Phản ứng của NĐT trong thời điểm hiện nay có thể xuất phát từ việc họ lo ngại chính sách vĩ mô và trông chờ việc thực hiện chính sách thật rõ ràng. Về phía cơ quan quản lý, có thể đã có những giải pháp được đưa ra hoặc đang được nghiên cứu, song cũng chưa được quyết định thật dứt khoát, đây cũng chính là thực tế vận hành chính sách, lâu nay thường như vậy. Xử lý nhiều vấn đề trong cùng một thời điểm sẽ rất khó, bởi chính sách có thể nâng đỡ cho lĩnh vực này nhưng không tạo thuận lợi cho lĩnh vực kia; vì thế, các nhà làm luật trong bối cảnh này thường phải nhìn yếu tố dài hạn hơn là đưa ra can thiệp hành chính có tác động ngay đến thị trường.
Cá nhân tôi vẫn tin rằng, Chính phủ sẽ không để TTCK quay ngược lại, rơi vào thời kỳ suy thoái như những năm đầu hoạt động. Thị trường như hiện nay, các thành viên có thể đưa ra những kiến nghị; và trên cơ sở nghiên cứu thật kỹ, cơ quan quản lý có thể đưa ra chính sách thật dung hòa, nhưng vận hành như thế nào cũng cần nhìn tới yếu tố phát triển dài hạn chứ không phải vì tìm cách đẩy TTCK lên ngay mà đưa ra chính sách đối phó. Cần có một nhìn nhận rằng, chỉ số chứng khoán trong tương quan với khu vực và thế giới bao nhiêu là hợp lý chứ không thể quan niệm rằng chỉ số đó đã lên 1.000 điểm thì sẽ phải đạt mức cao hơn, 1.100 điểm chẳng hạn.