Chiquita sẽ lũng đoạn thị trường chuối thế giới?

(ĐTCK) Chuối là loại hoa quả rất đỗi bình thường ở Việt Nam và có giá rất rẻ. Trái ngược với Việt Nam, chuối lại là của hiếm, đắt tiền, rất được ưa chuộng ở châu Âu, châu Mỹ, nhất là châu Âu, do thời tiết lạnh ở đây không thể trồng được chuối. Chính vì thế, mà thoả thuận về vụ mua bán và sáp nhập (M&A) khá lớn trong lĩnh vực kinh doanh, phân phối chuối đạt được giữa Chiquita (Mỹ) và Fyffes (Ireland) hôm 10/3 đã thu hút sự quan tâm của báo chí phương Tây, các nhà đầu tư và cả đông đảo người tiêu dùng ở châu Âu, châu Mỹ.
Chiquita sẽ lũng đoạn thị trường chuối thế giới?

Theo thoả thuận, Chiquita sẽ mua lại toàn bộ cổ phiếu của Fyffes, với trị giá 526 triệu USD và hình thành ra công ty mới có tên là ChiquitaFyffes, có trụ sở chính ở Dublin (Ireland) và cổ phiếu niêm yết ở Sở GDCK New York (Mỹ).

Các cổ đông của Chiquita sẽ sở hữu 50,7% cổ phần của ChiquitaFyffes, trong khi 49,3% cổ phần còn lại thuộc về cổ đông của Fyffes. Vụ M&A được coi là khá thân thiện và cân bằng. Điều này còn được thể hiện qua việc chia ghế lãnh đạo của công ty mới. Theo đó, ông Edward Lonergan, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) Chiquita sẽ là Chủ tịch ChiquitaFyffes, còn ông David V. McCann, Chủ tịch, kiêm CEO Fyffes sẽ đảm nhiệm chức CEO ChiquitaFyffes.

“Đây là thương vụ mang tính lịch sử với cả Chiquita lẫn Fyffes, khi chỉ đem lại mọi điều tốt nhất cho cả hai”, ông Edward Lonergan phát biểu. 

Tuy nhiên, các đối thủ tỏ ra khá dè dặt với thương vụ M&A này, bởi sau khi sáp nhập, ChiquitaFyffes sẽ là công ty kinh doanh chuối lớn nhất thế giới, có doanh thu đạt 4,6 tỷ USD (số liệu năm 2013) và giá trị vốn hoá thị trường đạt 1,1 tỷ USD. Hơn nữa, với khoảng 32.000 lao động, ChiquitaFyffes có hoạt động tại hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Theo Tổ chức Nông - Lương Liên hợp quốc (FAO) và website Banana Link, ChiquitaFyffes sẽ nắm 29% thị phần chuối toàn cầu; tiếp đến là Dole Food Company (với 26%), Fresh Del Monte (với 15%), Noboa (5%) và các công ty khác.

Có ý kiến cho rằng, trở thành số 1 thế giới, ChiquitaFyffes có thể sẽ có động thái “làm giá” chuối gây bất lợi cho người tiêu dùng và nhà sản xuất. 

Còn nhớ, vào những năm 50 và 60 của thế kỷ XX, Chiquita (khi đó có cái tên là United Fruit) đã đi rất xa ngoài lĩnh vực kinh doanh chuối, khi thao túng cả chính trị ở nhiều nước Trung Mỹ và vùng Caribe (có nguồn thu nhập chính từ chuối). Bằng chứng là, năm 1954, United Fruit đã bỏ tiền ra để thuê cả lực lượng làm cuộc đảo chính lật đổ chính phủ hợp pháp ở Guatemala. Song giờ đây, tình hình ở khu vực này đã khác xa so với trước.

Ông Mark Moberg, Giáo sư của Đại học Nam Alabama nhận xét, ở châu Mỹ La-tinh, kể cả vùng Carribe, cái tên United Fruit hay Chiquita vẫn gợi lại cho người dân nơi đây ấn tượng không mấy tốt đẹp. Nhiều người từng gọi công ty này là “el pulpo” (tiếng Tây Ban Nha, có nghĩa là con bạch tuộc), đồng nghĩa với việc United Fruit đã từng không chỉ thuần tuý kinh doanh chuối, mà còn nhúng tay can thiệp vào nhiều lĩnh vực khác, kể cả chính trị, gây bất ổn tình hình. 

“Song nay tình hình đã khác xa so với vài chục năm trước. Cái tên Chiquita hay sắp tới ChiquitaFyffes không có gì là đáng sợ cả”, ông Mark Moberg nói.

Do thị phần chuối toàn cầu của ChiquitaFyffes chỉ cao hơn đối thủ chính là Dole Food Company có 3%, tức là khá nhỏ, nên công ty mới cũng khó có thể thao túng được giá cả lẫn nguồn hàng. Hơn nữa, do Chiquita  hoạt động chính  ở Bắc Mỹ, còn Fyffes chỉ “chinh chiến” ở châu Âu, nên nay chỉ là việc gộp vào với nhau cho hợp lý và tiết kiệm chi phí, chứ không gây phương hại cho cả ai cả.  

Theo nhiều nhà phân tích, việc Chiquita (Mỹ) sáp nhập với Fyffes chủ yếu nhằm tìm cửa lách khoản thuế thu nhập doanh nghiệp. Cụ thể, Ireland chỉ áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp là 12%, trong khi mức thuế suất này ở Mỹ là 35%. Mức chênh lệch là rất đáng kể, nên ChiquitaFyffes sẽ chuyển trụ ở chính về Dublin (Ireland) để lách thuế một cách hoàn toàn hợp pháp. Trước đó, một số công ty Mỹ cũng đã “lách” thuế kiểu này. 

Năm ngoái, Công ty Dược phẩm Mỹ đã mua lại Elan Corp. (Ireland) và chuyển trụ sở chính sang Dublin. Tương tự, năm 2012, Công ty Eaton Corp. cũng thâu tóm Cooper Industries Plc (Ireland) và chọn Dublin là đại bản doanh. Không nói đâu xa, Apple cũng duy trì mạng lưới các công ty con của mình ở Ireland, nhờ đó mỗi năm “tiết kiệm” cỡ hàng tỷ USD tiền thuế. Cơ quan thuế Mỹ cũng biết được điều này, song chỉ tìm cách hạn chế chứ khó bề ngăn cản triệt để. Do vậy, cốt lõi của vụ M&A này là nằm ở đây.

Chiquita được thành lập năm 1870, còn Fyffes ra đời vào năm 1888. Tuy sinh sau đẻ muộn, song Fyffes lại có thương hiệu chuối đầu tiên trên thế giới, có tên là “Fyffes Blue Label” và có tem dán lên từng quả chuối từ năm 1929.        

Trung Hiếu(Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục