Chính sách mới của chính quyền Tổng thống Trump sẽ tác động đáng kể đến xu hướng xanh toàn cầu

Xu hướng toàn cầu hóa kinh tế xanh sẽ phát triển không đồng đều, với các quốc gia phát triển đi đầu, trong khi các nước đang phát triển cần sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn. Sự cạnh tranh giữa các cường quốc, cùng với các yếu tố như biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt, sẽ là lực đẩy mạnh mẽ giúp cho kinh tế xanh trở thành một nhu cầu cấp thiết trong những năm tới.

Những chính sách mới của chính quyền Trump

Ngay trong ngày nhậm chức 20/01/2025, Tổng thống Donald John Trump đã ký 3 sắc lệnh có thể ảnh hưởng đến xu thế xanh trên thế giới.

Ông Quang Trần, Giám đốc Phân tích và Đầu tư - Công ty NAI Vietnam

Rút khỏi hiệp định Paris

Đây là lần thứ 2 ông Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris. Trong năm 2017, ông đã từng ký sắc lệnh tương tự và sau đó tổng thống Biden đã đảo ngược.

Điều đáng ngạc nhiên là trong nhiệm kỳ 2017-2020 của tổng thống Trump, mức độ phát thải carbon giảm, và tăng nhẹ trong giai đoạn 2021-2022 khi tổng thống Biden nắm quyền (nguồn: US EPA).

Nếu bỏ qua số liệu đột biến năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì xu hướng phát thải của Mỹ là giảm dù có tham gia hay không tham gia Hiệp định.

Tuy vậy, hành động này sẽ làm suy giảm uy tín của Hiệp định Paris và là tiền lệ cho các quốc gia khác hành động theo hướng bảo vệ lợi ích kinh tế ngắn hạn thay vì ưu tiên lợi ích môi trường dài hạn.

Mức xả thải carbon (triệu tấn) của Mỹ trong 2014-2022. Nguồn: Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (US EPA).

Hủy mục tiêu xe điện và sửa đổi quy định khí thải

Mục tiêu sản xuất 50% xe điện vào năm 2030 là động lực quan trọng thúc đẩy các nhà chế tạo xe hơi chuyển hướng sang công nghệ sạch. Khi đảo ngược mục tiêu này, chính quyền Mỹ sẽ khiến ngành công nghiệp ô tô mất động lực đầu tư và đổi mới, kéo dài thời gian phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Tuy vậy đây không phải là điều bất ngờ.

Từ quý III năm 2024, nhiều hãng xe lớn trên thế giới đã điều chỉnh kế hoạch theo hướng giãn thời hạn sản xuất hoàn 100% xe điện thêm ít nhất 3-5 năm. Ngoại trừ Trung Quốc vẫn đang tăng tốc, nhưng với sự nhất quán trong các phát biểu tranh cử của ông Trump về giao thương với Trung Quốc, khả năng cuộc chiến thương mại khác sẽ diễn ra, tạo nên khó khăn cho ngành xe điện của quốc gia này trong 4 năm tới.

Điều chỉnh tiếp theo về quy định có thể dẫn đến việc nới lỏng các tiêu chuẩn, làm gia tăng lượng CO2 từ ngành vận tải, một trong những ngành đóng góp đáng kể vào biến đổi khí hậu.

Thúc đẩy khai thác dầu mỏ

Đây cũng là hệ quả của chính sách thứ 2 nêu trên. Sự gia tăng khai thác nhiên liệu hóa thạch làm tăng sự phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt tự nhiên, đồng thời làm chậm sự phát triển của năng lượng tái tạo, tăng lượng khí thải nhà kính, gây thêm áp lực lên các mục tiêu giảm phát thải toàn cầu.

Việc Mỹ tăng cường sản xuất dầu có thể tạo ra biến động giá năng lượng toàn cầu theo hướng giảm, đặc biệt khi cuộc chiến Nga-Ucraina có khả năng rất cao sẽ đạt được giải pháp hòa bình tạm thời ngay trong năm 2025. Dòng chảy trở lại của dầu và khí đốt sẽ cạnh tranh khốc liệt về chi phí với năng lượng tái tạo.

Dự đoán tình hình nền kinh tế xanh trong giai đoạn 2025-2028

Tuy nhiên, không phải quá bi quan về những động thái mới của Mỹ. Dù Mỹ vẫn là đầu tàu kinh tế thế giới, ảnh hưởng của quốc gia này đang bị chia sẻ bởi nhiều nền kinh tế lớn khác.

Mỹ và sự chậm lại của động lực toàn cầu

Gần như chắc chắn nước Mỹ sẽ làm chậm lại tốc độ chuyển đổi năng lượng sạch toàn cầu. Tuy nhiên, các bang như California, New York, New Mexico và các tập đoàn lớn vẫn có thể giữ vững cam kết xanh hóa bằng các chính sách địa phương và chiến lược kinh doanh dài hạn. Điều này phần nào giảm nhẹ tác động tiêu cực của sắc lệnh và vẫn thúc đẩy phát triển công nghệ xanh, dù không mang tính đồng bộ như trước.

Châu Á: Trung Quốc tăng cường vai trò lãnh đạo

Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh sản xuất công nghệ xanh và tận dụng việc Mỹ rút khỏi các cam kết để tăng cường xuất khẩu công nghệ năng lượng tái tạo. Với bệ phóng BRICS, Trung Quốc sẽ có lợi thế để bứt phá, mặc dù Mỹ sẽ cố gắng kiềm chế nước này bằng các biện pháp kinh tế. Chúng tôi cho rằng trong giai đoạn tới, Trung Quốc sẽ chọn không đối đầu trực diện mà sử dụng các “con đường vòng tới mục tiêu”, ví dụ như đẩy mạnh sáng kiến như Vành đai và Con đường (BRI), Sáng kiến Phát triển toàn cầu (GDI) để thúc đẩy việc xây dựng hạ tầng năng lượng sạch tại các nước đang phát triển, qua đó củng cố ảnh hưởng theo phương thức “vết dầu loang”.

Các nước phát triển như Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn giữ vững cam kết xanh hóa. Tuy nhiên, họ sẽ thận trọng hơn và xem xét rất kỹ phản ứng của các cường quốc trước khi đưa ra các tuyên bố mạnh mẽ.

Châu Âu: Một bước lùi nhỏ nhưng vẫn giữ vững mục tiêu xanh hóa

Cuộc chiến Nga-Ukraine và bất ổn kinh tế - chính trị phần nào làm gián đoạn tiến trình xanh hóa trong ngắn hạn, do sự phụ thuộc tạm thời vào năng lượng hóa thạch. Tuy nhiên, trong dài hạn, áp lực giảm phụ thuộc vào Nga sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Nếu vượt qua khó khăn hiện tại một cách ổn thỏa, châu Âu sẽ tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong nghiên cứu và phát triển công nghệ xanh.

Thách thức lớn chính là việc duy trì đồng thuận nội bộ giữa các quốc gia thành viên liên quan đến phân bổ chi phí chuyển đổi năng lượng, vì khoảng cách giữa các nền kinh tế châu Âu là rất đáng kể. Đức, Pháp, các nước Bắc Âu sẽ phải thuyết phục các nước yếu hơn đi theo con đường dài hạn, trong khi bản thân nền kinh tế các nước lớn này vẫn đang khó khăn trong ngắn hạn.

Như vậy, các chính sách mới của chính quyền Trump đều tạo ra những tác động đáng kể đến xu hướng xanh toàn cầu trong giai đoạn 2025-2028. Tuy nhiên, là một xu thế không thể đảo ngược, kinh tế xanh toàn cầu sẽ phát triển mạnh tại các khu vực có sự hỗ trợ chính sách mạnh mẽ (châu Âu, Trung Quốc). Mỹ sẽ không đứng ngoài cuộc chơi. Sau giai đoạn bảo hộ nền công nghiệp khai khoáng trong nước, Mỹ sẽ lại gia nhập đường đua theo phương thức “kinh doanh” ưa thích của Tổng thống-doanh nhân Donald Trump.

Cuộc đua khốc liệt giữa Mỹ, EU, và Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ xanh sẽ quyết định tốc độ và hướng đi của nền kinh tế xanh. Trung Quốc, với sự hậu thuẫn từ các sáng kiến toàn cầu, sẽ củng cố vị thế trong lĩnh vực công nghệ xanh. Châu Âu, dù gặp thách thức từ các bất ổn địa chính trị, vẫn sẽ duy trì vai trò tiên phong trong nghiên cứu và phát triển năng lượng tái tạo.

Quang Trần
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục