Ngày 20/12, Bộ Ngoại giao đã chủ trì tổ chức hội nghị tổng kết giữa kỳ việc thực hiện Đề án “Phát triển quan hệ giữa Việt Nam và các nước khu vực Trung Đông-châu Phi giai đoạn 2016-2025” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Bên lề hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu đã trao đổi với báo chí về quá trình hợp tác và định hướng cho tương lai phát triển mối quan hệ giữa Việt Nam với khu vực giàu tiềm năng này.
Xin Thứ trưởng đánh giá các kết quả đạt được trong quá trình hợp tác giữa Việt Nam và các nước Trung Đông-châu Phi giai đoạn 2016-2021 và định hướng cho giai đoạn 5 năm tiếp theo?
Đề án “Phát triển quan hệ giữa Việt Nam và các nước khu vực Trung Đông-châu Phi giai đoạn 2016-2025” đặt ra rất nhiều mục tiêu lớn và bao trùm, tựu trung lại thể hiện trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa.
Trong 5 năm đầu thực hiện, từ 2016-2021 có hai năm bị tác động bởi dịch COVID-19. Riêng năm 2021, không chỉ Việt Nam mà tất cả các nước trên thế giới, bao gồm các nước khu vực Trung Đông-châu Phi đều bị tác động nặng nề bởi đại dịch COVID-19.
Mặc dù vậy, với nỗ lực của các bộ, ngành, đặc biệt là các doanh nghiệp và địa phương, hợp tác giữa hai bên đã đạt được những thành quả đáng khích lệ.
Hợp tác chính trị, đối ngoại đã tạo nền tảng vững chắc góp phần thúc đẩy hợp tác nhiều mặt về kinh tế, đầu tư, thương mại, khoa học… giữa Việt Nam và khu vực có những bước tiến tích cực.
Tuy còn một chặng đường rất dài trước mặt nhưng điều quan trọng là tất cả các lĩnh vực hợp tác giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông-châu Phi đều có bước phát triển. Tại Hội nghị lần này, các ý kiến đều cho rằng, cần quyết tâm thực hiện bằng được mục tiêu đề ra cho chặng đường 5 năm tiếp theo thực hiện Đề án.
Thúc đẩy hòa bình, ổn định là một điểm rất quan trọng trong quá trình hợp tác với khu vực Trung Đông-châu Phi. Việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam có ý nghĩa như thế nào trong vấn đề này thưa Thứ trưởng?
Trong những năm gần đây, việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đã đạt được kết quả rất tích cực. Việt Nam tham gia ngày càng thực chất và sâu rộng hơn ở các cấp độ, kể cả trên cấp độ thực tế thực địa lẫn các cấp độ về chỉ huy và hoạch định chính sách.
Đây có thể được coi là một trong những điểm sáng nhất trong việc thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TW về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2020. Thông qua hoạt động về lực lượng gìn giữ hòa bình, thời gian tới, Việt Nam sẽ hợp tác với các bên ngày một sâu rộng hơn, có những đóng góp cụ thể và thiết thực hơn trong gìn giữ và tạo lập môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển ở khu vực Trung Đông-châu Phi. Đồng thời, tạo sự lan tỏa, sức mạnh tổng hợp, toàn diện để từ đó, thúc đẩy phát triển trên các lĩnh vực khác.
Xin Thứ trưởng cho biết những định hướng hợp tác giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông-châu Phi thời gian tới?
Với Việt Nam, khu vực Trung Đông-châu Phi là một đối tác truyền thống. Các bạn đã hỗ trợ ta trong giai đoạn bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước.
Việc biến mối quan hệ chính trị tốt đẹp đó trở thành những lợi ích thiết thực, đóng góp cho sự phát triển của cả hai bên trên cơ sở bình đẳng, hợp tác và cùng có lợi chính là một trong những mục tiêu bao trùm của Đề án phát triển quan hệ Việt Nam và Trung Đông-châu Phi giai đoạn 2016-2025.
Chúng ta phải thúc đẩy hơn nữa quan hệ chính trị, hợp tác song phương và đa phương giữa hai bên để làm tiền đề, tạo đột phá cho các quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại.
Hạt điều là mặt hàng nhiều nước khu vực Trung Đông-châu Phi có nhu cầu nhập khẩu. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN) |
Tôi lấy ví dụ, trong cuộc gặp giữa Tổng thống Sierra Leone Julius Maada Bio và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bên lề chuyến công du của Chủ tịch nước đến Hoa Kỳ và dự Phiên thảo luận chung cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76 vừa qua, hai nhà nguyên thủ đã thống nhất những biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là những sản phẩm chế biến của hai bên.
Tiếp nối câu chuyện đó, tháng 3/2022, dự kiến Tổng thống Sierra Leone Julius Maada Bio sẽ sang thăm Việt Nam để cùng bàn tiếp câu chuyện thúc đẩy cụ thể các mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học, giáo dục… giữa hai bên.
Về lĩnh vực kinh tế, tôi cho rằng, quan hệ giữa các doanh nghiệp với nhau phản ánh rất rõ nét về mối quan hệ và thực tế đời sống hàng ngày của hai bên. Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nào cũng đều quan tâm đến thị trường, khuôn khổ pháp lý, nguồn tài chính…
Thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp với các bộ, ngành khác tiếp tục xây dựng một khuôn khổ pháp lý có tính chất rõ ràng và bền vững hơn. Cùng với đó là việc đảm bảo một nguồn tài chính ngân hàng và thương mại đồng hành với doanh nghiệp để tạo chỗ dựa cho các doanh nghiệp khi tham gia thị trường Trung Đông-châu Phi trong thời gian tới.
Công tác quản lý nhà nước, việc tạo khuôn khổ pháp lý và cơ chế tài chính minh bạch cũng sẽ là điểm tựa cho doanh nghiệp hai bên, từ đó giúp tạo dựng lòng tin để Việt Nam và khu vực Trung Đông-châu Phi tăng cường hợp tác sâu rộng hơn nữa.