Chờ đợi!

(ĐTCK) Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 vừa được ban hành có lẽ là nghị quyết đầu tiên nhắc đến việc phát triển TTCK trong tổng thể các giải pháp nhằm hỗ trợ sự phát triển của các DN. 
Chờ đợi!

Nghị quyết nêu rõ, cần thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp tái cấu trúc TTCK, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm chứng khoán; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cơ chế đẩy mạnh thu hút đầu tư, quỹ hưu trí..., triển khai TTCK phái sinh từ năm 2017; hợp nhất hai Sở GDCK; phát triển thị trường trái phiếu DN, hoàn thiện và mở rộng thị trường trái phiếu chính phủ, thúc đẩy cổ phần hóa, gắn với việc niêm yết, giao dịch trên TTCK; đẩy mạnh triển khai các mô hình quỹ tương hỗ, trình Chính phủ trong quý III/2016.

Từ điểm “đầu tiên” này có thể đặt ra những kỳ vọng về một thị trường mà mức vốn hóa đến 2020 đạt 70% GDP, trong khi hiện tại mới đạt con số 35% GDP.

Trên thực tế, trước đây, TTCK thường được nhắc đến một cách độc lập như thể đó là thị trường dành cho một bộ phận nhà đầu tư, đầu cơ hay DN. Còn giờ đây, TTCK được nhìn nhận trong mối quan hệ cộng sinh với sự phát triển của cộng đồng DN.

Tuy nhiên, kỳ vọng là một chuyện, giải pháp thực hiện kỳ vọng đó ra sao mới là điều quan trọng.

Nói về các giải pháp và mục tiêu phát triển TTCK như trong Nghị quyết thì ngắn gọn, nhưng để triển khai thì cần nhiều nỗ lực cụ thể của các cơ quan quản lý, thậm chí cần một cơ chế hoàn toàn mới để thúc đẩy thực hiện các giải pháp. Nhiều giải pháp phát triển TTCK đang tắc vì vướng cơ chế. Chẳng hạn như vấn đề nới room cho khối ngoại vướng quy định của Luật Đầu tư.

Trao đổi với ĐTCK mới đây về việc nới room cho cổ phiếu PAN của CTCP Tập đoàn PAN, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch PAN dự đoán, với việc sở hữu công ty về giống cây trồng, nhiều khả năng PAN khó được nới room. “Nhưng khi gia nhập TPP sau 2 năm nữa thì sẽ không còn hạn chế nào cả, nên nới room sớm sẽ có lợi cho DN”, ông Hưng chia sẻ.

Trong mọi mặt hoạt động của DN, và không ít trong số đó trên lĩnh vực chứng khoán, đang có những ách tắc bởi các quy định pháp luật. Điều đó phổ biến đến mức nhiều DN có ý kiến cho rằng, cần có một ủy ban của Quốc hội để giải quyết ngay những vướng mắc về luật, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển cấp thiết của DN, thay vì chờ đợi đến các kỳ họp và việc sửa luật phải xếp hàng theo thứ tự. Chẳng hạn như, với một lỗi ngôn ngữ của luật thuế như áp dụng thuế VAT 0% hay miễn thuế cho mặt hàng phân bón mà các DN phân bón không được khấu trừ thuế đầu vào, tăng chi phí hàng trăm tỷ đồng mỗi năm…

Tuy nhiên, mong muốn này vẫn chỉ là mong muốn, khi cơ chế sửa đổi, cải cách luật vẫn chưa thay đổi để đáp ứng nhu cầu thực tế của môi trường kinh doanh biến động từng ngày.

Câu hỏi đặt ra là, Nghị quyết hỗ trợ của DN của Chính phủ đã có và đã nêu trúng vấn đề nhưng điều quan trọng là làm thế nào để các nội dung của Nghị quyết đi vào đời sống?

Giới phân tích đã chỉ ra rằng, một vài nghị quyết về phát triển kinh tế quan trọng mà Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các năm trước đã không được triển khai vào cuộc sống một cách đầy đủ, nên đã không có tác dụng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế như kỳ vọng. Một lần nữa, cộng đồng DN nói chung cũng như các thành viên TTCK nói riêng lại nhìn vào hành động của các bộ, ngành, địa phương sau khi Nghị quyết 35 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành.

Họ chờ đợi những giải pháp mạnh được triển khai trên thực tế!

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục