Chính sách tiền tệ theo mục tiêu lạm phát: Chưa thích hợp

(ĐTCK) "Chính sách tiền tệ theo mục tiêu lạm phát là một mô hình tốt có thể ứng dựng được, tuy nhiên, môi trường tài chính hiện nay của Việt Nam không thích hợp cho chính sách này". Đó là quan điểm của TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế.
TS. Nguyễn Trí Hiếu TS. Nguyễn Trí Hiếu

Theo ông, nên hiểu thế nào là chính sách tiền tệ theo mục tiêu lạm phát?

Chính sách tiền tệ theo mục tiêu lạm phát (inflation targeting monetary policy) về bản chất phải dựa vào một số tiền đề và quan trọng nhất là NHNN phải đưa ra một tỷ lệ lạm phát cụ thể nào đó. Ví dụ ở Mỹ, NHTW (Fed) đưa ra tỷ lệ lạm phát mục tiêu 2%, nghĩa là cơ quan này sẽ điều chỉnh lãi suất và các công cụ chính sách tiền tệ khác để làm sao lạm phát xoay quanh mức 2% đó. Nếu giá cả tăng cao hơn mục tiêu lạm phát thì Fed sẽ tăng lãi suất để giảm cho vay và do đó giảm lượng tiền đi vào lưu thông, đồng thời giảm tỷ lệ lạm phát thực tế, còn ngược lại, nếu tỷ lệ lạm phát thực tế thấp hơn lạm phát mục tiêu thì Fed sẽ giảm lãi suất xuống để cho vay nhiều hơn, đẩy lượng tiền vào lưu thông và do đó tăng lạm phát thực tế.

Điều này cũng giúp cho DN khi thấy được tỷ lệ lạm phát thực tế không khớp với mục tiêu lạm phát sẽ dự đoán được NHTW sẽ làm gì. Bên cạnh đó, cần có những tiền đề là hệ thống ngân hàng minh bạch thông suốt, lãi suất vận hành tự do, cạnh tranh lành mạnh.

 

Mô hình chính sách này có lợi và bất lợi gì?

Điểm lợi là lạm phát sẽ được kiểm soát chặt chẽ vì lãi suất và chính sách tiền tệ chủ yếu xoay quanh việc kiểm soát lạm phát. Điểm bất lợi là có thể sẽ làm cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế trở thành thứ yếu vì tất cả mục tiêu ưu tiên là kiểm soát lạm phát và ổn định đồng nội tệ. Trong khi ở Việt Nam , bên cạnh yêu cầu kiểm soát lạm phát thì tăng trưởng cũng là mục tiêu rất quan trọng. Trong một nền kinh tế non trẻ, tăng trưởng thấp sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề về kinh tế, dân sinh và xã hội. Vì thế, không thể để kinh tế tăng trưởng dưới mức 5%. Tuy nhiên, khi có điều kiện để thực hiện chính sách tiền tệ theo mục tiêu lạm phát thì nên thi hành để giữ bình ổn giá trị đồng Việt Nam , đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong ổn định.

 

Việt Nam có hội đủ điều kiện để theo đuổi chính sách này hay không, theo ông?

Từ trước đến giờ, Việt Nam chưa bao giờ đưa ra mục tiêu cụ thể theo đuổi chính sách này vì hình như chưa hội đủ điều kiện để thực hiện. NHTW chưa bao giờ đưa ra một mục tiêu lạm phát mà chỉ có Quốc hội làm việc này, nhưng ngay cả khi Quốc hội đề ra một mục tiêu lạm phát thì NHTW cũng chưa bao giờ tuyên bố đó là mục tiêu theo đuổi của chính sách tiền tệ.

Hiện tại, lạm phát và lãi suất ở Việt Nam hầu như không có mối liên kết chặt chẽ. Trong khi lãi suất đã được điều chỉnh rất sâu nhưng các doanh nghiệp không có khả năng vay và do đó hệ thống ngân hàng không đẩy được một lượng tiền lớn vào lưu thông qua tín dụng. Vậy là lãi suất đã không ảnh hưởng nhiều đến lạm phát. Nói cách khác, công cụ lãi suất đã bị vô hiệu hóa bởi hoạt động sản xuất kinh doanh suy giảm tới mức nhiều doanh nghiệp không muốn vay hay không còn khả năng vay vốn từ các ngân hàng.

Trong thời gian qua, lãi suất và lạm phát cùng giảm rất sâu. Đây là một điều rất tốt mà NHNN đã thực hiện được. Tuy nhiên, hình như lãi suất đi sau lạm phát chứ không phải đi trước lạm phát. Nghĩa là lạm phát bị đẩy xuống không phải do lãi suất giảm mà do sức cầu rất yếu của nền kinh tế. Sau đó, trên cơ sở lạm phát giảm, lãi suất đã được kéo xuống. Đây là một nghịch lý.

Từ thực tế trên, có thể nói, môi trường tài chính hiện nay của Việt Nam không thích hợp cho một chính sách tiền tệ theo mục tiêu lạm phát.

 

Bao giờ thì Việt Nam có thể sử dụng chính sách này?

Việt Nam nên theo đuổi chính sách tiền tệ theo mục tiêu lạm phát tại một thời điểm thích hợp khi mà các điều kiện kinh tế vĩ mô thuận lợi hơn, cùng với hệ thống ngân hàng và tài chính phải được tái cơ cấu để trở nên thông suốt, minh bạch, và những yếu tố làm méo mó thị trường như các biện pháp hành chính, các kiểu cạnh tranh không lành mạnh, đến việc vi phạm các quy định của pháp luật và của NHTW phải được giảm thiểu tối đa. Tại thời điểm này, không những chúng ta quan tâm đến kiềm chế lạm phát mà còn phải nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nếu chúng ta quan tâm quá nhiều đến lạm phát mà kinh tế càng ngày càng đi vào khủng hoảng thì có khác nào một tình cảnh mà người Mỹ hay ví von: “chúc mừng anh, cuộc giải phẫu thành công tốt đẹp nhưng bệnh nhân đã chết”.

Tái cơ cấu cả nền kinh tế, trong đó có hệ thống ngân hàng khỏe mạnh để cả nền kinh tế được vận hành một cách quy củ, từ đó, lãi suất mới trở thành một công cụ hiệu lực của chính sách tiền tệ thì lúc đó mới có thể thực hiện “chính sách tiền tệ theo mục tiêu lạm phát”.

Hồng Dung thực hiện
Hồng Dung thực hiện

Tin cùng chuyên mục