Chờ đón lượng hàng lớn từ thoái vốn của PVN

(ĐTCK) Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã và đang trong tiến trình sắp xếp, đổi mới các đơn vị thành viên chuẩn bị cho các đợt thoái vốn theo chủ trương và lộ trình đề ra, qua đó góp thêm một lượng hàng hóa không nhỏ cho thị trường trong thời gian tới. 
Chờ đón lượng hàng lớn từ thoái vốn của PVN

Nhiều cái tên đã “điểm”

PVN hiện là tập đoàn duy nhất được quyền thăm dò khai thác dầu khí tại Việt Nam, một trong những trụ cột kinh tế của đất nước, đóng góp khoảng 13% GDP cả nước trong 6 tháng đầu năm 2018. Vì vậy chủ trương thoái vốn tại các đơn vị thành viên ở cả 3 phân khúc thượng nguồn, trung nguồn và hạ nguồn ngành dầu khí nhận được sự đón nhận tích cực từ giới đầu tư trong và ngoài nước.

Với vai trò là cầu nối, tăng cường mối quan hệ với nhà đầu tư trong và ngoài nước, hỗ trợ hoạt động thoái vốn của PVN trong thời gian sắp tới, Công ty cổ phần (CTCP) Chứng khoán (PSI) đã tổ chức chương trình thường niên “Hành trình năng lượng 2018” vào ngày 29/11/2018 tại TP.HCM.

Tham dự buổi tọa đàm có ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký chứng khoán, ông Nguyễn Xuân Hòa, Phó Tổng giám đốc PVN và ông Dương Nghĩa Dũng, Trưởng ban Kinh tế đầu tư và lãnh đạo nhiều doanh nghiệp thành viên hàng đầu của Tập đoàn: PVGas, PVPower, PVOil, DPM, DCM, PVI…

Đại diện lãnh đạo PVN, ông Nguyễn Xuân Hòa, Phó tổng giám đốc PVN cho hay, theo định hướng tái cơ cấu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, PVN tập trung hoạt động trong 5 ngành chính bao gồm: Tìm kiếm, khai thác và thăm dò dầu khí, công nghiệp khí, chế biến kinh doanh các sản phẩm dầu khí, công nghiệp điện và dịch vụ dầu khí chất lượng cao, trong đó tìm kiếm, thăm dò và khai thác là hoạt động cốt lõi. Với định hướng đó, trong thời gian qua, PVN đã thoái bớt các hoạt động ngoài lĩnh vực cốt lõi như bất động sản, ngân hàng...

 Trong giai đoạn 2018 - 2025, PVN dự kiến thực hiện giảm tỷ lệ sở hữu tại một số đơn vị

Theo đó, trong thời gian tới sẽ tiếp tục xã hội hóa lĩnh vực dịch vụ dầu khí và điện, mời gọi nhà đầu tư tham gia. Việc thực hiện sẽ tiến hành theo lộ trình cụ thể và sẽ căn cứ vào tình hình thực tế của từng doanh nghiệp

Trong giai đoạn 2018 - 2025, PVN dự kiến thực hiện giảm tỷ lệ sở hữu tại một số đơn vị như CTCP Vận tải Dầu khí (PVTrans), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil), Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PVPower), Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVTrans)… và thoái toàn bộ vốn tại CTCP PVI, CTCP Dầu khí Đầu tư khai thác Cảng Phước An, CTCP Phát triển Đông Dương Xanh, CTCP Bất động sản Dầu khí SSG, CTCP Đầu tư tài chính Công đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam và Tổng công ty Bảo dưỡng - Sửa chữa công trình dầu khí.

“Đối với các doanh nghiệp PVN giảm tỷ lệ sở hữu, hầu hết đã có phương án thoái vốn trình Tập đoàn và chờ xem xét của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước.

Còn với doanh nghiệp thoái vốn toàn bộ, PVN đang tích cực triển khai hoạt động bao gồm tìm kiếm tư vấn, giải quyết các tồn đọng, đàm phán phương án thoái vốn... nhằm đảm bảo hiệu quả thoái vốn. Với lượng hàng hóa này, rất cần sự quan tâm của nhà đầu tư trong thời gian tới”, ông Dương Nghĩa Dũng, Trưởng Ban Kinh tế đầu tư PVN nói.  

Trong khi đó, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK chia sẻ, ngoài cung cấp phương thức thoái vốn hiệu quả, quy định buộc doanh nghiệp sau khi kết thúc chào bán cổ phần lần đầu (IPO) phải gắn với niêm yết cổ phiếu giúp nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận, cũng như tăng thanh khoản sau các đợt bán vốn cho nhà đầu tư. Trước đây, nhiều nhà đầu tư không mua cổ phần của doanh nghiệp nhà nước IPO hầu hết bởi công ty không có lộ trình niêm yết cụ thể.

Hiện tại, 90% doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán báo lãi trong quý III/2018, mặt bằng định giá thị trường đang ở mức cạnh tranh so với khu vực (P/E khoảng 16 lần), dòng vốn ngoại dự báo tiếp tục tích cực. Đây là thời điểm thuận lợi trong việc thúc đẩy hoạt động thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn tới. 

Gỡ khó cho thoái vốn

Theo chia sẻ của các lãnh đạo doanh nghiệp như ông Nguyễn Duy Giang, Phó tổng giám đốc PVPower và ông Cao Hoài Dương, Tổng giám đốc PVOil, PVPower và PVOil đều có rất nhiều nhà đầu tư muốn trở thành cổ đông chiến lược, tuy nhiên do một số bất cập trong chính sách khiến việc bán vốn cho cổ đông chiến lược chưa thể thực hiện, trong đó yếu tố đầu tiên là thời gian.

Ông Cao Hoài Dương cho biết, theo phương án cổ phần hóa Tổng công ty đã phê duyệt cuối năm 2017 giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước còn 35%, OIL đã hoàn thành chào bán 20% vốn ra công chúng. Tuy nhiên, việc chưa làm được là thoái 45% vốn cho cổ đông chiến lược trong thời hạn quy định. Trong quá trình tìm kiếm và thương thảo, OIL nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước như Vietjet, HD Bank, Tập đoàn SK (Hàn Quốc) và Idemitsu (Nhật Bản).

“Sau quá trình tìm hiểu, họ tiến đến vòng thẩm định đầu tư, sẵn sàng nộp tiền đặt cọc, Chính phủ cho 4 tháng để hoàn thành, nhưng thực tế cần 7 tháng. OIL cũng đã báo cáo Chính phủ gia hạn thời gian nhưng không được đồng thuận.

Chúng tôi cho rằng, OIL chỉ phát triển được nếu thoái vốn một cách sâu sắc, do đó Công ty vẫn kiên định báo cáo Tập đoàn PVN để cho phép tiếp tục thoái như lộ trình mà Thủ tương phê duyệt. Theo đó, OIL đã có xây dựng đề án theo hướng thoái vốn theo lô lớn chứ không lẻ tẻ”, ông Dương nói và kỳ vọng, trong thời gian tới, khi OIL hoàn tất việc thoái vốn, Công ty có thêm cổ đông lớn chiến lược sẽ đóng góp thiết thực vào hoạt động kinh doanh của công ty.

Cần nói thêm, sau khi “lỡ duyên” với OIL trong đợt chào bán cổ phần cho cổ đông chiến lược, mới đây, Tập đoàn SK cũng đã chính thức trở thành cổ đông lớn OIL với tỷ lệ 5,3% vốn điều lệ thông qua việc mua cổ phiếu OIL trên sàn.

Từ phía cơ quan nhà nước, theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp , từ năm 2017, Chính phủ đã thực hiện công khai danh mục các doanh nghiệp nằm trong việc cổ phần hóa và Nhà nước thoái vốn. Tuy nhiên danh sách này dựa trên tất cả danh mục do doanh nghiệp và bộ ngành đăng ký để công bố công khai.

“Đã đăng ký là chắc chắn sẽ thực hiện, nhưng quá trình diễn ra như thế nào do doanh nghiệp tùy vào tình hình triển khai. Nếu công bố rồi mà không thực hiện hoặc thực hiện chậm, doanh nghiệp và những người đứng đầu phải có trách nhiệm giải trình, kiểm điểm”, ông Tiến nói và cho biết thêm, năm 2019, với tinh thần “trách nhiệm làm đầu”, Chính phủ sẽ tăng cường các kỷ luật kỷ cương hành chính. Bên cạnh đó, phải xác định phương án thoái vốn dù khó khăn.

“Đơn cử trường hợp của Vinaconex, thoái vốn lần đầu không thành công, sau đó Bộ đã tổ chức lấy ý kiến SCIC về những vướng mắc và tìm phương án giải quyết. Trách nhiệm của Bộ là đảm bảo khuôn khổ pháp lý, thực hiện công khai minh bạch. Thực tế chứng minh, thành công sẽ đến nếu trân trọng nhà đầu tư, trên nguyên tắc công khai, minh bạch. Hiện tại, Bộ đang xem xét để lập danh sách các doanh nghiệp sẽ thoái vốn theo phương pháp dựng sổ và trình Thủ tướng xem xét”, ông Tiến nói. 

Duy trì đà phát triển bền vững

Một trong những mối quan tâm của nhà đầu tư liên quan đến kế hoạch thoái vốn của PVN tại các đơn vị thành viên là liệu rằng sau khi thoái vốn hoạt động doanh nghiệp có bị tác động và sự “hậu thuẫn” trước đó có được duy trì tại doanh nghiệp. Hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm trong ngành dầu khí, PVI là đơn vị mà PVN sẽ thực hiện thoái toàn bộ vốn.

Ông Tôn Thiện Việt, Phó Chủ tịch HĐQT CTCP PVI (PVI) cho hay, việc PVN thoái vốn toàn bộ tại PVI sẽ ảnh hưởng nhất định đến hoạt động Công ty về mặt gắn kết, sự lãnh đạo giữa PVN tại PVI sẽ không còn như trước.

“Tuy nhiên, chúng tôi đã tính đến tình huống đó và hoàn toàn có khả năng đảm bảo sự phát triển bền vững cho Công ty. Hiện PVI đã và đang mở rộng phạm vi hoạt động ngoài lĩnh vực dầu khí, đồng thời giảm dần tỷ trọng các hoạt động liên quan dầu khí.

Cho đến nay, tỷ trọng đóng góp của hoạt động liên quan dầu khí còn khoảng 40%, giảm khoảng 5% so với giai đoạn trước, còn lại 60% đến từ các hoạt động bên ngoài. Điều này đã phần nào thể hiện định hướng phát triển của PVI và khi PVN thoái hết vốn, PVI vẫn tiếp tục phát triển tốt”, ông Việt nói và cho biết thêm, ước tính cả năm 2018, tổng doanh thu PVI dự kiến đạt 122% kế hoạch, lợi nhuận đạt ít nhất 136% so với kế hoạch được giao.

Năm 2018 cũng là năm doanh thu PVI vượt doanh thu 11.000 tỷ đồng trong lịch sử 20 năm phát triển. Với tình hình kinh doanh như vậy, kỳ vọng năm 2018, PVI có thể chia cổ tức cho cổ đông 15% so với kế hoạch là 12%. 

Trong khi đó, đại diện PVN, ông Dũng cho rằng, bản thân các đơn vị thành viên đều bày tỏ sự tự tin vào hoạt động sản xuất – kinh doanh sẽ tiếp tục phát triển hậu thoái vốn, không riêng PVI.

“Từ trước tới nay, PVN và các đơn vị thành viên vẫn hoạt động độc lập, rõ ràng và thực hiện các dự án thông qua hình thức đấu giá, đầu thầu. Do đó, sau này khi thuần túy là đối tác của nhau cũng sẽ không phát sinh vấn đề gì”, ông Dũng nói.

Với sự tham gia của hơn 100 nhà đầu tư từ các tổ chức tài chính trong và ngoài nước, cùng những chia sẻ thẳng thắn của lãnh đạo PVN cũng như các đơn vị thành viên, Hành trình năng lượng 2018 đã thành công trong việc quảng bá hình ảnh, tăng cường kết nối của Tập đoàn, đơn vị với nhà đầu tư.

Với tư cách là đơn vị quản lý vận hành bộ chỉ số PVN-Index, bộ chỉ số ngành dầu khí của PVN và công ty chứng khoán duy nhất thuộc ngành dầu khí, PSI luôn đồng hành cùng PVN và các đơn vị thành viên trong công tác thoái vốn, tái cấu trúc, tăng cường quan hệ với nhà đầu tư.

Đối với các doanh nghiệp PVN giảm tỷ lệ sở hữu, hầu hết  đã có phương án thoái vốn trình Tập đoàn và chờ xem xét của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước. Còn với doanh nghiệp thoái vốn toàn bộ, PVN đang tích cực triển khai hoạt động bao gồm tìm kiếm tư vấn, giải quyết các tồn đọng, đàm phán phương án thoái vốn...

Ngọc Nhi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục