điều chỉnh dư nợ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các ngân hàng này sẽ tạm ngưng hoàn toàn. Chẳng hạn, DongA Bank, ACB, VIB Bank… đều cho biết, sau khi điều chỉnh tỷ lệ dư nợ cho đầu tư chứng khoán xuống mức cho phép, họ sẽ tiếp tục triển khai dịch vụ tín dụng tiềm năng này. "Hiện chúng tôi đang trong giai đoạn điều chỉnh tỷ lệ cho vay cầm cố. Đến một lúc nào đó dư nợ của ngân hàng tăng lên sẽ tiếp tục cho vay cầm cố chứng khoán", ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank nói. Phó giám đốc một ngân hàng cổ phần tại TP. HCM cho biết, tuy không đẩy mạnh cho vay cầm cố chứng khoán như đầu năm 2007, nhưng Ngân hàng vẫn chưa hoàn toàn ngưng hẳn. Nếu nhà đầu tư có nhu cầu vay tiền tái kinh doanh chứng khoán vẫn được Ngân hàng chấp nhận, nhưng chỉ được vay ở các kỳ hạn ngắn, 1 - 3 tháng, thay vì tối đa 6 - 12 tháng như trước. Đồng thời, giá trị khoản vay cũng được cắt giảm hơn nhiều so với trước đây.
Bên cạnh đó, khối ngân hàng quốc doanh cũng bắt đầu nhận thấy cơ hội tốt để đẩy vốn cho nhà đầu tư khi dư nợ cầm cố của nhiều ngân hàng cổ phần đã vượt ngưỡng 3% trên tổng dư nợ. So với các ngân hàng thương mại, dư nợ của khối ngân hàng quốc doanh rất lớn nên con số 3% trên tổng dư nợ là rất lớn.