“Chính phủ chưa thỏa mãn với những cải cách hành chính thời gian qua“

“Chính phủ chưa thỏa mãn với những gì đã làm được cho doanh nghiệp, cho người dân trong những năm qua, mà phải tiếp tục cải cách”, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính nói.
Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: HP). Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: HP).

Chính phủ sẽ tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. 

Đây là chia sẻ của ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) tại Hội nghị trực tuyến “Giới thiệu Cổng dịch vụ công quốc gia và những lợi ích dành cho doanh nghiệp” được tổ chức chiều nay, tại TP.HCM.

Thực tế, Chính phủ quyết tâm thực hiện và đưa ra các giải pháp cải cách nhưng nhiệm vụ không dừng lại ở việc cải cách các quy định trên giấy mà vẫn tập trung cải cách cả quy trình thực hiện. 

Hiện, các nước khu vực châu Âu đã thực hiện việc cắt giảm theo phương thức khi ban hành một Nghị định mới, phải bỏ 2 quy định cũ liên quan. 

Và Việt Nam đang tiếp cận theo tiêu chuẩn OECD làm nền tảng xây dựng, ban hành Nghị quyết 68/2020. Đây là chương trình cắt giảm tập trung vào toàn bộ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. 

“Điều này có nghĩa, Chính phủ chưa thỏa mãn với những gì Chính phủ đã làm được cho doanh nghiệp, cho người dân trong những năm qua mà phải tiếp tục cải cách để cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển”, ông Ngô Hải Phan khẳng định và cho biết, mục tiêu của nhiệm vụ này nhằm cắt giảm ít nhất 20% gánh nặng chi phí liên quan đến điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, tiêu chuẩn kỹ thuật, kiểm tra chuyên ngành,…cho doanh nghiệp. 

Dù vậy, ông Ngô Hải Phan thẳng thắn nói về thực tế đang diễn ra khi cắt giảm các điều kiện kinh doanh thì “nhiều Bộ biến tướng đưa ra các tiêu chuẩn kỹ thuật gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp”.

Do đó, bên cạnh việc giao cho các Bộ rà soát vướng mắc của doanh nghiệp, người dân, Văn phòng Chính phủ sẽ rà soát, đánh giá độc lập và đưa ra quan điểm nhằm hài hòa lợi ích doanh nghiệp cùng mục tiêu quản lý Nhà nước của các Bộ, ngành. 

Về nhiệm vụ tập trung cải cách quy trình thực hiện, Chính phủ kỳ vọng, thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia, người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận đồng bộ đến tất cả các cổng dịch vụ công các Bộ, các địa phương. 

Cổng dịch vụ công quốc gia không yêu cầu cung cấp lại thông tin đã cập nhật trên hệ thống nhờ lần thao tác trước đó.

Một thủ tục được hoàn tất có thể triển khai ở tất cả các địa phương. 

Ví dụ, nếu trước đây, doanh nghiệp phải đăng ký thủ tục thông báo khuyến mại thì nay, chỉ cần cập nhật tại Cổng dịch vụ công quốc gia và tùy chọn số lương tỉnh, thành áp dụng.

Đại diện Cục Kiểm soát thủ tục hành chính thông tin, đầu tháng 07/2020 sẽ cùng các Bộ ra mắt thêm một số dịch vụ công như dịch vụ chứng thực điện tử từ bản sao so với bản chính, đóng phạt trực tuyến/thủ tục giấy tờ liên quan trong việc trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Đơn cử, thống kê của Bộ Tư pháp cho thấy, năm 2019 có 102 triệu bản sao chứng thực thì có đến 30% được thực hiện theo hình thức điện tử và tiết kiệm gần 500 tỷ đồng. 

Cổng thông tin còn cung cấp kênh phản ánh, tiếp nhận ý kiến không chỉ về thủ tục hành chính mà bao gồm cơ chế, chính sách, thủ tục, hành vi cán bộ công chức,…

Qua đó, đánh giá mức độ hài lòng cổng dịch vụ công các Bộ, địa phương đang cung cấp. 

“Cổng dịch vụ công quốc gia là địa chỉ cung cấp các dịch vụ công còn các Bộ, địa phương là sẽ đơn vị giải quyết nhưng không tiếp xúc trực tiếp mà thông qua nền tảng Cổng dịch vụ công quốc gia”, ông Ngô Hải Phan cho biết. 

Hồng Phúc
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục