Chờ dòng tiền cá nhân quay lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trạng thái thị trường đi ngang cùng thanh khoản thấp khiến việc giao dịch ngắn hạn khá rủi ro, nhưng kỳ vọng dòng tiền chủ đạo từ nhóm nhà đầu tư cá nhân sẽ sớm quay trở lại mua ròng.
Các nhà đầu tư cá nhân đóng góp dòng tiền chủ đạo trên thanh khoản hàng ngày của thị trường chứng khoán. Các nhà đầu tư cá nhân đóng góp dòng tiền chủ đạo trên thanh khoản hàng ngày của thị trường chứng khoán.

Vốn ngoại góp phần củng cố niềm tin

Thị trường chứng khoán Việt Nam có sự tham gia đa dạng của các nhóm nhà đầu tư, trong đó có thể kể đến 3 nhóm lớn là nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư tổ chức trong nước và nhà đầu tư cá nhân trong nước.

Tháng 11/2022, khi chỉ số VN-Index lùi xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm thì nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh mua ròng, động thái này kéo dài cho đến quý I/2023.

Dù tỷ trọng giao dịch của khối ngoại ở mức thấp, nhưng động thái mua ròng đã mang lại cho thị trường hai niềm tin quan trọng, bao gồm niềm tin về định giá của các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường niêm yết đã về mức đủ hấp dẫn trong dài hạn và dòng tiền dương chảy vào thị trường.

Tính từ đáy tạm thời vào giữa tháng 11/2022, VN-Index đến nay tăng hơn 20%, trong đó có một số cổ phiếu tăng trên 100%. Nhóm cổ phiếu này không nằm trong những cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc chỉ số VN30, khẩu vị ưa thích của nhà đầu tư tổ chức và nước ngoài (VN30 cũng có mức tăng tương đương VN-Index).

Thực tế, các cổ phiếu tăng giá mạnh chủ yếu nhờ dòng tiền đầu cơ đến từ các nhà đầu tư cá nhân trong nước, vốn nhạy cảm với biến động mạnh của thị trường. Điều này đã xuất hiện nhiều lần trong quá khứ, có thể thấy rõ từ số liệu thống kê số lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân tỷ lệ thuận với “nhịp điệu” của thị trường chứng khoán.

Trong giai đoạn 2020 - 2021 và đầu năm 2022, khi VN-Index có một đợt tăng thần kỳ từ xấp xỉ 660 điểm lên tới trên 1.500 điểm, nhà đầu tư cá nhân trong nước liên tục lập kỷ lục về số lượng tài khoản mở mới. Ngược lại, khi thị trường giảm mạnh, số lượng tài khoản mở mới suy giảm rõ rệt.

Kênh chứng khoán vẫn sẽ hấp dẫn

Nhìn về tương lai gần của thị trường, biến động của VN-Index gần đây tiếp tục có biên độ hẹp, từ 990 - 1.140 điểm (khoảng 15%). Thị trường chỉ có thể biến động mạnh khi giai đoạn phân hoá kết thúc. Theo phân tích kỹ thuật, điều kiện kết thúc giai đoạn lình xình hiện nay là

VN-Index vượt qua 1.150 điểm. Khi xu hướng thị trường rõ ràng hơn, mức biến động sau đó sẽ được nới rộng và đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư cá nhân.

Ngoài yếu tố khẩu vị đầu tư rủi ro cao và lợi nhuận kỳ vọng cao, có 2 yếu tố khiến “sóng” tiếp theo (nếu có) sẽ rất hấp dẫn nhà đầu tư cá nhân: một là, số lượng nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường chứng khoán còn thấp so với dân số (xấp xỉ 7%); hai là, hoạt động đầu tư chứng khoán có lợi nhuận kỳ vọng hấp dẫn hơn so với các hoạt động kinh doanh khác trong giai đoạn hiện tại.

Số lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân tỷ lệ thuận với “nhịp điệu” của thị trường chứng khoán.

