Trên thực tế, các ngân hàng đã tự động tăng các mức lãi suất huy động từ vài tháng qua. Tới thời điểm hiện nay, mức lãi suất cho tiền gửi kỳ hạn 6 tháng đã được đẩy lên mức 10%/năm tại nhiều ngân hàng. Cộng thêm với chi phí lãi suất cho dự trữ bắt buộc và chưa tính tới chi phí quản lý, bảo hiểm tiền gửi…, giá vốn đã lên tới 10,3%/năm. Xét trường hợp cho vay thông thường với trần lãi suất 10,5%/năm là không thể có lãi.
Một vị lãnh đạo ngân hàng thương mại nhà nước than thở rằng, lãi suất đã được đẩy cao như vậy mà trong mấy tuần qua, lượng tiền gửi ròng không hề tăng. Nghĩa là lượng tiền huy động mới chỉ đủ bù số tiền người gửi rút ra.
Nhìn sang thị trường liên ngân hàng, các mức lãi suất 1 - 2 tuần cũng đã được đẩy lên mức trên 8%/năm, dường như hệ thống ngân hàng đang gặp vấn đề về nguồn vốn.
Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục níu kéo lãi suất cơ bản ở mức 7% trong tháng 10/2009 chỉ có thể giải thích rằng không muốn lãi suất thị trường tăng thêm, để hỗ trợ tăng trưởng. Nền kinh tế, với mức tăng trưởng GDP 4,6% qua chín tháng đầu năm vẫn cần được hỗ trợ thêm.
Nhưng ở đây lại xuất hiện một mâu thuẫn khác. Muốn hỗ trợ tăng trưởng thì phải thúc đẩy các ngân hàng cho vay vốn ra thị trường. Nhưng qua tám tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng đã đạt mức trên 24%, khá gần với kế hoạch 30% cả năm 2009.
Vị lãnh đạo ngân hàng trên cho biết thêm, do tăng trưởng tín dụng bị hạn chế, ngân hàng cho vay dè dặt hơn. "Khó tiếp cận vốn từ ngân hàng, nhiều doanh nghiệp đang rút tiền gửi tạm thời nhàn rỗi của mình ở ngân hàng để sử dụng. Vài tuần trở lại đây, số doanh nghiệp rút tiền gửi ngày càng nhiều".
Cũng với nguyên nhân cơ quan quản lý chặn mức lãi suất trần, đã có những hiện tượng bất thường. Theo một chuyên gia ngân hàng, đã có hiện tượng ngân hàng tìm cách vay vốn qua thị trường mở (OMO) với mức lãi suất 7%/năm, rồi cho vay lại trên thị trường liên ngân hàng hưởng chênh lệch lãi suất. Hiện tượng này hoàn toàn có thể kiểm soát khi mà tất cả các thông số về số dư tiền gửi của ngân hàng thương mại tại NHNN đều có sẵn.
Và lý do vị lãnh đạo ngân hàng trên đưa ra "việc không tăng lãi suất cơ bản 'níu' trần lãi suất ở mức 10,5%/năm đang khiến thị trường ngân hàng không phản ánh thực chất cung - cầu nguồn vốn" không phải là không có lý.
Đương nhiên, trong các kiến nghị nâng mức lãi suất trần thông qua nâng lãi suất cơ bản của các ngân hàng còn có lý do vì lợi nhuận, khi mà chênh lệch lãi suất ròng (lãi suất cho vay - lãi suất huy động) của họ đang giảm mạnh, chỉ còn 1,5 -2%/năm. Nhưng nếu xét từ góc độ giá vốn phải được hình thành trên cơ sở cung - cầu vốn thì rõ ràng việc "ép" lãi suất gây ra nhiều vấn đề.
Trong các bản nhận định thị trường mới đây, nhiều tổ chức tài chính quốc tế đã dự đoán lãi suất cơ bản sẽ được giữ ở mức 7% tới hết năm 2009. "Giá mà họ dự đoán sai, chứ nếu thực sự NHNN giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 7% tới hết năm nay thì chắc chắn các ngân hàng sẽ khó khăn", một lãnh đạo ngân hàng bình luận.
Theo đuổi nhiều mục tiêu cũng là do tính độc lập của NHNN còn hạn chế. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới tình huống buộc phải cân đối lợi ích giữa các mục tiêu khi đưa ra các quyết định của cơ quan này. Nhưng, chính sách tiền tệ cần phải có tính dễ dự đoán để đảm bảo thuận lợi cho cả doanh nghiệp lẫn ngân hàng.