Chiêu thức lừa 40 tỷ đồng cổ phiếu OTC

(ĐTCK-online) Theo Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội, cơ quan này vừa chuyển hồ sơ vụ án Đoàn Vũ Thanh Nghĩa (sinh năm 1969, trú tại phố Huế, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội) lừa đảo hơn 40 tỷ đồng tiền giao dịch chứng khoán chưa niêm yết (OTC) sang Tòa án nhân dân TP. Hà Nội, để nghiên cứu và đưa ra xét xử theo quy định.
Giai đoạn thị trường sôi động, 
nhiều vụ lừa đảo cổ phiếu OTC đã xảy ra (Ảnh minh họa: Hoài Nam) Giai đoạn thị trường sôi động, nhiều vụ lừa đảo cổ phiếu OTC đã xảy ra (Ảnh minh họa: Hoài Nam)

>> Vụ siêu lừa chứng khoán sắp được xét xử trở lại

Dự kiến, vụ án sẽ được Toà án nhân dân TP. Hà Nội đưa ra xét xử vào cuối tháng 5 này. Đây là vụ án đang thu hút sự quan tâm của dư luận không chỉ vì số tiền bị cáo chiếm đoạt lớn, mà còn bởi có nhiều tình tiết phức tạp do liên quan đến nhiều bị hại.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội cho biết, nội dung truy tố không thay đổi so với cáo trạng đã được Viện hoàn chỉnh và chuyển cho Toà án nhân dân TP. Hà Nội đưa ra xét xử tại phiên toà cuối năm ngoái. Theo đó, Nghĩa bị truy tố về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 139, khoản 4, điểm a Bộ luật Hình sự.

Theo cơ quan công tố, khoảng từ năm 2007 - 2008, Nghĩa tự giới thiệu mình có quen biết với những người có khả năng mua giúp được  lượng lớn cổ phiếu OTC ưu đãi của các DN đang tiến hành cổ phần hóa. Nghĩa tung tin, nếu ai mua loại cổ phiếu này, chắc chắn sẽ có cơ hội thu lãi từ 5 - 10%. Tỷ lệ lợi nhuận hấp dẫn này đã nhanh chóng tạo sức hút đối với nhiều người, nên họ đã tin tưởng đưa tiền cho Nghĩa để mua gom chứng khoán OTC. Nhận được tiền của các bị hại, Nghĩa không bàn giao chứng khoán như cam kết, mà chi dùng cho mục đích cá nhân. Tổng số tiền mà Nghĩa chiếm đoạt của các bị hại lên đến hơn 40 tỷ đồng, trong đó người bị thiệt hại nhiều nhất lên đến gần 16 tỷ đồng.

Vẫn theo cơ quan công tố, để tạo "vỏ bọc" cho hành vi lừa đảo, trong quá trình giao dịch với các bị hại, Nghĩa đã sử dụng chiêu thức: sau khi nhận được khoản tiền hàng chục tỷ đồng của bị hại, Nghĩa chuyển trả lại cho họ vài tỷ đồng kèm theo giải thích, đó là tiền lãi từ đầu tư chứng khoán OTC. Với chiêu thức này, Nghĩa đã chiếm được lòng tin của nhiều người, nên họ đã tiếp tục chuyển số tiền lớn cho Nghĩa để mua cổ phiếu OTC mà không chút nghi ngờ.

Vụ án đã được Toà án nhân dân TP. Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm ngày 27/9/2010. Tại phiên xử này, trong phần thủ tục bắt đầu phiên toà, bị cáo Nghĩa đề nghị thay đổi kiểm sát viên Nguyễn Thị Nga, vị đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội giữ quyền công tố tại phiên toà, với cáo buộc, trước thời điểm Toà án đưa vụ án ra xét xử, vị kiểm sát viên này đã gợi ý gia đình Nghĩa "chạy án" để được hưởng khung, khoản truy tố nhẹ hơn. Tình huống bất ngờ này đã buộc Hội đồng xét xử phải dừng phiên xử và trả hồ sơ cho Viện kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội để điều tra làm rõ.

Theo một lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội, sau khi nhận lại hồ sơ vụ án, Viện đã nhanh chóng tiến hành xác minh nội dung tố cáo đại diện cơ quan công tố có dấu hiệu "chạy án". Kết quả, Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội kết luận, không có chuyện kiểm sát viên Nguyễn Thị Nga gợi ý gia đình bị cáo Nghĩa đưa tiền "chạy án". Bởi vậy, tại phiên tòa dự kiến diễn ra vào cuối tháng 5/2011, bà Nga tiếp tục giữ quyền công tố. Kèm theo đó, Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội còn cử thêm kiểm sát viên Trần Quyết Chiến giữ quyền công tố trước tòa, nhằm đảm bảo quá trình xét xử diễn ra công minh, đúng luật định.

Theo quy định tại Điều 139, khoản 4, điểm a Bộ luật Hình sự và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người nào có hành vi chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Đây là các mức hình phạt mà bị cáo Nghĩa phải đối mặt tại phiên xét xử sắp tới.

Tân Văn
Tân Văn

Tin cùng chuyên mục