Dư địa tăng trưởng số lượng nhà đầu tư cá nhân còn rất lớn, so với các nền kinh tế có văn hoá tương tự Việt Nam như Đài Loan (có 15 triệu tài khoản chứng khoán, chiếm trên 60% dân số). Ngoài ra, lượng dân cư có năng lực tài chính và tri thức ngày càng nhiều. Đối với nhóm này, đầu tư tài chính trở thành hoạt động thiết yếu khi mức thu nhập từng bước vượt qua mức chi tiêu đơn thuần.

Khi hoạt động kinh doanh trực tiếp đang gặp nhiều khó khăn, kênh chứng khoán nổi lên là một kênh đầu tư hiệu quả và an toàn hơn trong lúc chờ đợi cơ hội. Dấu hiệu này tương đương giai đoạn dịch Covid-19, nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường chứng khoán gia tăng đột biến khi họ gặp khó khăn trong kinh doanh riêng. Trong khi đó, thị trường niêm yết thanh khoản cao giúp cho nhà đầu tư có thể tham gia và rút khỏi thị trường ngay khi họ thấy cơ hội kinh doanh trực tiếp của họ xuất hiện trở lại.

Hơn nữa, câu chuyện dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán hay không luôn gắn liền với diễn biến lãi suất. Lãi suất quyết định tiền có “rẻ” hay không trên thị trường. Lãi suất cần phải giảm, tín dụng phải bơm ra thị trường để cải thiện hoạt động sản xuất - kinh doanh. Thị trường hiện tại đã bớt áp lực trong ngắn hạn, nhưng câu chuyện triển vọng hồi phục bền vững sẽ phụ thuộc vào thông tin chính sách vĩ mô liên quan đến bài toán thanh khoản cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

Đối với những tài sản đầu tư như chứng khoán, diễn biến giá cả còn phụ thuộc lớn vào yếu tố lòng tin. Niềm tin và sự tự tin của nhiều nhà đầu tư giảm mạnh do phải trải qua giai đoạn suy giảm khốc liệt kéo dài từ đầu tháng 4/2022 đến giữa tháng 11/2022, VN-Index giảm khoảng 40% từ đỉnh. Không ít người bị kẹp hàng hoặc có trải nghiệm không tốt với thị trường, lướt sóng ngắn hạn thua lỗ nên có xu hướng rút tiền khỏi tài khoản.

Sau nhịp hồi phục trong nửa cuối tháng 11/2022, VN-Index cho đến nay dao động phổ biến quanh ngưỡng 1.050 điểm và thanh khoản ở mức thấp trong vòng 2 năm trở lại đây. Với trạng thái đi ngang cùng thanh khoản thấp, việc giao dịch ngắn hạn sẽ khá rủi ro.

Nhà đầu tư giao dịch ngắn hạn nên cân đối tỷ lệ cổ phiếu/tiền mặt ở mức hợp lý. Tâm lý thị trường hiện nay là thận trọng, nhiều tin tức tốt xấu đan xen dồn dập khiến các cổ phiếu tăng giảm bất thường. Đôi khi chỉ cần một giao dịch sai lầm có thể đánh bay thành quả giao dịch vài tháng.

Đối với nhà đầu tư dài hạn thì đây là lúc chú trọng tìm ra những doanh nghiệp vẫn có thể tăng trưởng, doanh nghiệp đang dần chiếm lĩnh thị phần với tham vọng trở thành số 1, doanh nghiệp được định giá thấp.

Mặc dù nhà đầu tư cá nhân có khẩu vị rủi ro cao và kỳ vọng lợi nhuận cao, nhưng việc theo bám thị trường tại những con sóng lớn luôn là mạo hiểm. Để hạn chế rủi ro, nhà đầu tư cần trang bị kiến thức để nhận diện đúng trạng thái thị trường và sử dụng công cụ tiếp cận phù hợp.

Việc lắng nghe quan điểm đa chiều là cần thiết, tuy nhiên, năng lực tài chính bản thân mỗi nhà đầu tư cần được nâng cao để chống chịu với những biến động vốn khó đoán định từ thị trường. Chính nhờ năng lực tài chính này, bạn mới từng bước tận hưởng cuộc sống mà ở đó tài chính chỉ là một phương tiện giúp bạn hạnh phúc hơn.

Nguyễn Tuấn Anh
Chủ tịch Finpeace

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục