Cơ hội tăng dự trữ ngoại hối?
Trong những tháng đầu năm, một diễn biến chưa từng có trên thị trường ngoại hối Việt Nam là tỷ giá ngoại tệ của các ngân hàng thương mại thấp hơn tỷ giá của NHNN. Điều này được giải thích là nguồn ngoại tệ đổ vào nhiều, trong đó có một dòng chảy lớn là vốn đầu tư gián tiếp vào thị trường chứng khoán. Ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó thống đốc NHNN cho biết, trong lịch sử điều hành chính sách tiền tệ của NHNN Việt Nam chưa từng gặp một luồng vốn ngoại đổ vào nhiều như vậy.
Những diễn biến chưa từng có đó, theo ông Tiến, là tín hiệu đáng mừng về khả năng thu hút vốn ngoại và môi trường đầu tư hấp dẫn của Việt Nam; mặt khác, đó cũng là cơ hội để NHNN nâng cao khả năng dự trữ ngoại tệ. Bởi trong lịch sử, đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Việt Nam “không có đồng USD nào trong dự trữ ngoại tệ”. Lần đầu tiên có được chỉ vẻn vẹn 60 triệu USD vay được của một ngân hàng nước ngoài. Và đến năm ngoái, con số đó đã được nâng lên, có khả năng đáp ứng được 9 tuần nhập khẩu của nền kinh tế. Đứng trước cơ hội nói trên, NHNN đã tăng mua vào, một mặt nhằm điều hòa cung - cầu để ổn định tỷ giá, mặt khác nhằm tăng cường nguồn dự trữ ngoại tệ. Và chỉ sau 5 tháng đầu năm, lượng mua vào đã nâng khả năng dự trữ chung lên 20 tuần nhập khẩu. Đây cũng là hiện thực đến sớm của mục tiêu đề ra cho năm 2010.
Ông Tiến cho rằng, trước hết cần xét đến những yếu tố tích cực đó, ở việc nâng cao dự trữ ngoại tệ, gián tiếp nói về tiềm lực của một quốc gia. Tuy nhiên, trước một nguồn vốn chảy vào mạnh chưa từng có trong tiền lệ, NHNN buộc phải có những ứng xử, điều hòa thị trường ngoại hối và khó vẹn cả đôi đường.
Gồng mình vì lạm phát
Không phải đến thời điểm này mà ngay khi NHNN công bố lượng ngoại tệ mua vào trong 5 tháng đầu năm là 7 tỷ USD, một số chuyên gia đã cảnh báo đến những áp lực cung tiền VNĐ trong lưu thông (tương ứng 112.000 tỷ VNĐ), góp phần đẩy lạm phát tăng cao.
Ông Tiến thừa nhận, đó là một nguyên nhân nhưng không phải là chủ yếu. “Có những ý kiến cho rằng, đưa ra lượng tiền khá lớn sẽ tác động đến lạm phát. Đúng là có tác động nhưng phải qua độ trễ nhất định vào giá cả. Thực tế, xuất phát từ giá nguyên liệu quốc tế, giá lương thực, thực phẩm tăng đã đóng góp tới 60% chỉ số giá trong thời gian qua”, ông Tiến nói.
Nhưng không thể phủ nhận chính sách tiền tệ trong thời gian qua và trong những tháng cuối năm phải gồng mình để giải quyết những tác động ngoài mong đợi. Cùng lúc, NHNN phải tăng gấp đôi tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại, vừa tăng cường sử dụng các công cụ nợ để hút tiền về. Quyết định tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc lên 10% đã vấp phải phản ứng mạnh từ các ngân hàng thương mại, nhưng đó là công cụ hữu ích và tạo hiệu quả nhanh chóng nhất trong thời điểm này. Chỉ mới thực hiện trong tháng 6 vừa qua nhưng lượng tiền được kéo về đã lên tới 30.000 tỷ đồng. Ngoài ra, NHNN cũng đã tăng cường sử dụng hối phiếu, trái phiếu và có thể cả cơ chế tiền gửi có kỳ hạn đối với các ngân hàng thương mại để hút tiền trong lưu thông. Lãi suất phải trả cho những công cụ này là một vấn đề đáng chú ý, nhưng hiệu quả đến thời điểm này là 82% lượng tiền đưa ra mua ngoại tệ đã được hút về.
Ông Tiến cho biết, từ nay đến cuối năm, NHNN sẽ tiếp tục hút mạnh tiền về để “triệt tiêu” lượng tiền đã đưa ra và kiểm soát được tổng phương tiện thanh toán, chủ động hơn với đà tăng của lạm phát. Khi đó, khó nói trước lạm phát sẽ ở mức nào, nhưng ít nhất NHNN cũng có thể đúc rút được thêm kinh nghiệm sau khi gồng mình trước những tình huống chưa có trong tiền lệ.