Chợ nổi chiều cuối năm

(ĐTCK) Một ngày cuối năm, trong lất phất mưa phùn phương Nam, tôi ghé chợ nổi Cái Răng.
Ảnh Shutterstock Ảnh Shutterstock

Cơn mưa cuối năm, dầu không lạnh như tiết trời ngoài Bắc, nhưng cũng khiến kẻ lữ thứ ngấm dần nỗi cô liêu. Trên bến sông, mặt sông, mưa đổ bụi phủ lên những con thuyền. Một cơn mưa khác lạ với kiểu tính khí thời tiết nơi đây, nhưng lại rất đồng điệu với nỗi nhớ nhà.

Bữa đó, tôi thuê một mình một thuyền, phần vì không kịp ghép chuyến, phần vì muốn nếm trải cảm giác độc hành. Đây là lần thứ ba, thứ tư gì đó tôi ghé Cần Thơ, nhưng lại là lần đầu đi chợ nổi. Hành trang lần này cũng nặng nề nhất vì đó là bữa tạt ngang trong một hành trình làm phóng sự truyền hình. Lỉnh kỉnh nào là máy quay, chân máy, sạc pin, máy tính, cả một chiếc máy ảnh bất ly thân với đời phóng viên… và mình tôi.

 Ảnh Shutterstock

Lại xin kể lể một chút. Chuyến công tác lần này tôi bị đồng đội "bỏ bom". Sát cuộc hành trình, hai chiến hữu ai cũng cáo bận với những lý do rất nhân văn và dễ thương. Vậy là, một mình tôi và đống thiết bị đã xuôi ngược từ Gia Lai sang Kon Tum, rồi lại xuôi theo vạn lý về Sóc Trăng, Trà Vinh. Vì giận đồng đội, bữa đó tôi quyết đi chợ nổi Cái Răng chơi một mình, định sẽ nhậu một mình cho bõ cái cỗ lòng đang bực tức.

Tôi hỏi chú chủ thuyền tên Thái: Chắc thời gian chú ở trên thuyền còn nhiều hơn ở nhà nhỉ?

Khẽ cười, chú bảo: Tớ đón khách từ 5 giờ sáng. Đến khoảng 8 giờ là xong một chuyến. Cậu là chuyến thứ 2. Có ngày thì ở trên thuyền đến tận đêm vì còn việc này, việc nọ. Cũng có bữa thì chỉ làm đến chiều. Nhưng đi thuyền thì chắc chắn nhiều hơn là chạy honda (honda là từ chung của người phương Nam biểu đạt cho việc đi xe máy).

Bữa đó, chú Thái dẫn tôi thăm chợ nổi, ghé tiệm làm hủ tiếu, đi mua hoa trái...

  Ảnh Shutterstock

Đầu giờ chiều, khi đã thăm thú hết các địa điểm, hạng mục, tôi ngỏ lời nhờ chú Thái kiếm cho một nhà người quen để ăn cơm miền Tây cho đúng điệu. Bữa đó, nhờ chú Thái là thổ địa, tôi được ăn hai món cá lóc nấu canh chua và cá lóc kho tộ. Hai món ăn rất đỗi phổ biến và đã ăn nhiều lần, nhiều nơi, nhưng được vào tận bếp nhà, xem gia chủ nấu nướng, nhìn đôi tay thoăn thoắt của người dân sông nước làm cá, nấu món và cùng nhau ngồi làm vài ve bia, cảm giác thật thoải mái và thấy trân trọng cuộc đời, trải nghiệm và những chuyến đi.

Bữa đó, tôi trình bày lý do rất thật là chỉ có một mình nên mong muốn được mời chú Thái và anh chủ nhà ngồi uống chút bia. Cả hai người vui vẻ nhận lời.

Trong câu chuyện của mình, tính cách bộc trực, dễ gần của người phương Nam khiến khoảng cách như hẹp lại, chủ nhà hết lòng, đem những câu chuyện, phong tục phương Nam ra kể. Còn khách cũng thật bụng chia sẻ nhiều điều về người Bắc.

 Ảnh Shutterstock

Lần đi này, gặp gỡ chú Thái, anh chủ nhà và quan sát nhiều người ở chợ nổi, tôi càng thấy câu: “Người Bắc đi ngựa, người Nam đi thuyền” quả là đúng.

Đôi chân những người dân chợ nổi vững chãi, chắc chắn bao nhiêu khi bước trên mặt thuyền, thì dường như với đất liền, lại không được như thế. Cũng giống như tôi dành nửa buổi với thuyền, với mặt sông, đôi chân khi bước lên bờ, cảm giác cũng bông bênh, chòng chành đi nhiều.

Một điều nữa, người dân sông nước dẫu cũng yêu ngôi nhà của mình lắm, nhưng có vẻ như, do thời gian gắn bó với ghe thuyền nhiều hơn, nên quan niệm về ngôi nhà cũng nhẹ nhàng hơn nhiều. Có những hộ gia đình, ngôi nhà và chiếc ghe thuyền đồng nhất làm một. Họ quanh năm dập dềnh cùng sông nước, có khi, cả tuần, cả tháng mới đặt chân lên bờ một bận.

Tôi hỏi một chị bán cà phê dạo về ngôi nhà của chị, chị bảo: Nhà tui là cái thuyền đằng kia, ông xã ngồi nhà và mở sạp bán trái cây. Tui thì bán cà phê cho bà con đi chợ và khách du lịch. Cưới nhau cả gia tài là cái thuyền lớn làm nhà, chứ không có nhà đất chi sất…

  Ảnh Shutterstock

Bỗng dưng tôi lại nhớ đến bà con vạn chài quê mình. Quanh năm đánh bạn cùng sông nước. Ngôi nhà là những chiếc bè lớn, được ghép nổi trên những thùng phuy. Người ở trên, cá lồng ở dưới. Nhà nào cũng có một cái thuyền con để đánh cá, chở hàng. Họ sống ngay mép sông nhưng cũng khá tách biệt và lạ lẫm với người trên đất. Có chăng chỉ gặp nhau ở các giao dịch mua bán, cũng không dễ gần như người sông nước phương Nam.

Sau, vì sinh con đẻ cái nhiều, cũng có nhiều gia đình mua đất, cất nhà và tạo thành phong trào “lên đất” một độ. Nhưng cũng chẳng được lâu, phần vì lìa sông cũng là lìa mạch sống, thêm cái văn hóa, thói quen cố hữu gắn với mặt nước. Dần dà, người ta lại quay về với bè nổi, bến sông. Nhà đất thì đem nhượng lại.

Chia tay chợ nổi, tôi ám ảnh mãi với câu nói của chị bán cà phê: Coi tivi thấy người ta quảng cáo chung cư, nhà ở nhiều lắm, nhưng chưa bao giờ tụi tui nghĩ mình sẽ mua nhà như thế. Sống với chợ nổi mãi, quen rồi…

Bồng bềnh cùng ghe thuyền, trò chuyện cùng người chợ nổi, cùng ăn món ăn phương Nam với ngữ điệu và phong vị rất riêng, điều này mang lại một cảm giác rất thú vị cho cuộc hành trình ngay trước thềm năm mới. Và thú hơn, tôi chợt biết, không phải ai cũng chăm chăm lo kiếm mảnh đất cắm dùi như mình, bởi dường như, khi người ta gắn bó đủ lâu, thì ghe thuyền cũng chẳng còn khác gì đất ở, mái nhà.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Thanh Huyền
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục