Thế nhưng, ngay sau đó Bộ Tài chính lại tiếp tục bảo lưu quan điểm không hồi tố tại văn bản trình Thủ tướng về việc tổng hợp giải trình ý kiến các thành viên Chính phủ về dự thảo sửa đổi nghị định này.
Điều đáng nói, đây không phải là lần duy nhất cơ quan chịu trách nhiệm về vấn đề quản lý thuế bảo lưu quan điểm với vấn đề hồi tố các khoản thuế dường như nộp "oan" của các doanh nghiệp do phát sinh từ bất cập của Khoản 3, Điều 8 của Nghị định 20/2017/NĐ-CP.
Trước đó, rất nhiều các thành viên thị trường, chuyên gia tài chính đều có những lập luận xác đáng khẳng định sự bất cập của Khoản 3, Điều 8 của Nghị định 20/2017/NĐ-CP kể từ khi ban hành và có hiệu lực tới nay. Theo đó, với việc một số quy định không rõ ràng, Nghị định không chỉ không thực sự hiệu quả trong việc chống chuyển giá/chuyển nợ với mục đích trốn tránh thuế với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thay vào đó lại vô tình "trói chân" cả khối doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là khối doanh nghiệp vận hành theo mô hình công ty mẹ - công ty con.
Phân tích từ số liệu từ Bộ Tài chính, kể từ năm 2017 đến tháng 6/2019, trong tổng số gần 4.000 doanh nghiệp kê khai có giao dịch liên kết có phát sinh khoản chi phí lãi vay, có hơn 700 doanh nghiệp có tỷ lệ chi phí lãi vay vượt ngưỡng 20%. Loại trừ số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, có hơn 250 doanh nghiệp trong nước với khoản chi phí lãi vay của các doanh nghiệp trong nước được loại trừ trên 10.000 tỷ đồng/năm.
Điều đặc biệt, các doanh nghiệp này có tỷ lệ chi phí lãi vay vượt 20% đều là khoản vay lớn, thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; hoạt động kinh doanh bất động sản, xây dựng, sản xuất và phân phối điện… có hoạt động liên doanh, liên kết khá cao.
Chính vì thế, ngay sau khi tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, thành viên thị trường, thông tin cho thấy Chính phủ đã hơn một lần thúc giục Bộ Tài chính phải có những sửa đổi triệt để những bất cập của Nghị định 20. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là mong muốn chính đáng của doanh nghiệp về việc hồi tố khoản thuế họ đã nộp oan từ năm 2017 đến nay không được cơ quan quản lý thu đồng tình.
Theo Bộ Tài chính, đối tượng liên quan “không phải lợi ích chung xã hội” nên không cần áp dụng quy định hồi tố. Tuy nhiên, trong lần lên tiếng trước đây, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong khẳng định Bộ Tài chính mới viện dẫn một phần nội dung Khoản 1, Điều 152, Luật Ban hành văn bản pháp luật năm 2015, vì câu đầy đủ là: “Chỉ trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm lợi ích chung của xã hội, thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân được quy định trong luật, nghị quyết của Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan trung ương mới được quy định hiệu lực trở về trước”.
Như vậy, theo ông Phong, một vế rất quan trọng của quy định trên là việc “thực hiện các quyền, lợi ích của các cá nhân, tổ chức” đã không được xem xét một cách thỏa đáng.
Đây cũng là điều được chuyên gia kinh tế Nguyễn Thanh Bình nhắc tới. Chính ông Bình đã phải chứng kiến doanh nghiệp phải nộp thêm tiền tỷ vì quy định bất cập trong Nghị định 20. Hậu quả là rất nhiều doanh nghiệp không dám lập thêm công ty, không dám vay thêm vốn để mở rộng đầu tư phát triển. Chính điều này đã làm cản trở sự phát triển của cả nền kinh tế, của đất nước. Bởi thế, việc đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp khi sửa Nghị định 20 chắc chắn không chỉ tác động tới một nhóm nhỏ mà đó là lợi ích của cả xã hội.
Một lý lẽ gây ngạc nhiên nữa là, Bộ Tài chính cho rằng việc áp dụng hồi tố có thể “tạo ra cơ chế xin-cho phức tạp trong quy trình quản lý và không loại trừ khả năng phát sinh tiêu cực". Nhìn nhận điều này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, đây là lý do khó chấp nhận bởi việc đảm bảo năng lực quản lý, xử lý các tiêu cực nếu có khi thực hiện hồi tố các luật định về thuế là việc đương nhiên cơ quan này phải làm.
Ở góc độ khác, theo giải trình của Bộ Tài chính, lý do không hồi tố vì tiền thuế thu các năm 2017, 2018 đã được quyết toán trong khi dự toán năm ngân sách 2020 không bố trí nguồn để hoàn trả lại khoản tiền gần 5.000 tỷ đồng.
Phần lớn chuyên gia kinh tế đều không đồng tình với cách lý giải này bởi ngành thuế hoàn toàn có thể xử lý được vấn đề bằng cách trừ vào số tiền thuế phải nộp của doanh nghiệp trong các kỳ tính thuế tiếp theo. Cách làm này sẽ không ảnh hưởng đến quyết toán ngân sách Nhà nước các năm 2017, 2018, cũng không làm phát sinh ngay áp lực với ngân sách. Bởi vậy, lo ngại của Bộ Tài chính về việc phải bố trí ngân sách trong năm 2020 theo nhiều chuyên gia là thừa.
Là một trong những người sớm lên tiếng về đề xuất này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Chính phủ có thể tính toán để trừ bớt các khoản thuế phải nộp năm sau cho doanh nghiệp làm ăn có lãi. Ngược lại, với doanh nghiệp năm sau chưa có lợi nhuận, ngân sách sẽ cho hoàn thuế. Điều này theo ông là thực hiện không hề khó và hoàn toàn có thể đối chiếu sổ sách kế toán để đảm bảo sự chính xác, khách quan.
Ông nhấn mạnh quan điểm không nên đẩy cái khó về phía doanh nghiệp, khi ngân sách chưa có tiền ngay, chỉ có thể "khất" chứ không được xóa bỏ hoàn toàn trách nhiệm.
Đáng nói là, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ liên tục chỉ đạo các bộ, ngành có giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn dịch bệnh Covid-19. Trong bối cảnh đó, việc hồi tố Nghi định 20 không những là cần thiết, đúng pháp luật mà còn có ý nghĩa đặc biệt giúp các doanh nghiệp vốn đã kiệt quệ.
Theo PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, xét trên quan điểm nuôi dưỡng nguồn thu, cho phép hồi tố từ khi Nghị định 20 có hiệu lực năm 2017 là quyết định hợp lý, hợp tình.
Thực tế, càng trong lúc khó khăn, nguyên tắc "doanh nghiệp có khỏe, kinh doanh có lãi thì ngành thuế mới thu được nhiều tiền, phục vụ ngân sách" càng nên được hiểu rõ hơn. Mặt khác, nếu đã chấp nhận Nghị định sửa đổi sẽ có hiệu lực cho kỳ tính thuế năm 2019 thì không có lý do gì để không hồi tố về các kỳ tính thuế trước đó khi doanh nghiệp đã nghiêm chỉnh kê khai và đóng thuế, dù việc đóng thuế này không hợp lý.