Trong bối cảnh nhiều nước lâm vào khủng hoảng, diễn biến giao dịch của NĐT ngoại càng được chú ý hơn. Nhất là trong giai đoạn TTCK Việt Nam có sự suy giảm sau một thời gian dài, việc NĐT ngoại bán ra hay mua vào sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý NĐT trong nước.
Trên sàn HOSE, từ đầu tháng 9 đến nay, nhà ĐTNN mua vào hơn 74 triệu cổ phiếu, bán ra hơn 98 triệu cổ phiếu, như vậy họ đã bán ròng 24 triệu cổ phiếu với tổng giá trị bán ròng 663,1 tỷ đồng. Còn trên sàn HASTC, khối này mua vào 18 triệu cổ phiếu, bán ra 20,7 triệu cổ phiếu, như vậy họ bán ròng 2,7 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, tính theo giá trị thì khối này lại mua ròng 51,4 tỷ đồng. Tổng cộng, nhà ĐTNN bán ròng 611,7 tỷ đồng cổ phiếu trên cả 2 sàn.
Ngoài ra, nhà ĐTNN cũng bán ròng 11.700 tỷ đồng trái phiếu (trên HOSE 555 tỷ đồng và trên HASTC 11.140 tỷ đồng). Điểm đáng chú ý là các trái phiếu bán ròng phần lớn là trái phiếu ngắn hạn, đáo hạn sau 2 - 3 năm, trong khi họ vẫn mua vào trái phiếu dài hạn. Theo lý giải của một CTCK thì việc nhà ĐTNN bán trái phiếu ngắn hạn và mua trái phiếu dài hạn là bình thường khi họ dự báo lãi suất cơ bản tại Việt Nam có xu hướng giảm. Tuy nhiên, việc mua trái phiếu dài hạn lại ít được đáp ứng do nguồn cung khan hiếm.
Hiện nay, một số ý kiến cho rằng, NĐT ngoại đang rút vốn khỏi Việt Nam để đem về ứng cứu cho tổ chức mẹ. Tuy nhiên, theo tôi, khả năng này không lớn, bởi con số 12.300 tỷ đồng (tương ứng hơn 730 triệu USD) bán ròng chứng khoán trong 2 tháng vừa qua nếu đem về cũng chỉ là muối bỏ bể. Số vốn này lại được chia nhỏ cho rất nhiều tổ chức nước ngoài tại Việt Nam nên con số càng trở nên nhỏ bé hơn. Trong khi đó, các quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam hầu hết là các quỹ đóng, thời gian hoạt động dài nên việc rút vốn không thể theo cảm hứng. Đó là chưa kể các quy định về luân chuyển vốn hiện nay khá chặt chẽ.
Vậy, nhà ĐTNN bán chứng khoán lấy tiền để làm gì? Có rất nhiều lý do có thể đưa ra, nhưng nhiều khả năng lượng tiền này vẫn được giữ để chờ cơ hội đầu tư tích cực hơn. Nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng và suy thoái, các NĐT trở nên thận trọng, hạn chế rủi ro bằng cách nắm giữ nhiều tiền mặt. Thông thường, các quỹ đầu tư sẽ cơ cấu lại danh mục đầu tư, trong đó nắm giữ từ 30 - 50% tiền mặt để chờ cơ hội. Điều này là hoàn toàn bình thường, thậm chí ngay cả những NĐT nội hiện nay cũng đang hành động tương tự.
Vì vậy, chúng ta có thể tin tưởng TTCK hiện nay vẫn còn sức hấp dẫn. Ngay khi thị trường có dấu hiệu phục hồi, chính lượng tiền này sẽ được giải ngân trở lại. Khi đó, thị trường sẽ được tiếp thêm động lực để tăng trưởng.