Theo Reuters, ngày 8/2, Anh thông báo áp đặt vòng trừng phạt mới "nhằm vào quân đội Nga và giới tinh hoa Điện Kremlin," bao gồm 6 thực thể cung cấp thiết bị quân sự như máy bay không người lái (UAV) cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Chính phủ Anh ra thông cáo xác nhận các biện pháp trừng phạt cũng nhắm vào 8 cá nhân và 1 tổ chức liên quan tới mạng lưới tài chính giúp "duy trì sự giàu có và quyền lực trong giới tinh hoa Kremlin." Động thái này diễn ra vào thời điểm Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tới Anh.
Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) ngày 27/1 đã quyết định gia hạn các lệnh trừng phạt về kinh tế đối với Nga thêm 6 tháng (tới ngày 31/7).
EU đưa ra lệnh trừng phạt đối với Nga lần đầu tiên vào năm 2014 sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea.
Các lệnh trừng phạt này được gia hạn thường xuyên trong 8 năm qua và được mở rộng đáng kể vào tháng 2/2022, liên quan chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.
Tính đến nay, EU đã áp đặt 9 vòng trừng phạt đối với Nga.
Gói trừng phạt về kinh tế của EU nhằm vào Nga bao gồm một loạt biện pháp như hạn chế đối với thương mại, tài chính, công nghệ và hàng hóa lưỡng dụng, công nghiệp, vận tải và hàng xa xỉ.
Ngoài ra còn có lệnh cấm nhập khẩu hoặc vận chuyển dầu thô bằng đường biển và một số sản phẩm dầu mỏ từ Nga sang EU, loại bỏ các ngân hàng của Nga khỏi Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) và đình chỉ hoạt động phát sóng cũng như giấy phép của một số cơ quan truyền thông do Chính phủ Nga tài trợ.
Bên cạnh đó, EU cũng đã áp dụng nhiều biện pháp như hạn chế về quan hệ kinh tế với bán đảo Crimea, thành phố Sevastopol..., đóng băng tài sản và hạn chế đi lại đối với nhiều cá nhân và tổ chức, cùng các biện pháp ngoại giao khác.