
Tại sao ông Hiệp lại tặng toàn bộ cổ phiếu cho ông Vượng, trong khi ông này đã nắm giữ số lượng cổ phiếu cực lớn tại Vincom; nếu như không còn nắm giữ một cổ phiếu nào tại doanh nghiệp, tới đây ông Hiệp có còn trên cương vị Chủ tịch HĐQT... Đó là những câu hỏi một số NĐT thắc mắc xung quanh sự kiện trên.
Trao đổi với ĐTCK hôm 29/11, ông Hiệp cho biết, giao dịch mà ông vừa thực hiện hoàn toàn minh bạch và không ảnh hưởng tới bất cứ quyền lợi của cổ đông nào, vì bên nhận cổ phiếu là ông Phạm Nhật Vượng, thành viên HĐQT (cũng là cổ đông nội bộ, phải thực hiện công bố thông tin khi mua bán cổ phiếu - PV). Mục đích của giao dịch này nhằm cơ cấu lại danh mục đầu tư của một số thành viên HĐQT Vincom, trước khi thực hiện HĐQT Vincom cũng đã cân nhắc kỹ càng và ông Hiệp vẫn gắn bó với Vincom trên cương vị Chủ tịch HĐQT, bộ máy lãnh đạo Công ty không có gì xáo trộn.
Trước trường hợp của Vincom, một số vụ cho, tặng cổ phiếu đình đám đã gây sự chú ý của công chúng đầu tư. Đơn cử, ngày 21/3/2007, ông Lê Quang Tiến, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc FPT (thời điểm đó) đã chuyển nhượng hơn 1,85 triệu cổ phiếu trong tổng số 3,7 triệu cổ phiếu FPT đang sở hữu cho người vợ cũ theo quyết định ly hôn của tòa án, sau đó ông này còn tặng 900.000 cổ phiếu FPT cho con gái. Ngày 26/7/2007, ông Lương Cao Tùng, thành viên HĐQT CTCP Xuất khẩu Bến Tre (ABT) tặng 250.000 cổ phiếu ABT cho bà Nguyễn Thu Hương, chị vợ của ông, ước tính theo thị giá cổ phiếu ABT thời điểm đó, số tiền lên đến hơn 25 tỷ đồng.
Pháp luật chứng khoán các nước trên thế giới đều có quy định về những trường hợp này và coi đây là ngoại lệ đối với nguyên tắc trung gian của các giao dịch trên thị trường tập trung. Tuy nhiên, những chuyển nhượng trực tiếp này chỉ được phép thực hiện khi thỏa mãn các tiêu chí nhất định để đảm bảo rằng, chuyển nhượng không thông qua trung gian không phải là mục tiêu vụ lợi của NĐT. Theo một quan chức Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), điều này cần thiết nhằm đảm bảo tính công bằng cho NĐT khác khi mua bán chứng khoán qua TTCK, bởi lẽ không loại trừ có trường hợp NĐT tìm cách lợi dụng chuyển nhượng trực tiếp này để thực hiện mục đích riêng của mình như thâu tóm doanh nghiệp niêm yết, thao túng giá...
Tại Việt Nam, xét trên góc độ pháp lý, Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp chưa có quy định đầy đủ và rõ ràng về việc cho, tặng, phân chia tài sản bằng cổ phiếu niêm yết. Quy chế giao dịch chứng khoán của Sở GDCK TP. HCM (HOSE) chỉ nêu đơn giản "chứng khoán niêm yết tại HOSE được giao dịch thông qua hệ thống giao dịch của Sở, ngoại trừ các trường hợp cho, biếu, tặng cổ phiếu..." mà không có quy định cụ thể nào về tiêu chí cho việc thực hiện. Trường hợp của Vincom, việc cho, tặng xảy ra giữa hai cổ đông nội bộ, cổ đông khác có thể giám sát việc mua bán cổ phiếu của họ sau này, còn những trường hợp khác thì sao? Bình luận về hành động cho, tặng cổ phiếu của ông Lương Cao Tùng, có NĐT cho rằng, đây có thể là trường hợp "giải thoát" của cổ đông VIP trước khi Công ty lâm vào khó khăn mà pháp luật Việt Nam chưa điều chỉnh. Người nhận cổ phiếu không hề bị hạn chế chuyển nhượng và có thể bán thông qua khớp lệnh, sau đó chuyển tiền lại cho cổ đông VIP.
Thực tế, dù cổ phiếu được niêm yết và phải giao dịch thông qua Sở/TTGDCK, vẫn có trường hợp khách quan người sở hữu muốn chứng khoán niêm yết mà mình nắm giữ được chuyển nhượng tới một chủ thể đích danh nào đó. Đây là một trong những quyền được pháp luật bảo vệ. Cơ quan quản lý trong lĩnh vực chứng khoán là UBCK cũng đã nhìn nhận về vấn đề này và nêu ra yêu cầu cần thiết ban hành khung pháp lý chặt chẽ để điều chỉnh. Trong bài viết của một quan chức UBCK đăng trên báo chí cũng đã lấy ví dụ tại Mỹ, việc một cá nhân muốn chuyển nhượng chứng khoán cho đích danh một người nào đó khá phổ biến và thủ tục cũng đơn giản, song phải đáp ứng những điều kiện cụ thể. Ví dụ, trong trường hợp tặng, cho chứng khoán mà người được tặng là người chưa thành niên, pháp luật quy định, việc tặng, cho phải được thực hiện qua một tài khoản với điều kiện người tặng không được đòi lại chứng khoán đã tặng, người được tặng không được trả lại, hay chứng khoán được tặng phải là chứng khoán ký danh, nếu là chứng khoán vô danh thì việc tặng phải lập thành văn bản...
TTCK mới phổ cập hơn đến NĐT trong vòng 2 - 3 năm nay, và do pháp luật chưa quy định cụ thể về những giao dịch cổ phiếu đã niêm yết mà không cần thông qua hệ thống tập trung, nên đã có trường hợp việc chuyển nhượng trực tiếp được thực hiện giữa các NĐT có tổ chức, song thông tin xuất hiện ra công chúng đầu tư rất mờ nhạt và không khiến họ mảy may nghi ngờ. Trường hợp giao dịch không nhằm mục đích vụ lợi thì không có gì đáng nói, còn nếu ẩn sau đó là việc làm có thể tổn hại tới doanh nghiệp thì các NĐT khác sẽ bị ảnh hưởng. Đã có ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý cần nhanh chóng nghiên cứu ban hành những quy định cụ thể, nên chăng cần hạn chế tối đa việc các tổ chức chuyển nhượng trực tiếp hoặc ít nhất phải được công bố thông tin đầy đủ nhằm bảo vệ công chúng đầu tư.