Sử dụng hóa đơn VAT khống, lập quỹ “đen: trục lợi
VKP thành lập vào năm 2000, thay đổi ĐKKD lần thứ 7 (tính đến năm 2009), với vốn điều lệ 80 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước chiếm 4,89%. Trụ sở công ty đặt tại 101 Tân Hóa, P14Q6, TPHCM. Ngành nghề kinh doanh: sản xuất các loại bao bì nhựa, bao bì PP và các sản phẩm từ nhựa... do bà Nguyễn Thị Minh Châu làm chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc, đồng thời cũng là người đại diện cho phần vốn nhà nước. Từ năm 2005 đến 2009, VKP thanh toán nhiều khoản như: mua nguyên liệu, chi phí hoa hồng cho khách hàng, mua linh kiện, sửa chữa máy móc... nhưng không có hóa đơn GTGT. Để hợp lý hóa các khoản chi này, bà Châu đã chỉ đạo Huỳnh Lê Mỹ Thi - kế toán trưởng và Lê Thị Kim Chi - thủ quỹ lập một sổ theo dõi riêng gọi là “sổ ngoài quỹ”. Số liệu thu chi thể hiện tại sổ này hơn 43,5 tỷ đồng để thanh toán khống 274 hóa đơn GTGT, trị giá hơn 32 tỷ đồng, mua nguyên liệu sản xuất. Thanh toán một số hóa đơn có giá trị cao hơn thực tế lấy tiền chênh lệch gần 2 tỷ đồng; một số khoản thu khác không rõ ràng gần 1,4 tỷ đồng; thanh toán các hóa đơn vận tải có giá trị cao hơn thực tế lấy tiền chênh lệch hơn 3,7 tỷ đồng và cùng nhiều khoản mập mờ khác.
Trong phi vụ sử dụng hóa đơn khống mua nguyên vật liệu sản xuất, VKP đã trốn thuế gần 3 tỷ đồng qua việc thành lập xưởng tái chế nhựa phế liệu tại Bình Chánh do Đỗ Thị Lan Chi quản lý. Lúc đầu xưởng này chỉ tái chế nhựa phế liệu của VKP nhưng sau đó Châu “bật đèn xanh” cho Chi tự bỏ tiền mua thêm phế liệu ngoài vào tái chế. Do việc thu mua trôi nổi không có hóa đơn đầu vào nên khi xuất lại cho Tân Hóa cũng không có hóa đơn. Bà Châu đã chỉ đạo Thi lấy hóa đơn từ nhiều đối tượng gồm: Phan Văn Sang (SN 1968, ngụ P4Q5); Bùi Trọng Nguyên (SN 1974, trú P8Q.Tân Bình, Giám đốc Cty Đại Việt); Huỳnh Thu Hà (SN 1958, trú P4Q11)... nhằm hợp lý hóa nguồn hàng trên và được khấu trừ gần 3 tỷ đồng thuế VAT. Ngoài ra, theo kết luận của CQĐT, Nguyễn Thị Minh Châu và Huỳnh Lê Mỹ Thi còn có hành vi thanh toán các hóa đơn có giá trị cao hơn giá trị thanh toán thực tế trong một số chi phí khác, chênh lệch hơn 1,9 tỷ đồng và một số khoản thu khác gần 1,4 tỷ đồng đưa vào quỹ “đen” để lãnh đạo công ty... tự tung tự tác.
Những kiểu làm tiền trắng trợn
Từ năm 2006 đến 2009, Nguyễn Cao Huy An - PGĐ VKP đã dùng hơn 3,5 tỷ đồng để tự chi phí và quan hệ... được bà Châu chỉ đạo tự tìm hóa đơn để hợp thức các khoản chi này. Do có quan hệ với Trần Văn Hồng (SN 1951, trú P14Q.Tân Bình) - Giám đốc Công ty TNHH Hồng Hải - đơn vị nhiều năm làm vận tải hàng cho VKP. An đã xin Hồng ghi tăng giá trị hóa đơn vận tải tương ứng với số tiền An cần sử dụng. VKP phải trả tiền thuế VAT cho phần chênh lệch. Để giữ mối làm ăn, Hồng đã nhiều lần xuất hóa đơn theo đề xuất của An. Phần thuế VAT và phí cho Công ty Hồng Hải, An chỉ đạo cấp dưới thanh toán từ “quỹ đen”, với số tiền chênh lệch gần 4 tỷ đồng cho 34 tờ hóa đơn.
Chưa hết, từ đầu năm 2005 đến 2008, bà Châu còn sử dụng số nguyên liệu được phép hao hụt trong sản xuất (tỷ lệ 2% đến 3%) tương đương 672.650kg hạt nhựa, móc nối bán ra ngoài thu 13,7 tỷ đồng, Châu bỏ vào tủ riêng trong phòng làm việc. Tháng 4/2007, VKP phát hành thêm cổ phiếu, bán với ba loại giá khác nhau: cổ đông chiến lược: 35.000 đồng/CP, cổ đông bên ngoài 40.000 đồng/CP, cổ đông là CBCNV công ty và cổ đông hiện hữu: 10.000 đồng/CP (quyền mua của một người là 200 cổ phiếu). Trần Hòa Nguy là kế toán phân xưởng Bình Chánh đã lập khống danh sách 34 công nhân để được mua 6.800 CP mệnh giá 10.000 đồng/ CP. Sau đó, Nguy bán số cổ phiếu trên cho một khách hàng với mức giá 40.000 đồng/CP. Vụ việc bị phát hiện và Nguy đã bị chấm dứt hợp đồng ngay sau đó... Hiện CQĐT cũng đang tiến hành xác minh nhiều sai phạm khác của VKP thời gian gần đây.