Chinh phục ngã ba Đông Dương

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chạm tay vào cột mốc biên giới ở ngã ba Đông Dương, nơi “một con gà cất tiếng gáy cả ba nước đều cùng nghe thấy”, có bao cảm xúc đặc biệt bỗng dâng lên trong lòng tôi.
Chinh phục ngã ba Đông Dương

Chúng tôi đáp chuyến bay Hà Nội - Buôn Mê Thuột và thẳng tiến tới Kon Tum trong hành trình khám phá Tây Nguyên. Ngày tháng 3, nắng cao nguyên vàng rực rỡ, ấm áp, làm lòng tôi rộn lên những câu hát của nhạc sĩ Văn Thắng:

“Tháng ba mùa con ong đi lấy mật

Mùa con voi xuống sông hút nước

Mùa em đi phát rẫy làm nương

Anh vào rừng đặt bẫy cài chông…”

Lật giở bản đồ và những điểm du lịch hấp dẫn nhất Kon Tum, chúng tôi ấn tượng với ngã ba Đông Dương và quyết tâm chinh phục bằng được.

Mượn hai chiếc xe máy, bốn cô gái bắt đầu hành trình gần 80 km từ TP. Kon Tum đến cửa khẩu Bờ Y (thị xã Ngọc Hồi, tỉnh Gia Lai). Con đường đất đỏ bazan rực lên trong nắng trông thật tuyệt. Hai bên đường là những vườn tiêu thẳng tắp, vườn cà phê nối nhau hun hút.

Giữa chặng đường, bắt gặp một lễ hội của người dân bản địa, chúng tôi quyết định dừng lại gia nhập vào đoàn người và vô cùng háo hức với những phong tục lạ lẫm của người dân nơi đây. Tìm hiểu được biết đây là lễ hội mừng nhà mới của người dân nơi đây. Anh A Dan cho chúng tôi biết, người Gia Rai quan niệm thần nhà (Yang Sang) là lực lượng bảo vệ nhà cửa cho mình nên sẽ được cúng trong nhà. Khi nhà mới dựng lên, người dân sẽ chuẩn bị nghi lễ đâm trâu và trồng cây gạo. Hoạt động này nhằm mục đích thông báo cho mọi người và thần linh biết niềm vui của dân làng đã có nhà rông mới...

Các em bé người dân tộc Gia Rai ríu rít chào hỏi và với lòng mến khách dắt chúng tôi đi tìm hiểu về lễ hội. Một trải nghiệm khá thú vị trên hành trình đến với Ngã ba Đông Dương.

Con đường chúng tôi qua thơm ngát mùi hoa cà phê. Mùa hoa cà phê thường kéo dài từ tháng 2 đến tháng 4 Dương lịch.

May mắn cho chúng tôi là tới thăm Tây Nguyên đúng độ cà phê đang ra hoa rộ nhất. Sắc trắng của hoa cà phê nổi bật giữa màu đỏ của đất đồi bazan tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp.

Đi mãi, rồi cũng đến nơi cần đến. Chúng tôi dừng xe ở cửa khẩu quốc tế Bờ Y để hỏi thăm đường lên cột mốc biên giới. Biết chúng tôi là nhà báo trẻ mê khám phá, các anh bộ đội biên phòng cửa khẩu Bờ Y đã hỗ trợ rất nhiệt tình. Một anh lính trẻ xung phong đưa chúng tôi lên cột mốc biên giới. Dọc đường đi, anh kể cho chúng tôi nghe nhiều chuyện thú vị về Bờ Y, về cuộc sống của bà con nơi đây.

Đường từ cửa khẩu quốc tế Bờ Y lên cột mốc biên giới dài hơn 10 km, uốn lượn, quanh co qua mấy quả đồi. Có nhiều con dốc dựng đứng đến chóng mặt. Có đoạn trải xi măng, có đoạn còn đất đỏ bazan, chúng tôi phải đi bộ khá xa dưới cái gió, cái bụi và trời nắng đổ lửa. Vậy nhưng, khát khao được đứng ở cột mốc biên giới mà nhiều người vẫn ví von “nơi con gà cất tiếng gáy cả ba nước đều nghe thấy” đã thôi thúc những bước chân đi nhanh hơn. Chúng tôi đã vượt những bậc thang cuối cùng để chạm đến cột mốc thiêng liêng của Tổ quốc.

Ngã ba Đông Dương từ lâu đã được dân mê xê dịch xếp và nhóm 6 điểm nhất định phải ghé trên hành trình khám phá Việt Nam. Đó là bốn cực (cực Bắc Lũng Cú, cực Tây A Pa Chải, cực Đông Mũi Đôi, cực Nam Đất Mũi), một mũi (Fansipan), một ngã ba (Ngã ba Đông Dương).

Sở dĩ gọi là ngã ba Đông Dương, vì đây là khu vực tiếp giáp của ba nước Đông Dương, gồm tỉnh Kon Tum của Việt Nam, tỉnh Ratanakiri của Campuchia và tỉnh Attapư của Lào. Cột mốc được xây dựng vào năm 2007 - 2008, trên độ cao 1.086 m so với mực nước biển. Cột mốc có ba mặt, mỗi mặt khắc tên và quốc huy của một nước và hướng về nước đó.

Đứng bên cột mốc biên giới, phóng tầm mắt ra xa, chúng tôi cảm nhận rõ một vùng biên trù phú và thấy thật may mắn khi có mặt ở nơi đây, một trải nghiệm không quên để thấy đất nước Việt Nam mình tuyệt đẹp.

Chúng tôi đã ngồi lại thật lâu, để cảm nhận rõ nét hơn không khí của vùng biên. Từ đỉnh cột mốc có các bậc cầu thang đi về phía các nước. Anh bộ đội biên phòng kể, mỗi dịp Tết đến Xuân về, đồn biên phòng huyện Bờ Y tổ chức gói bánh chưng cùng bà con đều mời những người dân của nước bạn Lào sinh sống ngay sát biên giới sang chung vui. Tình hữu nghị của người dân vùng biên hai nước lại thêm thắm thiết trong mỗi dịp như vậy.

Tạm biệt ngã ba Đông Dương trong một buổi chiều muộn tháng 3, chúng tôi về lại Kon Tum, tiếp tục hành trình khám phá đất và người nơi đây. Kon Tum còn gây ấn tượng với nhà thờ gỗ hơn 100 tuổi, những món ăn đặc sản và tình người chan chứa.

Chia tay Tây Nguyên trong cái gió thơm vị cà phê, cái nắng rót mật và khắp những cung đường đất đỏ bazan phiêu lãng, tôi hẹn một dịp không xa sẽ quay trở lại.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục