Chính phủ rất tích cực, trách nhiệm cao trong giải quyết kiến nghị của cử tri

Qua giám sát cho thấy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và các cơ quan liên quan đều rất nghiêm túc, tích cực, có trách nhiệm cao trong việc nghiên cứu, xem xét, giải quyết và trả lời đầy đủ các kiến nghị của cử tri.
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải
Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, do Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày sáng 16/11 tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đã khẳng định như trên khi đánh giá về công tác xem xét, giải quyết và trả lời kiến nghị cử tri của Chính phủ, các bộ, ngành.

Theo Báo cáo, mặc dù số lượng các kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ và các bộ, ngành là rất lớn (chiếm tới 91,6% tổng số kiến nghị gửi tới kỳ họp thứ 3), nhưng đều đã được các vị bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp chỉ đạo việc giải quyết (có tới 21/24 bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp ký các văn bản trả lời tới cử tri, như Bộ trưởng Bộ NN&PTNT trực tiếp ký 206 văn bản trả lời, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH ký 193 văn bản, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ký 145 văn bản, Bộ trưởng Bộ Tài chính ký 91 văn bản)...

Chính sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt, trực tiếp như vậy, nên chất lượng việc giải quyết các kiến nghị tại kỳ họp này có một sự chuyển biến khá rõ rệt. Những sai sót đáng tiếc như trả lời không đúng với nội dung câu hỏi mà cử tri nêu, hay cử tri huyện này hỏi lại trả lời sang huyện khác như đã nêu tại báo cáo trước, đã được khắc phục khá triệt để.

Ngoài ra, nhiều bất cập, hạn chế khác được UBTVQH nêu tại báo cáo kỳ trước đều đã được các cơ quan liên quan nghiêm túc tiếp thu, giải quyết, hoặc xây dựng lộ trình để giải quyết.

Cụ thể, về việc giải quyết các kiến nghị của cử tri có nội dung liên quan tới nhiều  ngành, lĩnh vực: Tiếp thu kiến nghị của cử tri, ngày 25/7/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 33/2017/QĐ-TTg về quy chế tiếp nhận, giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri do Quốc hội chuyển đến.Đây là kiến nghị đã được UBTVQH kiến nghị đối với Chính phủ tại nhiều báo cáo giám sát kể từ kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII (10/2009). Việc ra đời của quy chế đã khắc phục được tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm đối với các kiến nghị loại này.

Ngoài ra, quy chế cũng xác định rõ việc tiếp nhận, giải quyết kiến nghị của cử tri là nhiệm vụ quan trọng trong chương trình công tác của các bộ, ngành, địa phương, là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu bộ, ngành, chính quyền địa phương, làm cơ sở cho việc giải quyết hiệu quả kiến nghị của cử tri tại các kỳ họp tiếp theo.

Về việc xây dựng lộ trình đối với các kiến nghị cử tri chưa thể giải quyết ngay cần có thời gian để giải quyết,  Báo cáo nêu rõ, trên thực tế, có nhiều kiến nghị của cử tri mà việc giải quyết cần có thời gian để tổng kết thực tiễn, có thêm nguồn lực... Tuy nhiên, do việc trả lời đối với các kiến nghị loại này còn rất chung chung, không rõ thời hạn giải quyết, nên cử tri mặc dù đã được trả lời nhưng vẫn tiếp tục kiến nghị qua rất nhiều kỳ họp.

Một điểm mới, lần đầu tiên được các bộ, ngành thực hiện tại kỳ họp này, đó là nhiều kiến nghị mặc dù đang còn trong quá trình xem xét, giải quyết nhưng đã được nêu rõ lộ trình và thời hạn hoàn thành để cử tri theo dõi, đôn đốc và giám sát việc giải quyết. Cụ thể, đã có 17/22 bộ, ngành báo cáo lộ trình và thời gian dự kiến hoàn thành việc giải quyết như Bộ NN&PTNT, Bộ Xây dựng, Bộ LĐTB&XH...

Bên cạnh đó, để lắng nghe được tâm tư, nguyện vọng của người dân, Chính phủ tiếp tục duy trì và vận hành hiệu quả hệ thống thông tin tiếp thu kiến nghị cử tri và doanh nghiệp tại Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ. Hoạt động này góp phần hiệu quả vào việc tiếp nhận, xem xét, giải quyết và trả lời cử tri một cách nhanh chóng, kịp thời, có chất lượng, đồng thời tăng cường tính tương tác giữa người dân với Chính phủ.

Theo Báo cáo, có một số vấn đề mà cử tri quan tâm kiến nghị qua nhiều kỳ họp, ví dụ như công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả. Đây là kiến nghị được cử tri liên tục phản ánh từ kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đến nay

 Mặc dù, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã rất tích cực, chủ động đề ra nhiều giải pháp (như thành lập ban chỉ đạo quốc gia, ban chỉ đạo cấp tỉnh về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tổ chức thanh tra, kiểm tra liên ngành để xử lý vi phạm), nhưng tình hình buôn lậu, hàng giả vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố lớn và các tỉnh biên giới.

Qua giám sát tại một số địa phương cho thấy, một trong những điểm bất cập trong việc triển khai công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là có nhiều cơ quan cùng tham gia (chi cục quản lý thị trường, cục hải quan, bộ đội biên phòng, công an...), nhưng sự phối hợp kết hợp còn chưa chặt chẽ, dẫn đến công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát thị trường còn lỏng lẻo, đôi khi còn cục bộ, bị chia cắt theo địa giới hành chính, trong khi thị trường là liên thông (63 chi cục quản lý thị trường thuộc địa phương quản lý, nhưng Cục Quản lý thị trường lại trực thuộc Bộ Công Thương).

Ngoài ra, một số quy định của pháp luật trong lĩnh vực này còn có sự chồng chéo, mâu thuẫn, không rõ ràng như: Quy định về tịch thu phương tiện vận tải đối với hành vi vi phạm; về kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; thế nào là hành vi vi phạm nghiêm trọng còn chưa được quy định cụ thể, nên việc áp dụng đôi khi không thống nhất.

Khắc phục bất cập này, tiếp thu ý kiến cử tri, để nâng cao hiệu quả chống buôn lậu, gian lận thương mại, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát các quy định của pháp luật để kịp thời sửa đổi, bổ sung.

Ngoài ra, ngày 18/8/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2017/NĐ-CP có nội dung thành lập Tổng cục Quản lý thị trường trực thuộc Bộ Công Thương là đầu mối quản lý các cục, chi cục quản lý thị trường tại các tỉnh, thành phố, giúp cho hoạt động của lực lượng này được thống nhất từ Trung ương xuống địa phương. Qua đó xử lý kịp thời, đồng bộ, hiệu quả các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và buôn bán hàng giả đang diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp trên toàn quốc, góp phần khắc phục những bất cập trong thời gian vừa qua.

Đối với một số tồn tại hạn chế đã nêu tại báo cáo trước, Chính phủ đã chú trọng chỉ đạo rà soát, giải quyết dứt điểm nhiều vấn đề.

Đối với nhóm vấn đề liên quan đến xử lý tình trạng nhà xây theo dự án vùng vượt lũ ở ĐBSCL để hoang phí do thiếu hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng đã thành lập đoàn liên ngành kiểm tra, rà soát tình hình thực hiện; tổ chức họp với bộ, ngành có liên quan để trao đổi hướng xử lý và đã báo cáo, đề xuất các giải pháp khắc phục trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các tỉnh về việc xử lý khắc phục tình trạng bỏ trống lô nền, bỏ trống nhà tại các cụm, tuyến thuộc Chương trình cụm tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL…


Theo VGP

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục