“Chiết xuất” sắt từ bùn đỏ tại 2 dự án bauxite

Theo Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, khi sản xuất tinh quặng sắt từ phế thải bùn đỏ, thì dự án khai thác bauxite tại Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông) đạt hiệu quả khá cao.
“Chiết xuất” sắt từ bùn đỏ tại 2 dự án bauxite

Thưa Phó thủ tướng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết 775 yêu cầu đẩy nhanh tiến độ sản xuất tinh quặng sắt từ phế thải bùn đỏ. Trên thực tế, việc sản xuất tinh quặng sắt từ phế thải bùn đỏ đã được thực hiện đến đâu?

Bùn đỏ là sản phẩm thải rắn trong quá trình tuyển rửa quặng bauxite để tách alumina. Bùn đỏ hủy hoại môi trường rất lớn, do hàm lượng kiềm rất cao. Đây chính là lo ngại lớn nhất của tất cả các quốc gia khai thác bauxite, chứ không riêng Việt Nam.

Tuy nhiên, khác với bùn đỏ của các nước khác, bùn đỏ tại dự án Tân Rai và Nhân Cơ có hàm lượng oxide sắt rất cao, lên tới 46-53%, tương đương hàm lượng sắt là 35,7% và được ví như quặng sắt nghèo. Để khai thác tối đa khoáng sản sắt trong bùn đỏ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, chủ đầu tư (Vinacomin) đã và đang nghiên cứu “chiết xuất” sắt từ bùn đỏ để sản xuất gang và thép. Công việc này đang trong quá trình thí nghiệm.

Cụ thể, thí nghiệm cho kết quả thế nào, thưa Phó thủ tướng?

Theo kết quả thí nghiệm, để sản xuất một tấn quặng sắt có giá bán 1,8 - 2 triệu đồng/tấn, thì cần phải xử lý 2,4 tấn bùn đỏ với tổng chi phí khoảng 1,5 triệu đồng. Hơn nữa, Việt Nam có trữ lượng đá vôi rất phong phú - thành phần không thể thiếu trong luyện gang và thép từ quặng sắt. Vì vậy, chúng ta có thể sử dụng nguồn tài nguyên đá vôi để vừa nâng cao hiệu quả khai thác bauxite, giải quyết công ăn việc làm, chủ động được nguồn nguyên liệu sắt thép, vừa giải quyết được ô nhiễm môi trường, giảm chi phí trong quá trình xử lý bùn đỏ.

Thực hiện Nghị quyết 775 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo chủ đầu tư sớm đưa kết quả thí nghiệm trên vào áp dụng.

Trong thời gian chưa đưa được kết quả thí nghiệm vào thực tế, hiệu quả khai thác bauxite thế nào?

Tính toán theo phương án bảo thủ nhất, thì cả 2 dự án này vẫn có hiệu quả.

Thứ nhất, khi xây dựng phương án khai thác bauxite, chúng ta chỉ tính giá alumina 341 USD/tấn, nhưng hiện tại, giá alumina trên thị trường thế giới đã lên đến 400 USD/tấn và dự báo có thể lên đến 420 - 450 USD/tấn khi kinh tế thế giới phục hồi.  

Thứ hai, ngay sau sự cố vỡ hồ chứa chất thải bùn đỏ tại nhà máy bauxite - nhôm của Hungary (tháng 10/2010), Chính phủ đã nâng tiêu chuẩn thiết kế hồ chứa bùn đỏ tại dự án Nhân Cơ và Tân Rai. Theo đánh giá của Đoàn giám sát hiệu quả tổng thể về kinh tế, xã hội gắn với bảo đảm an ninh, quốc phòng đối với 2 dự án này, thì tiêu chuẩn hồ chứa bùn đỏ của Việt Nam rất cao, nếu không muốn nói là thừa về mức độ an toàn.

Giá bán alumina vẫn tính là 310 USD/tấn, toàn bộ chi phí nâng cao mức độ an toàn hồ chứa bùn đỏ đều tính vào chi phí của dự án. Và ngay cả với phương án được gọi là tiêu cực nhất này, thì khai thác bauxite vẫn đạt hiệu quả cao kể cả về kinh tế, xã hội, bảo đảm môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở Tây Nguyên.

Nhưng đến nay, cả 2 dự án bauxite này vẫn… đang lỗ?

Đối với những dự án công nghiệp có tổng mức đầu tư lên tới 700 triệu USD, thì dự án nào cũng có thời gian lỗ kế hoạch và khoản lỗ kế hoạch bao giờ cũng được tính vào hiệu quả kinh tế trong cả quá trình hoạt động của dự án.

Dù vẫn bị lỗ và chưa khai thác hết công suất, nhưng 2 dự án bauxite đã đóng góp vào ngân sách 700-800 tỷ đồng (thuế tài nguyên), tạo ra 2.400 việc làm trực tiếp. Chưa tính tới việc tinh chế quặng sắt từ bùn đỏ để sản xuất gang, thép, thì với thị trường alumina như hiện nay, thời gian lỗ kế hoạch của mỗi dự án sẽ giảm được khoảng 1-2 năm.

Hai dự án này sử dụng công nghệ, thiết bị của Trung Quốc. Trước những diễn biến phức tạp ở biển Đông, Nghị quyết 775 yêu cầu chủ đầu tư phải sớm tiếp cận và làm chủ công nghệ; quản lý vận hành, tổ chức sản xuất. Những nội dung này đang thực hiện đến đâu, thưa Phó thủ tướng?

Ban đầu, chúng ta định thuê nước ngoài (doanh nghiệp Trung Quốc) vận hành 2-3 năm, nhưng chỉ sau đúng 1 năm, đội ngũ kỹ sư, công nhân Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ quá trình vận hành, làm chủ về thiết bị, công nghệ và không phải thuê nước ngoài nữa. Hiện hai dự án này vẫn trong quá trình bảo hành nên mọi hỏng hóc, trục trặc do nhà thầu chịu trách nhiệm, nhưng Chính phủ đã chỉ đạo, khi hết thời gian bảo hành, chủ đầu tư phải làm chủ được công nghệ, dây chuyền, thiết bị máy móc.       

Mạnh Bôn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục