Chính phủ họp cuối năm, nợ xấu vẫn “nóng”

(ĐTCK) Tâm điểm “nóng” của nền kinh tế là nợ xấu đã được đặt lên bàn nghị sự của Chính phủ tại Phiên họp thường kỳ tháng 12.
Chính phủ họp cuối năm, nợ xấu vẫn “nóng”

Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD), Đề án lập công ty quản lý tài sản, Đề án thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài…, là những vấn đề quan trọng được Chính phủ đưa ra thảo luận tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12 đang diễn ra (bắt đầu từ chiều 26/12), dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. 

 

“Nóng” xử lý nợ xấu

Tâm điểm “nóng” của nền kinh tế đã được đặt lên bàn nghị sự của Chính phủ tại Phiên họp thường kỳ tháng 12. Các thành viên Chính phủ đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống TCTD và Đề án lập Công ty quản lý tài sản. Theo ý kiến của một số thành viên Chính phủ, xử lý nợ xấu trong hệ thống TCTD cần đặt trong tổng thể giải quyết nợ xấu của nền kinh tế. Nếu xử lý nợ xấu chậm, thiệt hại lớn không chỉ đối với ngân hàng mà cả đối với nền kinh tế…

Theo Đề án, Công ty quản lý tài sản có nhiệm vụ xử lý khoảng một nửa nợ xấu có tài sản thế chấp, trách nhiệm còn lại được đặt lên vai hệ thống tín dụng. Mục tiêu đề ra là nỗ lực đến năm 2015, cơ bản xử lý xong nợ xấu trong hệ thống TCTD... Việc sớm thông qua và triển khai hai đề án này đang được kỳ vọng sẽ tạo bước ngoặt trong xử lý nợ xấu, vốn đang được coi là “điểm nghẽn” vĩ mô lớn nhất hiện tại.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao Ngân hàng Nhà nước nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ, nghiên cứu sâu kinh nghiệm của thế giới và nhất là từ thực tiễn để tiếp tục hoàn thiện Đề án. Trong đó, tập trung làm rõ mục tiêu, các nhóm giải pháp cụ thể, nhằm đảm bảo tính khả thi cao khi triển khai. Ngân hàng Nhà nước cần tập trung hoàn chỉnh Đề án, để báo cáo Bộ Chính trị quyết định, trên cơ sở đó tổ chức triển khai ngay khi có chủ trương.

Giới đầu tư nhìn nhận, chỉ khi bài toán nợ xấu được giải quyết dần, thì mới mở đường cho phá băng tín dụng. Từ đó, khơi thông “mạch máu” cho nền kinh tế, tiếp sức cho DN khôi phục sản xuất - kinh doanh.

 

Lập Ban Chỉ đạo đầu tư nước ngoài Quốc gia

Cũng trong Phiên họp cuối cùng của năm 2012, Chính phủ đã thảo luận Đề án thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình. Theo đánh giá của các thành viên Chính phủ, việc đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư, khắc phục những tồn tại, chồng chéo trong thu hút đầu tư nước ngoài đang đặt ra bức bách.

Từ nay đến năm 2020, Chính phủ đưa ra 3 định hướng lớn đối với thu hút đầu tư nước ngoài: quy hoạch, lựa chọn các dự án có chất lượng, công nghệ cao, thân thiện môi trường, sản phẩm có sức cạnh tranh cao và phù hợp với định hướng tái cấu trúc nền kinh tế của từng vùng, từng ngành; thu hút các dự án quy mô lớn, sản phẩm cạnh tranh cao, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia, từ đó xây dựng, phát triển hệ thống các ngành, DN phụ trợ; chuyển dần thu hút đầu tư nước ngoài với lợi thế giá nhân công rẻ sang cạnh tranh bằng nguồn nhân lực chất lượng cao... Trong đó, ưu tiên ngành, lĩnh vực trước, rồi mới tới vùng, lãnh thổ.

Để đạt mục tiêu trên, Chính phủ sẽ thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ. Trong đó, nghiên cứu lập Ban Chỉ đạo đầu tư nước ngoài tầm quốc gia, để đủ thẩm quyền xử lý các khó khăn, vướng mắc; tập trung sửa đổi chính sách ưu đãi đầu tư; chấn chỉnh, đổi mới công tác xúc tiến đầu tư; tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước sau cấp giấy chứng nhận đầu tư… Đặc biệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị, trong thời gian tới, sẽ chọn khoảng 30 tập đoàn xuyên quốc gia về cơ sở hạ tầng, công nghiệp chế tạo, để tiếp cận và giới thiệu dự án cụ thể… Việc tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại tập trung để giới thiệu môi trường đầu tư sẽ chủ động, thống nhất hơn, thay vì giao cho các địa phương tự tổ chức như hiện nay.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, nếu chúng ta không cải cách, đổi mới môi trường thu hút đầu tư nước ngoài, chắc chắn sẽ bị tụt hậu, không thể cạnh tranh được với các nước trong khu vực liên tục có những chính sách cởi mở thu hút đầu tư. Bởi vậy, các bộ, ngành cần khẩn trương rà soát, kịp thời sửa đổi những chính sách ưu đãi đầu tư không còn phù hợp, trong đó tập trung vào các chính sách về phí, thuế, giải phóng mặt bằng… Trên cơ sở đó, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về quản lý đầu tư nước ngoài, để trình Chính phủ sớm ban hành và tổ chức thực hiện.

Chính phủ họp cuối năm, nợ xấu vẫn “nóng” ảnh 1

Giải quyết được nợ xấu mới khơi thông “mạch máu” cho nền kinh tế

Tân Văn
Tân Văn

Tin cùng chuyên mục