Băn khoăn đối tượng được hưởng
Dự thảo Nghị định thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra lấy ý kiến công luận. Trong Hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo, tổ chức ngày hôm qua (5/3), nhiều nhà đầu tư tham dự bày tỏ sự băn khoăn về phạm vi áp dụng.
“Các doanh nghiệp Mỹ chịu ảnh hưởng từ thuế tối thiểu toàn cầu là từ nhiều ngành nghề khác nhau, chứ không chỉ công nghệ cao. Nếu quy định chỉ hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao thì là quá hẹp”, bà Virginia B. Foote, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) nói.
Cũng theo bà Virginia, cần làm rõ cả quy định về tiêu chí “doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển)”, bởi có doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động R&D, nhưng không xây dựng một trung tâm R&D riêng. Trong trường hợp này, nhà đầu tư được hỗ trợ hay không và sẽ hỗ trợ như thế nào?
Trong khi đó, đại diện của của NIDEC, một doanh nghiệp đang đầu tư quy mô lớn trong các khu công nghệ công nghệ cao cho rằng, cần xem xét hỗ trợ đầu tư trên quy mô toàn tập đoàn. “NIDEC có 13 công ty con tại Việt Nam, do vậy, khi xem xét hỗ trợ, cần cân nhắc trên quy mô tổng đầu tư của các công ty này. Như vậy mới đảm bảo khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sâu tại thị trường Việt Nam”, đại diện của NIDEC nói.
Các kiến nghị trên xuất phát từ đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong Dự thảo Nghị định rằng, các đối tượng nhận được hỗ trợ từ Quỹ Hỗ trợ đầu tư sẽ là các doanh nghiệp có dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ cao; doanh nghiệp công nghệ cao; doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm R&D. Cùng với đó, các doanh nghiệp này còn phải đáp ứng một trong các tiêu chí như đạt quy mô vốn đầu tư trên 12.000 tỷ đồng, đạt doanh thu trên 20.000 tỷ đồng/năm, hay phải hoàn thành việc giải ngân tối thiểu 12.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm…
Thậm chí, theo thông tin của ông Đỗ Văn Sử, Ban Soạn thảo dự kiến bổ sung đối tượng được hưởng hỗ trợ là các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài đáp ứng được tiêu chí về vốn đầu tư, doanh thu, tiến độ giải ngân, cũng như các doanh nghiệp nhà nước dẫn dắt nền kinh tế, đáp ứng được các tiêu chí về tổng tài sản, hiệu quả tài chính, thương hiệu, năng lực quản trị…
Lý giải điều này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Dự thảo được xây dựng không nhằm thực hiện việc bồi hoàn cho các nhà đầu tư chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu, mà không phân biệt đối xử, bất kể doanh nghiệp trong hay ngoài nước, doanh nghiệp đang hoạt động hay đầu tư mới, nếu đáp ứng được tiêu chí đặt ra, thì đều được hỗ trợ.
“Sẽ không có chuyện xin - cho. Tất cả đều sẽ được quy định minh bạch, rõ ràng, phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp với quy định của OECD; quy trình, thủ tục cũng sẽ được xây dựng theo hướng tạo thuận tiện cho nhà đầu tư và cả cơ quan nhà nước”, bà Ngọc nói.
Chính sách hỗ trợ sẽ ổn định, lâu dài
Việt Nam xây dựng Quỹ Hỗ trợ đầu tư không phải để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi thuế tối thiểu toàn cầu, mà là hướng đến việc tạo sự ổn định cho môi trường đầu tư, cũng như hướng đến các lĩnh vực thu hút đầu tư mà Việt Nam đang khuyến khích.
- Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Hàng loạt chính sách hỗ trợ đầu tư, từ hỗ trợ hoạt động R&D, hỗ trợ sản xuất sản phẩm công nghệ cao, rồi hỗ trợ chi phí đào tạo lao động, hỗ trợ chi phí tạo tài sản cố định… đã được đưa ra tại Dự thảo.
Tuy nhiên, góp ý về Dự thảo, ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KorCham) cho rằng, mức hỗ trợ chưa rõ ràng để thu hút đầu tư. “Điều kiện nhận hỗ trợ vẫn còn hạn chế. Tiêu chí về quy mô dự án đầu tư để nhận được sự hỗ trợ này rất cao, nên mở rộng và nới lỏng để nhiều doanh nghiệp được nhận hỗ trợ hơn”, ông Hong Sun nói.
Ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện JETRO Hà Nội cũng cho rằng, nên hỗ trợ đầu tư cho cả doanh nghiệp có quy mô nhỏ, nhưng có đóng góp lớn vào chuỗi cung ứng, cũng như đóng góp vào lĩnh vực công nghệ cao tại Việt Nam.
Cùng nỗi lo, ông Phạm Minh Cao, Phó giám đốc Đối ngoại của Hyosung băn khoăn về quy định dự án phải được giải ngân trong vòng 3 năm. “Chúng tôi đầu tư trong lĩnh vực công nghệ sinh học thì có thể không thể giải ngân trong vòng 3 năm được, mà có khi phải 5-10 năm mới giải ngân hết nguồn lực 12.000 tỷ đồng, vì phải vừa đầu tư vừa nghiên cứu”, ông Phạm Minh Cao nói.
Ở góc độ khác, ông Cao cũng đề xuất việc hỗ trợ đầu tư trên tổng thể quy mô toàn tập đoàn. Hyosung đã đầu tư vào Việt Nam hơn 4 tỷ USD và dự kiến đầu tư thêm 1,5 tỷ USD nữa ở Bà Rịa - Vũng Tàu, nhưng rất có thể, tính riêng từng dự án thì có thể không đáp ứng được tiêu chí 12.000 tỷ đồng, nên sẽ không được hỗ trợ theo Dự thảo.
Trong khi đó, điều khiến bà Đồng Hồng Hạnh, đại diện Samsung Việt Nam quan tâm là nhà đầu tư có thể nhận hỗ trợ từ cuối năm 2025, đầu năm 2026. Theo bà Hạnh, nên nghiên cứu lộ trình hỗ trợ rõ ràng, trước mắt để ổn định môi trường đầu tư, bởi Việt Nam chưa bao giờ áp dụng chính sách hỗ trợ bằng tiền.
Băn khoăn cơ chế nhận hỗ trợ, ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành, Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN đặt ra tình huống doanh nghiệp nộp thuế bổ sung và nhận sự hỗ trợ đầu tư từ Việt Nam, nhưng quốc gia “mẹ” không chấp thuận, vẫn coi rằng, nhà đầu tư đang được miễn giảm thuế, thì sẽ như thế nào?
Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, khi xây dựng Dự thảo Nghị định, đã phải rà soát thông lệ quốc tế và các quy định của OECD để đảm bảo không để doanh nghiệp nào phải về quốc gia “mẹ” nữa. “OECD đưa ra chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, nhưng cũng chưa đưa ra hướng dẫn cụ thể, các quốc gia đều vừa phải xây dựng chính sách, vừa tham vấn OECD. Nguyên tắc tối thượng là theo nguyên tắc của OECD”, bà Ngọc nói.
“Trước mắt, chúng tôi sẽ tập trung nguồn lực để hỗ trợ cho lĩnh vực công nghệ cao”, bà Ngọc nói và khẳng định, các chính sách này là ổn định và áp dụng lâu dài.
Bên cạnh Quỹ Hỗ trợ đầu tư, theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, Việt Nam cũng đang rà soát lại cơ chế ưu đầu tư để sửa đổi, xây dựng một chính sách tổng thể. Khi hoàn thiện, sẽ đưa các quy định về hỗ trợ ưu đãi đầu tư vào chính sách này, đảm bảo sự thống nhất, tổng thể và toàn diện.