Chính phủ đề xuất bổ sung gần 15.500 tỷ đồng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, sáng 29/5, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình số 238/TTr-CP về việc phân bổ dự phòng chung vốn ngân sách trung ương trong nước còn lại và một số nội dung liên quan đến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Tờ trình tập trung báo cáo về việc phân bổ dự phòng chung vốn ngân sách trung ương (NSTW) trong nước còn lại và 10.000 tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; Bổ sung danh mục dự án mới từ nguồn điều chỉnh nội bộ và dự phòng 10% tại bộ, ngành, địa phương và một số nội dung liên quan đến việc giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, kết quả đạt được của dự kiến phương án phân bổ đã đảm bảo bố trí vốn tập trung, theo đúng các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn dự phòng chung đã được Quốc hội quy định tại Nghị quyết số 71/2018/QH14; Bố trí đủ vốn cho các dự án lớn, dự án quan trọng, cấp bách của nền kinh tế nhằm thực hiện mục tiêu đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại Đảng và Nhà nước đề ra trong giai đoạn 2016-2020.

Trong phương án phân bổ vốn cụ thể, bên cạnh việc ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, ứng phó với biến đổi khí hậu, còn bố trí cho các dự án thuộc các ngành kinh tế mũi nhọn và vùng kinh tế trọng điểm nhằm tạo động lực phát triển toàn nền kinh tế, đã ưu tiên cho vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, chịu ảnh hưởng nhiều thiên tai, đặc biệt vùng đồng bằng sông Cửu Long góp phần thu hẹp dần khoảng cách về trình độ phát triển kinh tế, thu nhập và mức sống của dân cư giữa các vùng, miền trong cả nước. Đáp ứng những yêu cầu thiết yếu và cấp bách trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn trong ngành giao thông, thủy lợi… mang tính kết nối vùng miền.

Chính phủ đề xuất bổ sung gần 15.500 tỷ đồng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 ảnh 1

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình 238/TTr-CP trước Quốc hội

Về sự cần thiết điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 được triển khai xây dựng từ năm 2015 và bắt đầu từ thực hiện từ năm 2016, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, việc các bộ, ngành và địa phương điều chỉnh (tăng/giảm) kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, trong đó bổ sung dự án mới là cần thiết để phù hợp với tình hình thực tế triển khai kế hoạch đầu tư trung hạn, yêu cầu thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của bộ, ngành và địa phương.

Nguồn vốn bố trí cho các dự án mới của các bộ, ngành và địa phương là từ nguồn điều chỉnh nội bộ (cắt giảm kế hoạch đầu tư công trung hạn của dự án đã có trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn) và 10% dự phòng vốn NSTW đã giao cho các bộ, ngành và địa phương đó theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 26/2016/QH14 ngày 10 tháng 11 năm 2016 của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, không điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn giữa các bộ, ngành và địa phương.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, về nguyên tắc điều chỉnh, việc điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư vốn của các dự án phải đảm bảo mục tiêu, hiệu quả dự án, hoàn thành đúng tiến độ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và các bộ, ngành và địa phương cam kết không đề xuất bổ sung vốn NSTW cho các dự án điều chỉnh giảm này trong giai đoạn 2016-2020. Số vốn còn lại sau khi điều chỉnh giảm của từng dự án không thấp hơn số vốn kế hoạch các năm 2016-2018 và kế hoạch năm 2019 bố trí cho dự án.

Đồng thời, việc điều chỉnh tăng kế hoạch đầu tư vốn cho các dự án chưa có trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 từ nguồn cắt giảm kế hoạch đầu tư vốn của các dự án đã có trong danh mục kế hoạch đầu tư trung hạn và nguồn dự phòng 10% tại bộ, ngành và địa phương phải bảo đảm tuân thủ các quy định về nguyên tắc, thứ tự ưu tiên tại Nghị quyết số 26/2016/QH14 của Quốc hội.

Trong đó, ưu tiên thanh toán các khoản nợ thuộc nghĩa vụ trả nợ của NSTW (nếu có), chỉ điều chỉnh cho dự án khởi công mới thật sự cấp bách, các dự án liên quan đến an ninh quốc gia, chủ quyền biển đảo. Mức vốn kế hoạch đầu tư trung hạn sau khi điều chỉnh cho các dự án không vượt quá tổng mức vốn đầu tư phần NSTW được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trên cơ sở các nội dung của Tờ trình, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết nghị giao Chính phủ: Tổ chức triển khai rà soát, hoàn thiện phương án phân bổ nguồn vốn dự phòng chung kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020 trên cơ sở tờ trình số 110/TTr-CP và báo cáo số 178/BC-CP của Chính phủ; Thông báo danh mục dự án và số vốn dự kiến bố trí cho từng dự án cho các bộ, ngành, địa phương có liên quan để có căn cứ triển khai các thủ tục đầu tư của chương trình, dự án theo quy định, nhất là thủ tục thẩm định nguồn vốn và cân đối vốn để quyết định chủ trương đầu tư hoặc quyết định điều chỉnh dự án; Bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho các dự án tại Phụ lục kèm theo của các bộ, ngành và địa phương với tổng số vốn là 15.478,22 tỷ đồng. Giao Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát, hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án và quyết định giao bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 theo quy định.

Kỳ Thành
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục