Đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ của Chính phủ, đặc biệt là trong tập trung hoàn thiện thể chế, đổi mới chính sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực, toàn diện, đúng hướng và cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát đã đề ra.
“Việc thực hiện thành công mục tiêu kép là vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đã tạo thêm dư địa để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân, ổn định trật tự, an toàn xã hội trong các năm tiếp theo”, Báo cáo nhận định.
Báo cáo cũng thống nhất với khẳng định của Chính phủ khi cho rằng, trong 12 chỉ tiêu về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự kiến có 4 chỉ tiêu đạt và 8 chỉ tiêu vượt mục tiêu kế hoạch đề ra, với nhiều điểm nhấn quan trọng.
Để thấy rõ hơn những kết quả đạt được và tiếp tục duy trì những thành tựu nêu trên, bảo đảm tính bền vững trong phát triển kinh tế-xã hội, Ủy ban Kinh tế đề nghị quan tâm, đánh giá sâu sắc hơn một số vấn đề như tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) dự báo đạt ở mức cao, diễn biến mức tăng trưởng kinh tế của 3 quý vừa qua có sự khác biệt so với kịch bản tăng trưởng kinh tế đã dự báo đầu năm. Vì vậy, cần phân tích rõ động lực của tăng trưởng này để bảo đảm duy trì mức tăng trưởng một cách ổn định.
Lạm phát đang được kiểm soát, nhưng áp lực lạm phát cuối năm còn tiềm ẩn do một số yếu tố như thiên tai, bão lũ và những bất ổn về kinh tế của khu vực và thế giới, dư địa điều hành giá cả không còn nhiều.
Đề nghị cần đánh giá hiệu quả điều hành chính sách giá thông qua việc điều chỉnh giá dịch vụ công mà Nhà nước cung cấp, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa bên cung ứng và bên sử dụng dịch vụ.
Uỷ ban Kinh tế cũng đề nghị cần đánh giá đầy đủ hơn về thực trạng của doanh nghiệp, báo cáo rõ về xu hướng thay đổi quy mô vốn bình quân và quy mô bình quân lao động của doanh nghiệp ngoài Nhà nước; tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, chờ giải thể cao.
Báo cáo cũng đề nghị tiếp tục phân tích, đánh giá cụ thể hơn một số nội dung trong lĩnh vực giáo dục, y tế, quốc phòng, an ninh để thể hiện rõ nét những kết quả đã đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội năm 2018.
Về tình hình kinh tế-xã hội 3 năm 2016-2018, Báo cáo của Uỷ ban Kinh tế cho rằng, sau 3 năm thực hiện, nền kinh tế vẫn giữ được nhịp tăng trưởng tốt, chất lượng tăng trưởng có nhiều chuyển biến quan trọng.
Tăng trưởng kinh tế đạt mức khá, quy mô nền kinh tế ngày càng mở rộng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định và lạm phát trong tầm kiểm soát theo mục tiêu Quốc hội đề ra.
Nổi bật là cán cân thương mại đã chuyển từ thâm hụt sang thặng dư trong 3 năm liên tiếp, thu hút và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài không ngừng gia tăng, đặc biệt tỷ trọng đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo ngày càng tăng, hiệu quả đầu tư từng bước được cải thiện.
Số lượng doanh nghiệp có sự gia tăng đáng kể; quy mô nguồn nhân lực tăng lên ở tất cả các ngành; công tác y tế, giáo dục, chăm sóc sức khoẻ nhân dân ngày càng được nâng cao; các hoạt động văn hoá, thể dục thể thao đạt được nhiều thành tích nổi bật;
Công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được đẩy mạnh và có kết quả rõ nét; cải cách thủ tục hành chính và tinh gọn bộ máy được chú trọng và triển khai tích cực hơn; quốc phòng an ninh được giữ vững, thu nhập của người dân ngày càng được cải thiện.
Mạng lưới các mối quan hệ đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện được củng cố và mở rộng; quan hệ với các nước từng bước đi vào chiều sâu; tăng cường vai trò của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN).
Ưu tiên hoàn thiện thể chế
Về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019 và việc hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016-2020, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội thống nhất với Báo cáo của Chính phủ về tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế.
Về các chỉ tiêu chủ yếu, cơ bản nhất trí như Báo cáo của Chính phủ, tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị đánh giá kỹ tính hợp lý và khả thi của chỉ tiêu tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu, đồng thời làm rõ cơ sở chỉ tiêu tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3% trong khi kết quả của 3 năm 2016-2018 đều xuất siêu.
Đối với chỉ tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%, Uỷ ban Kinh tế cho rằng tương đối phù hợp, tuy nhiên, cần lưu ý các biện pháp để đạt được mục tiêu Quốc hội yêu cầu là phấn đấu kiểm soát lạm phát 3% vào năm 2020.
Một số chỉ tiêu như tỷ lệ lao động qua đào tạo (60-62%), tỷ lệ dân số thành thị sử dụng nước sạch (88%) còn có khoảng cách khá xa so với mục tiêu đề ra vào năm 2020, đề nghị cần đặt mục tiêu phấn đấu cao hơn.
Về giải pháp cho năm 2019, Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành với 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như trong Báo cáo của Chính phủ và đề nghị quan tâm thêm các nhóm giải pháp, nhiệm vụ như rà soát, hoàn thiện và đẩy nhanh hơn nữa tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn luật.
Hoàn thiện thể chế và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực thi và khai thác tốt những cơ hội từ việc ký kết các hiệp định thương mại tự do. Bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát...