Đánh giá cao những nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc điều hành chính sách tiền tệ trong 5 năm qua, nhưng các ý kiến tại Hội thảo “Hoạt động quản lý, điều hành chính sách tiền tệ, giai đoạn 2011-2015 và những tác động đối với nền kinh tế” cho rằng, NHNN nên tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ theo hướng linh hoạt hơn nhằm ổn định giá trị đồng tiền, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát… trong giai đoạn 2016-2020.
Thành công và bài học kinh nghiệm
Tại Hội thảo, PGS. TS. Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Tài chính Ngân hàng, Đại học Kinh tế quốc dân nhận định, giai đoạn phát triển 5 năm vừa qua (2011-2015), kinh tế Việt Nam đã phải đối mặt và vượt qua rất nhiều khó khăn xuất phát từ cả bên trong lẫn bên ngoài.
Trong khi đó, trên cơ sở bám sát chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và diễn biến kinh tế vĩ mô từng năm, NHNN đã xác định và kiên trì theo đuổi mục tiêu xuyên suốt là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, bảo đảm an toàn hệ thống…
“Để hoàn thành hiệu quả cùng một lúc các nhiệm vụ đó, NHNN đã hoạch định và thực hiện nhiều giải pháp, đặc biệt là các giải pháp trong công tác điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, thận trọng, linh hoạt với nhiều điểm đổi mới đáng ghi nhận so với giai đoạn trước đó”, TS. Đức nói.
"Không phải ngân hàng Việt Nam quản lý quá yếu kém mà do nợ xấu cao", - TS. Lê Xuân Nghĩa.
Đồng tình với quan điểm này, TS. Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, những thành công trong điều hành chính sách tiền tệ đã giúp nền kinh tế Việt Nam hồi phục, lấy lại đà tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng kinh tế phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng, cung tiền và giữ xu hướng tăng qua các năm. Bên cạnh đó, lạm phát được kiềm chế với con số đã giảm mạnh từ 18,13% năm 2011 xuống mức kỷ lục 1,84% năm 2014, nhờ công tác điều hành chính sách tiền tệ được thực hiện chủ động, đồng bộ, nhất quán.
“Bên cạnh đó, cán cân thương mại của Việt Nam trong 5 năm qua về cơ bản được cải thiện, nhờ đó giúp dự trữ ngoại hối tăng cao. Đặc biệt, tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng là trụ cột chuyển biến tích cực nhất trong 3 trụ cột tái cơ cấu nền kinh tế, tạo dựng lòng tin cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, hỗ trợ tích cực chính sách tài khóa”, ông Phước nói.
Còn theo TS. Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược NHNN Việt Nam, 6 bài học kinh nghiệm được rút ra từ những thành công trên đó là:
Thứ nhất, tính nhất quán, kiên định xuyên suốt ưu tiên cho một mục tiêu là kiểm soát CPI, ổn định kinh tế vĩ mô;
Thứ hai, chính sách tiền tệ được đặt đúng vị trí, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN chỉ đạo chặt chẽ trong bối cảnh tổng thể hơn so với các chính sách khác;
Thứ ba, chính sách tiền tệ cùng các chính sách vĩ mô khác đã được điều hành kỹ trị hơn, tránh các cú sốc trong biện pháp điều hành;
Thứ tư, chính sách tiền tệ được tính toán chủ động, kết hợp đồng bộ các công cụ của chính sách tiền tệ hướng đến mục tiêu bền vững hơn;
Thứ năm, kiểm soát kênh tín dụng được đặt đúng thời điểm, hạn chế tăng tín dụng nóng làm gia tăng bong bóng tài sản của nền kinh tế nhưng cũng được điều chỉnh linh hoạt để tháo gỡ khó khăn cho thị trường;
Thứ sáu, tính toàn diện, quyết liệt trong tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng được thể hiện đầy đủ trong Đề án 254 (Đề án Tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015) và trên thực tế, đây là hành động đặt nền móng cho sự phát triển lành mạnh của hệ thống trong tương lai.
Thách thức và giải pháp trong giai đoạn tới
Nhìn về tương lai, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (BDI) cho rằng, chính sách tiền tệ đang đứng trước 3 thách thức:
Thứ nhất, lợi suất trái phiếu chính phủ đang có xu hướng tăng lên, điều này có liên quan mật thiết, khiến lãi suất huy động đầu vào của ngân hàng thương mại cũng sẽ tăng. Như vậy, lãi suất huy động khó có thể xuống được.
Thứ hai, chỉ số CDS (đánh giá mức độ rủi ro của việc nắm giữ trái phiếu Chính phủ Việt Nam), gần đây gia tăng một cách đáng ngại, đang ở khoảng 270 điểm. Chỉ số này của Hy Lạp ở mức 300 điểm khi quốc gia này “sụp đổ”.
Điều này khiến các nhà đầu tư đầu tư vào trái phiếu Chính phủ Việt Nam ngày càng lo ngại, không biết Việt Nam sẽ giải quyết được vấn đề nợ công hay không? Nếu chỉ số này ở mức 270-300 thì lãi suất trái phiếu Chính phủ có xu hướng tăng lên.
Thứ ba, nợ xấu sẽ khiến lãi suất khó có thể giảm xuống được. Hiện nay, chi phí hoạt động/tổng chi phí của VN từ khoảng 16-23%, trong khi ở các quốc gia khác trong khu vực, chỉ số này chỉ 11-14%.
“Không phải ngân hàng Việt Nam quản lý quá yếu kém mà do nợ xấu cao”, TS. Nghĩa nói.
Đồng quan điểm trên, TS. Hòe phân tích thêm, dư địa của chính sách tiền tệ và tài khóa không nhiều do chất lượng nợ xấu, bài toán tỷ giá và lãi suất VND, USD; thâm hụt tài khóa, nợ công, cộng thêm cam kết đưa thâm hụt tài khóa về 4% trong trung hạn.
Thêm vào đó, rủi ro địa chính trị, tài chính toàn cầu, chính sách điều hành của ngân hàng trung ương các nước lớn tác động lan tỏa, dễ gây tổn thương lên hệ thống tài chính trong nước và áp lực lớn cho thiết kế điều hành chính sách tiền tệ. Quy mô tài chính, chất lượng tài sản, chất lượng quản trị công ty của các ngân hàng thương mại còn hạn chế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế gợi ý rằng, để đối phó với các thách thức trên, NHNN cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động và linh hoạt, giảm bớt biện pháp hành chính; hướng đến chính sách lạm phát mục tiêu và một ngân hàng trung ương hiện đại, độc lập hơn.
Theo đó, NHNN cần điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, trong đó cung tiền nên được kiểm soát tăng trưởng như hiện nay ở mức 16-18%/năm nhằm đảm bảo kiểm soát lạm phát và việc mở rộng cung tiền hơn nữa sẽ ít có tác động thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Bên cạnh đó, điều hành chính sách tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng có hiệu quả, đi đôi với an toàn và chất lượng tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa cũng như các chính sách khác cần được phối hợp đồng bộ và nhịp nhàng hơn, cũng là để quản lý, giám sát các tập đoàn tài chính-ngân hàng tốt hơn.
“Bộ Tài chính và NHNN cần phối hợp xây dựng hệ thống tài chính phát triển cân bằng hơn, trong đó xây dựng thị trường chứng khoán, trái phiếu, góp phần đa dạng hóa kênh huy động vốn của DN và nền kinh tế. Nâng cao năng lực phân tích, dự báo, quản lý, giám sát, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế”, TS. Lực nói.