Đó là thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2011 dưới 20%; tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 15 - 16%; điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối linh hoạt, thực hiện các biện pháp cần thiết để tổ chức, cá nhân bán ngoại tệ cho ngân hàng khi có nguồn thu và được mua khi có nhu cầu hợp lý... Đó là chính sách tài khoá thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách nhà nước với các yêu cầu khắt khe là tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên của 9 tháng còn lại; giảm bội chi ngân sách xuống dưới 5% GDP; kiên quyết không ứng trước vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ năm 2012 cho các dự án; không kéo dài thời gian thực hiện các khoản vốn đầu tư ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ năm 2011 đã được bố trí vốn năm 2011…
Ngay sau thông điệp của Thủ tướng, các kế hoạch chi tiết cho đoàn kiểm tra, giám sát về đầu tư công tới các địa phương và đoàn làm việc tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai. Nội dung rà soát, các tiêu chí dành cho các dự án cắt giảm cũng đã được xác định trên cơ sở kinh nghiệm cắt giảm đầu tư công được thực hiện vào năm 2008, cũng với mục tiêu kiềm chế lạm phát.
Một chỉ tiêu mới đang được định hình nếu các giải pháp quyết liệt được thực hiện tốt, đó là tổng đầu tư xã hội năm 2011 có thể giảm xuống mức 38 - 39% GDP, thay vì tỷ lệ 40% GDP như kế hoạch. Khi đó, sức ép tới tỷ giá, lạm phát sẽ giảm phần nào.
Bộ Tài chính đã phát đi các thông tin cho thấy, những văn bản điều hành về tài chính đang sẵn sàng được ban hành. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thì cho biết, đã lên kế hoạch phối hợp với các địa phương để triển khai yêu cầu tăng cường kiểm tra và xử lý vi phạm trong kinh doanh ngoại hối, hoạt động kinh doanh vàng… Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng cam kết thực hiện ngay những giải pháp an sinh xã hội, nhất là thực hiện hỗ trợ tiền điện 30.000 đồng/tháng cho các hộ nghèo ngay trong nửa đầu tháng 3.…
Ngày 24/2, các giải pháp quyết liệt đã được đưa ra ở cấp cao nhất, nhưng ngay trong Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết của Chính phủ, những lấn cấn không phải không còn, khi các địa phương và một số đơn vị vẫn tiếp tục đề nghị được cấp vốn từ ngân sách nhà nước cho đầu tư. Nhìn ở góc độ địa phương và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, trong bối cảnh nhu cầu phát triển tăng mạnh, thì việc khó nhất là xác định dự án nào là cần thiết và dự án nào chưa thực sự cần thiết có thể lùi lại. Như vậy, giải pháp đã rõ, nhưng sự nhận thức và sự chủ động của các cơ quan thực thi mới là điều quyết định sự thành công và hiệu quả thực tiễn của các giải pháp này.