Chính sách cấp sổ đỏ sắp tới sẽ thông thoáng hơn

(ĐTCK) Với nhiều nội dung mới theo hướng cải cách thủ tục hành chính, tăng cường hơn trách nhiệm cho Văn phòng nhà đất được quy định tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai sắp được ban hành, những vướng mắc trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở (sổ đỏ) được kỳ vọng sẽ được tháo gỡ trong thời gian tới. 
Việc cấp sổ đỏ tại các dự án nhà ở chậm là do tổ chức thực hiện chưa đúng quy định. Ảnh: Dũng Minh Việc cấp sổ đỏ tại các dự án nhà ở chậm là do tổ chức thực hiện chưa đúng quy định. Ảnh: Dũng Minh

Xung quanh vấn đề này, Đầu tư Bất động sản đã có cuộc trao đổi với TS. Đào Trung Chính, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường). 

Xin ông cho biết những điểm sửa đổi, bổ sung mấu chốt trong Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai?

Thực chất, Nghị định này sửa đổi bổ sung cho nhiều nghị định khác. Tức là dựa trên những khó khăn, vướng mắc và những vấn đề phát sinh trong thực tiễn triển khai thi hành Luật Đất đai. Từ đó, chúng tôi tổng hợp, xem xét sửa đổi bổ sung, chuẩn bị Dự thảo Nghị định sửa đổi để trình Chính phủ ban hành.

Dự thảo Nghị định này sửa đổi bổ sung một số nội dung của 3 nghị định là Nghị định 43/2014, Nghị định 44/2014 và Nghị định 47/2014.

Với với Nghị định số 43, có 6 nội dung được tập trung sửa đổi, bổ sung gồm:

(1) Bổ sung quy định về điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất cấp huyện nhằm giải quyết đối với các dự án, công trình phát sinh.

(2) Sửa đổi, bổ sung mội số nội dung nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận cho cả cơ quan nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

(3) Quy định cụ thể hơn một số nội dung liên quan đến chế độ quản lý, sử dụng đối với một số loại đất, như quyền cho thuê tài sản gắn liền với đất thuê, đất thuê lại trả tiền hàng năm; xử lý việc sử dụng đất của tổ chức kinh tế do nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân để thực hiện dự án đầu tư; việc sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân khi chuyển mục đích sử dụng đất; cơ chế góp quyền sử dụng đất và điều chỉnh lại quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư.

(4) Rà soát và quy định theo hướng rút ngắn hơn thời gian thực hiện, đơn giản quy trình các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai.

(5) Quy định cụ thể hơn hiệu lực thi hành của quyết định giải quyết tranh chấp đất đai và việc cưỡng chế thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp đất đai.

(6) Quy định để xử lý chuyển tiếp đối với một số trường hợp tự thỏa thuận nhận chuyển quyền sử dụng đất, thu hồi đất, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng.

Với Nghị định số 44 quy định về giá đất, tập trung sửa đổi quy định về áp dụng các phương pháp xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai trên thực tế; bổ sung quy định về thời hạn sử dụng của loại đất trong khung giá đất, bảng giá đất là 70 năm.

Với Nghị định số 47 quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, sẽ tập trung sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ về đất khi Nhà nước thu hồi đất có nguồn gốc được giao không đúng thẩm quyền trước ngày 1/7/2004, nhưng đã nộp tiền để được sử dụng đất, mà chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; việc xử lý tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã nộp, chi phí đầu tư vào đất còn lại, tài sản gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất; về xử lý tiền thuê đất còn lại cho người được Nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm nhưng đã trả trước tiền thuê đất cho nhiều năm khi Nhà nước thu hồi đất… 

Việc cấp sổ đỏ tại các dự án nhà ở, khu đô thị vẫn bị kêu là chậm và khó khăn. Những quy định mới trong Dự thảo Nghị định sẽ giúp tháo gỡ vướng mắc này như thế nào, thưa ông?

Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại các dự án nhà ở, khu đô thị trong thời gian qua còn chậm trễ không phải là do chính sách, mà do tổ chức thực hiện chưa đúng quy định. Cụ thể, chủ đầu tư không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước; xây dựng không đúng theo thiết kế, giấy phép xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền cấp…

Để tháo gỡ khó khăn trong việc này, trong Dự thảo Nghị định mới đã quy định cụ thể hơn trách nhiệm kiểm tra hiện trạng sử dụng đất, nhà ở, công trình đã xây dựng và điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bán nhà ở của chủ đầu tư dự án. Đồng thời, yêu cầu phải công bố công khai kết quả kiểm tra này trên trang thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường, nơi có dự án để dân biết.

Chính sách cấp sổ đỏ sắp tới sẽ thông thoáng hơn ảnh 1

TS. Đào Trung Chính
 

Ngoài ra, Dự thảo cũng đã quy định theo hướng tăng cường hơn trách nhiệm của Văn phòng đăng ký đất đai trong việc chứng nhận biến động trên giấy chứng nhận đã cấp, để giảm tải cho các cơ quan tài nguyên và môi trường trong cấp giấy chứng nhận. 

Được biết, Dự thảo đã được đưa ra lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân, bộ, ngành… Ông có thể cho biết, các ý kiến đóng góp tập trung vào những nội dung nào?

Nhìn chung, phần lớn các ý kiến góp ý đều thống nhất cao về sự cần thiết phải ban hành Nghị định và các nội dung cơ bản của Dự thảo Nghị định. Nhiều ý kiến góp ý rất cụ thể, nhằm làm sâu sắc và chi tiết hơn các nội dung của Dự thảo, tập trung vào các nhóm vấn đề là tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật nói chung và cải cách thủ tục hành chính nói riêng, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của người dân và doanh nghiệp;

Ngoài ra, các ý kiến cũng tập trung vào quy định về điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất hàng năm ở cấp huyện; xác định giá đất cụ thể để làm giá khởi điểm khi đấu giá quyền sử dụng đất; xử lý việc sử dụng đất đối với trường hợp tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp được giao không thu tiền sử dụng đất, hộ gia đình, cá nhân chuyển mục đích đất nông nghiệp sang sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ, sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp; chế độ quản lý, sử dụng một số loại đất…; xử lý chuyển tiếp việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất…, đòi hỏi phải phù hợp với thực tiễn triển khai thi hành Luật Đất đai và đáp ứng được các yêu cầu đặt ra của đời sống chính trị, kinh tế và xã hội của đất nước.

Với những góp ý như vậy, Dự thảo Nghị định sẽ tiếp thu, sửa chữa, bổ sung, thay đổi những quy định gì so với bản Dự thảo cũ và bao giờ Nghị định sẽ được ban hành, thưa ông?

Về cơ bản, các ý kiến góp ý của các bộ, ngành, cơ quan và các địa phương đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu tiếp thu và chỉnh sửa cụ thể vào Dự thảo Nghị định. Một số ý kiến không tiếp thu, thì Bộ đã có báo cáo giải trình chi tiết.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thiện hồ sơ Dự thảo Nghị định và đã trình Chính phủ trong tháng 11/2015. Hiện nay, Dự thảo Nghị định đang được chuẩn bị để lấy ý kiến các thành viên Chính phủ trước khi ban hành theo quy định.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Bùi Trang thực hiện.
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục