Chính sách tiền tệ: Một năm chưa có tiền lệ

(ĐTCK) Năm 2008, số lượng quyết định liên quan tới điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) đạt mức kỷ lục. Một năm mà diễn biến kinh tế hàm chứa cả hai thái cực nóng và lạnh, sự chuyển đổi giữa hai thái cực này cũng diễn ra hết sức nhanh chóng. Trong điều kiện đó, việc điều hành CSTT đã trở thành tâm điểm chú ý của công luận, và trong bối cảnh đó cũng chứng minh một điều rằng, khi nền kinh tế biến động thì những quyết định trong điều kiện bình thường được coi là "hành chính" đã trở thành biện pháp "can thiệp" cần thiết. Vấn đề là nó được sử dụng trong hoàn cảnh nào, thời điểm nào và liều lượng ra sao?

1 Trong 6 tháng đầu năm, áp lực lạm phát gia tăng mang tính toàn cầu, CPI của Việt Nam trong 6 tháng tăng bình quân là 15,03%, mức thâm hụt cán cân thương mại ở mức kỷ lục (hơn 14% GDP). Trước tình hình đó, trong tháng 2 và tháng 3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc và mở rộng diện tiền gửi phải dự trữ bắt buộc ở tất cả các kỳ hạn (trước đây chỉ có tiền gửi dưới 24 tháng phải dự trữ bắt buộc), phát hành tín phiếu bắt buộc 20.300 tỷ đồng cho các NHTM.

Tuy nhiên, một tình huống khó lường là các NHTM đã không phản ứng kịp thời trước việc thắt chặt CSTT nên vẫn tiếp tục đẩy mạnh tín dụng (xem bảng), cùng với việc quản lý thanh khoản của các NHTM còn bất cập đã gây nên tình trạng thiếu khả năng thanh khoản tại nhiều NH. Để bù đắp thiếu hụt thanh khoản, các NHTM đã đua nhau tăng lãi suất huy động vốn trên thị trường, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng trong thời gian này có thời điểm lên đến 35%/năm, nếu tình trạng này cứ tiếp tục kéo dài, khả năng đổ vỡ hệ thống NH có thể xảy ra.

2 Trước diễn biến thị trường như vậy, NHNN đã kịp thời tăng tính thanh khoản cho thị trường bằng cách bơm mạnh tiền qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO), chuyển từ đấu thầu lãi suất sang đầu thầu khối lượng, tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động tín dụng của các NHTM, thắt chặt điều kiện mở chi nhánh...

3 Tuy nhiên, các biện pháp chính sách trên chưa ngăn chặn được đà tăng lãi suất huy động và mở rộng tín dụng của các NHTM, do vậy buộc NHNN phải quy định trần lãi suất huy động tiền gửi của các NHTM không được vượt quá 12%. Giải pháp trên đã có tác động nhanh chóng, tích cực  “giảm đà tăng lãi suất huy động của các NHTM” chỉ trong vài ngày.

Diễn biến tín dụng - M2(1/2007 - 1/2008)

Bước tiếp theo để tiếp tục tạo sự bình ổn thị trường bền vững qua cú “sốc” tháng 3, tháng 5, NHNN thực hiện cơ chế điều hành lãi suất mới, theo đó quy định các NHTM cho vay nền kinh tế không vượt quá 150% lãi suất cơ bản và mức lãi suất cơ bản được điều chỉnh từ mức 12%/năm lên 14%/năm. Quy định này phù hợp với Bộ luật Dân sự hiện nay, đó như là một liệu pháp mạnh mang tính tình thế đã có tác động ổn định lãi suất và tăng trưởng tín dụng đã chậm lại từ tháng 5 cho đến hết năm.

4 Một diễn biến bất lợi khác trên thị trường ngoại hối trong tháng 5/2008 là với mức thâm hụt thương mại lớn, lạm phát tăng cao, cộng với những thông tin thất thiệt đánh giá về khả năng thanh toán ngoại tệ quốc gia đã làm thay đổi hành vi của của các nhà đầu tư trên thị trường làm cho tỷ giá đảo chiều. Vào thời điểm cuối tháng 5 và những ngày đầu tháng 6, trên thị trường ngoại hối tỷ giá tăng hàng ngày, có những ngày tỷ giá VND/USD lên mức 19.400 đồng /USD. 

Để bình ổn thị trường ngoại hối, NHNN đã thực hiện hàng loạt biện pháp, như nới rộng biên độ tỷ giá từ ±1% lên mức ±2% tạo sự linh hoạt tỷ giá sát với cung - cầu thị trường; thực hiện mở rộng đối tượng bán ngoại tệ cho các NHTM, việc can thiệp dựa vào trạng thái ngoại tệ của các NHTM trong ngày, thực hiện minh bạch các thông tin về dự trữ ngoại hối. Các biện pháp này đã  đáp ứng được các kỳ vọng của thị trường, trên cơ sở đó tạo dựng lòng tin của thị trường với NHNN.

Bên cạnh đó, NHNN thực hiện giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh ngoại tệ, cấm các tổ chức tín dụng (TCTD) không được mua - bán USD thông qua ngoại tệ khác, phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra và xử lý các hoạt động đầu cơ, kinh doanh ngoại tệ trái pháp luật trên thị trường và thiết lập đường dây nóng. Hành động này đã có tác động nâng cao kỷ luật thị trường, góp phần  tích cực tạo bình ổn thị trường.

Nhận định của một số quỹ đầu tư nước ngoại tại Việt Nam cho rằng, nhờ đường dây nóng mà các NHTM đã không ép được các doanh nghiệp mua ngoại tệ với tỷ giá cao hơn biên độ. Việc thực hiện kịp thời, đồng bộ các giải pháp bình ổn thị trường ngoại hối đã nhanh chóng tạo được sự bình ổn.

5 Bước sang tháng 7, tình hình kinh tế thế giới diễn ra theo chiều hướng bất ổn rõ nét: Từ khủng hoảng thị trường nhà đất của Mỹ chuyển sang khủng hoảng tài chính mang tính toàn cầu, suy thoái kinh tế đã xảy ra ở hầu hết  nền kinh tế chủ chốt, như Nhật, Mỹ, Anh và nhiều nước thuộc khu vực  Euro Zone...; giá dầu và giá lương thực giảm mạnh kéo theo giá các mặt hàng tiêu dùng khác giảm theo... Kinh tế thế giới đang từ xu hướng suy thoái kinh tế gắn lạm phát sang suy thoái kinh tế gắn với giảm phát đang là nỗi lo của các quốc gia hiện nay. Để cứu nguy cho tình hình này, hầu hết các nền kinh tế chủ chốt đã thực hiện CSTT và chính sách tài khóa nới lỏng nhằm tăng tính thanh khoản cho thị trường, khuyến khích các NHTM mở rộng cho vay, kích thích đầu tư...

Trong tình hình kinh tế thế giới như vậy, mặc dù những tháng cuối năm 2008 mức độ ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đến nền kinh tế Việt Nam, nhất là thị trường tài chính Việt Nam còn nhỏ, song để ngăn chặn ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu và giảm áp lực lạm phát vẫn diễn ra ở Việt Nam đến tận tháng 9, NHNN đã phải tiếp tục áp dụng một số biện pháp hỗ trợ thị trường như nâng lãi suất tín phiếu bắt buộc, trả lãi cho tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND…

Để kích thích kinh tế chống lại nguy cơ giảm phát, bắt đầu từ tháng 10, các loại lãi suất chỉ đạo đã liên tục được hạ xuống theo một lộ trình thích hợp. Lãi suất cơ bản từ mức 14%/năm sau 4 lần hạ hiện xuống còn 8,5%, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn cũng được hạ tương ứng, biên độ dao động tỷ giá được nâng từ từ +/-2% lên +/- 3%... Hành động này nhằm tạo sự hợp lý giữa các công cụ CSTT, giảm một phần chi phí hoạt động cho các NHTM, để các NHTM có điều kiện hạ lãi suất cho vay hỗ trợ cho các doanh nghiệp duy trì và mở rộng sản xuất, khuyến khích xuất khẩu trong điều kiện kinh tế thế giới suy thoái.

6 Các chỉ số thị trường tiền tệ (tốc độ tăng M2, tín dụng và lãi suất) và các chỉ số kinh tế đạt được trong những tháng cuối năm cho thấy việc thực thi CSTT của NHNN năm 2008, mặc dù có những bất cập nhất định, nhưng thực sự đã có những tác động rất rõ nét đến việc ổn định thị trường tiền tệ, ngăn chặn đà lạm phát đang gia tăng rất cao, tạo thế chủ động cho NHNN trong thực thi CSTT, thiết lập được kỷ luật trên thị trường tiền tệ mà trước đây rất lỏng lẻo, làm thay đổi thái độ và hành vi ứng xử của các thành viên thị trường theo chiều hướng tích cực.

Các NHTM đã có sự điều chỉnh chiến lược kinh doanh của mình phù hợp với các động thái chính sách, quản lý vốn thanh khoản được nâng lên một bước, các thành viên khác của thị trường (doanh nghiệp và cá nhân) đã  phản ứng rất nhanh trước những thay đổi chính sách và thông tin thị trường. Các biểu hiện này cho thấy, thị trường tiền tệ phát triển theo xu hướng tích cực, tăng tính thị trường và nó cũng cho thấy, độ trễ tác động của chính sách sẽ ngắn lại hơn so với các năm trước. Đây là vấn đề cần được các nhà hoạch định chính sách vĩ mô quan tâm, để việc ban hành các chính sách vĩ mô trong những tháng tiếp theo được chủ động và mang lại  hiệu quả cao hơn.

7 Tuy nhiên, thắt chặt CSTT cũng có những ảnh hưởng đến sản xuất của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.  Đó là cái giá phải trả trong ngắn hạn để ngằn chặt đà lạm phát đang gia tăng, tạo sự tăng trưởng bền vững trong tương lai.

Bên cạnh đó, một bài học cũng cần rút ra cho thực thi CSTT, đó là do chưa lường trước được phản ứng của thị trường, nên các biện pháp CSTT phần nào gây cú sốc thị trường, làm cho các NHTM có sự chao đảo nhất định trong kinh doanh. Nhưng cú sốc đó lại là bài học tốt cho các NHTM trong việc nâng cao hơn năng lực quản trị điều hành của mình, tạo đà để các NHTM đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính đang lan rộng toàn cầu và NHNN cũng rút được kinh nghiêm trong việc nghiên cứu, nằm bắt chính xác mức độ phản ứng của thị trường trước những thay đổi chính sách để có liều lượng chính sách thích hợp hơn, đạt được hiệu quả cao hơn trong điều hành, cũng như chủ động hơn trong các quyết sách để trở thành người cầm lái vững chắc trên thị trường tiền tệ.

TS. Nguyễn Thị Kim Thanh
TS. Nguyễn Thị Kim Thanh

Tin cùng chuyên mục