Bộ ba chỉ số chính đã trải qua phần lớn thời gian trong phiên trong vùng tiêu cực khi lợi suất trái phiếu Mỹ tăng gây áp lực lên các cổ phiếu công nghệ hàng đầu dẫn vốn dắt thị trường và đồng USD tăng giá đè nặng lên các cổ phiếu liên quan đến xuất khẩu. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm chuẩn bật tăng trở lại lên 1,307%.
Thị trường phục hồi đôi chút vào cuối phiên khi dữ liệu bán lẻ tăng mạnh bất ngờ cho thấy sức mạnh của hồi phục của nền kinh tế Mỹ. Theo Bộ Thương mại Mỹ, doanh số bán lẻ tháng 8 của nước này tăng 0,7%, đảo ngược dự báo giảm 0,8%. So với một năm trước, doanh số bán lẻ đã tăng 15,1% và cao hơn 17,7% so với mức trước đại dịch.
Tiêu điểm tuần tới là cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ kéo dài hai ngày của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) sẽ được phân tích chặt chẽ để tìm ra các tín hiệu về thời điểm Fed bắt đầu giảm bớt chương trình mua trái phiếu.
Kết thúc phiên, trong khi Dow Jones và S&P 500 mất điểm thì Nasdaq Composite ngược chiều tăng nhẹ. Trong phiên giao dịch ngoài giờ, xu hướng tương tự cũng được nhìn thấy ở diễn biến các chỉ số Dow Futures, S&P Futures và Nasdaq Futures.
Kết thúc phiên 16/9, chỉ số Dow Jones giảm 63,07 điểm (-0,18%), xuống 34.751,32 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 6,95 điểm (-0,16%), xuống 4.473,75 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 20,48 điểm (+0,13%), lên 15.181,92 điểm.
Chứng khoán châu Âu khởi sắc trở lại trong phiên ngày thứ Năm dẫn đầu đà tăng là cổ phiếu du lịch và hàng không trước triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu ngày càng rõ nét.
Kết thúc phiên 16/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 10,99 điểm (+0,16%), lên 7.027,48 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 35,75 điểm (+0,23%), lên 15.651,75 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 38,97 điểm (+0,59%), lên 6.622,69 điểm.
Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm phiên thứ hai liên tiếp khi các nhà đầu tư tiếp tục chốt lời sau đợt tăng mạnh gần đây đưa chỉ số vọt lên mức cao nhất trong hơn 30 năm qua.
Chứng khoán Trung Quốc giảm với các cổ phiếu bất động sản và ngân hàng lao dốc mạnh nhất do lo ngại về các rắc rối tài chính của Tập đoàn China Evergrande Group.
Chứng khoán Hồng Kông giảm ngày thứ tư liên tiếp xuống mức thấp nhất trong 10 tháng khi cổ phiếu của China Evergrande Group giảm xuống mức đáy trong một thập kỷ, làm dấy lên lo ngại lây nhiễm sang các nhóm ngành khác.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm, kết thúc chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp do ảnh hưởng bởi đà sụt giảm ở nhóm cổ phiếu lớn.
Kết thúc phiên 16/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 188,37 điểm (-0,62%), xuống 30.323,34 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 49,13 điểm (-1,34%), xuống 3.607,09 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 365,36 điểm (-1,46%), xuống 24.667,85 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 23,31 điểm (-0,74%), xuống 3.130,09 điểm.
Giá vàng lao dốc không phanh trong phiên đêm qua, chạm mức thấp nhất trong 4 tuần, chịu áp lực bởi đồng USD mạnh lên và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm chuẩn bật tăng trở lại lên 1,307%. Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) sẽ họp vào ngày 21 - 22/9 trong bối cảnh ngày càng có nhiều nhà hoạch định chính sách ủng hộ việc rút ngắn chương trình mua trái phiếu của ngân hàng trung ương từ năm nay.
Kết thúc phiên 16/9, giá vàng giao ngay giảm 40,40 USD (-2,25%), xuống 1.753,70 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 10 giảm 38,00 USD (-2,12%), xuống 1.754,60 USD/ounce.
Giá dầu ổn định trong phiên ngày thứ Năm sau khi chạm mức cao nhất trong nhiều tuần một ngày trước đó khi mối đe dọa đối với sản lượng dầu thô vùng Vịnh của Mỹ từ cơn bão Nicholas đã suy giảm.
Kết thúc phiên 16/9, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI đi ngang ở mức giá 72,61 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,21 USD (+0,3%), lên 75,67 USD/thùng.